• Zalo

Những sự kiện chấn động thế giới năm nay

Thế giớiThứ Năm, 26/12/2013 07:28:00 +07:00Google News

(VTC News) - Philippines về thời đồ đá sau bão hủy diệt; Nelson Mandela qua đời; Thanh trừng chính trị ở Triều Tiên là những sự kiện chấn động thế giới năm nay.

(VTC News) - Philippines về thời đồ đá sau bão hủy diệt; Nelson Mandela qua đời; Thanh trừng chính trị ở Triều Tiên là những sự kiện chấn động thế giới năm nay.

Nelson Mandela qua đời

Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi, Nelson Mandela, biểu tượng của cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đã qua đời ở tuổi 95 sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật. 

Huyền thoại da màu qua đời lúc 20h50 ngày 5/12 trước sự tiếc nuối của nhân dân Nam Phi và ngỡ ngàng của toàn thế giới.
Nelson Mandela
Huyền thoại Mandela qua đời ở tuổi 95 
Nelson Mandela trở thành Tổng thống da đen đầu tiên ở Nam Phi vào năm 1994 sau gần 3 thập kỷ đấu tranh chống lại sự áp bức của người da trắng và trở thành biểu tượng chống phân biệt chủng tộc không chỉ của quốc gia Nam Phi với 53 triệu dân mà còn của nhân dân yêu chuộng hòa bình và bình đẳng trên thế giới.


Với sự tham gia của 45.000 quan khách, trong đó có nhiều nguyên thủ, ngôi sao và đại diện hoàng gia các nước, lễ tang của Nelson Mandela là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Nam Phi.

Thanh trừng chính trị ở Triều Tiên

Đầu tháng 12, tình báo Hàn Quốc đưa tin, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã sa thải Chang Song-thaek – phó chủ tịch Ủy ban Quốc Phòng Hàn Quốc , đồng thời là chú dượng của mình.

Ít ngày sau, Bình Nhưỡng tuyên bố ông Chang Song-thaek phạm tội phản đảng, phản cách mạng cùng một số tội danh khác. Theo tình báo Hàn Quốc, ông Chang Song-thaek đã bị xử tử trước đó cùng với 6 trợ lý thân cận.
Ông Chang Song-thaek và nhà lãnh đạo Kim Jong-un 
Truyền thông Hàn Quốc nhận định vụ thanh trừng Chang Song-thaek là một phần trong việc “thay máu” bộ máy chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. 
Nhà lãnh đạo trẻ được cho là đã thay thế 44%  quan chức cấp cao của đảng trong vòng hai năm nắm quyền.


Vụ thanh trừng Chang Song-thaek thu hút được sự chú ý của dư luận quốc tế. Washington gọi đây là hành động “tàn bạo”. 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đánh giá: “Quyết định xử tử ông Jang đã nói lên nhiều điều nhưng trước hết đó là sự hấp tấp cũng như mức độ nguy hiểm nhất định của ông Kim. Đây là điềm báo trước cho sự bất ổn và nguy hiểm của quốc gia cô lập”. 

Trong khi đó, Hàn Quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc sau khi Triều Tiên bất ngờ công bố việc đã hành quyết nhanh chóng Chang Song-thaek.

Chính phủ Mỹ đóng cửa

Lần đầu tiên sau 17 năm, bắt đầu từ 0h01 ngày 1/10, chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa khi Thượng viện và Hạ viện không thể thống nhất vấn đề ngân sách. 
Tổng thống Mỹ Barack Obama xin lỗi toàn dân Mỹ vì bế tắc tài khóa khiến chính phủ đóng cửa một phần, nhưng tiếp tục quy trách nhiệm cho phe Cộng hòa.
chính phủ mỹ
Chính phủ Mỹ đóng cửa trong vòng 16 ngày 
Lịch sử nước Mỹ đã chứng kiến 17 lần chính phủ buộc phải đóng cửa. Lần đóng cửa này kéo dài 16 ngày, và gây tổng thiệt hại từ 12 đến 24 tỷ USD cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời niềm tin của người dân đối với chính phủ đã giảm sút nghiêm trọng. Nhà kinh tế học Joel Naroff đánh giá đây là “một thảm họa".
Các nhà kinh tế nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trong vòng 6 tháng, cũng giống như lần đóng cửa trước khi nước này bật dậy thành công vào giữa năm 1996 sau khi chính phủ hoạt động trở lại vào giữa tháng 1 cùng năm.

Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không

Ngày 23/11, Bắc Kinh tuyên bố xác lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, bao trùm lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản và  đảo chìm Ieodo/Tô Nham tranh chấp với Hàn Quốc.

Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, máy bay tiến vào khu vực này phải tuân thủ theo luật của Trung Quốc nếu không sẽ đối mặt với “những biện pháp bảo vệ khẩn cấp”.
vùng phòng không
Sơ đồ vùng phòng không Trung Quốc đơn phương xác lập 
Ngay lập tức, Mỹ, Nhật đã lên tiếng phản đối hành động được cho là vô lý này, đồng thời yêu cầu Trung Quốc bỏ vùng nhận dạng phòng không. 
Không dừng lại tại đó, Mỹ đã cho máy bay B-52 tiến vào vùng phòng không của Trung Quốc mà không cần báo cáo và tiến hành tập trận chung với Nhật Bản ởvùng biển ngoài khơi phía Nam Nhật Bản.


Trước những yêu cầu từ phía Nhật Bản, Bắc Kinh tuyên bố sẽ chỉ xem xét việc hủy bỏ vùng nhận dạng phòng không sau 44 năm nữa, nếu Tokyo làm điều đó với vùng phòng không của Nhật ngay bây giờ. 
Còn về phía Hàn Quốc, Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố mở rộng vùng phòng không mới, bắt đầu có hiệu lực từ 15/12.

Siêu bão Hải Yến tàn phá Philippines

Bắt đầu từ ngày 8/11, siêu bão Hải Yên đã đổ bộ vào miền Trung Philippines. Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất thế giới từng được ghi nhận trong lich sử và để lại hậu quả hết sức thảm khốc.

Theo công bố ngày 27/11 của Ủy ban Quản lý và Giảm thiểu Nguy cơ thiên tai Quốc gia Philippines (NDRRMC) số người chết do siêu bão Haiyan gây ra tại nước này lên 5.500 người, ngoài ra còn 1.757 người mất tích, gần 30.000 người bị thương, đồng thời cuộc sống của người dân quốc gia Đông Nam Á bị xáo trộn hoàn toàn.
siêu bão Hải Yến
Một thành phố ở Philippines hoang tàn sau bão 
Theo ước tính của chính phủ Philippines, tổng thiệt hại trong khu vực bị ảnh hưởng của cơn bão Hải Yến lên tới hơn 761 triệu peso (khoảng 17,7 triệu USD), trong đó khu vực nông nghiệp thiệt hại hơn 560 triệu peso (13 triệu USD).

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết bão Hải Yến đã phá hủy 1/3 khu vực trồng lúa của Philippines và kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp hạt giống mới cho nông dân nước này.


Sau khi tàn phá dữ dội Philippines, siêu bão thế kỷ đã quét qua đảo Hải Nam của Trung quốc và sau đó đổ bộ vào nước ta tại khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh. 

Hoàng Nhi
Bình luận
vtcnews.vn