• Zalo

Những phong tục kỳ lạ trong ngày Tết

Đời sốngThứ Ba, 17/02/2015 11:12:00 +07:00Google News

(VTC News) - Ăn thịt chó ngày Tết, cướp giọng gà, đi ăn trộm lấy may, kiêng ăn tim lợn...là những phong tục ngày Tết kỳ lạ ở nhiều vùng miền nước ta.

(VTC News) - Ăn thịt chó ngày Tết, hò hát cướp giọng gà, đi ăn trộm lấy may, kiêng ăn tim lợn...là những phong tục kỳ lạ trong ngày Tết ở nhiều vùng miền nước ta.

Ngày Tết cả làng xơi thịt chó

Thông thường, trong quan niệm của nhiều vùng đồng bằng Bắc bộ, người ta hay kiêng cữ một vài điều như: Kiêng cho xin lửa, kiêng quét nhà, kiêng nói những điều hàm ý xui xẻo... Đặc biệt, vào những ngày tết, hầu hết gia đình nào cũng kiêng ăn thịt chó, thịt vịt, cá mè...

Sự kiêng kị đó nhằm tránh những điều đen đủi sẽ gặp phải trong suốt cả năm. Ấy thế mà ở thôn Yên Trường (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) ăn thịt chó lại trở thành tục lệ không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới.
 

phong tục ngày Tết kỳ lạ
Mâm cỗ ngày mùng 4 Tết toàn thịt chó của người dân ở thôn Yên Thường
Đầu năm mới, các dòng họ trong thôn đều đi lễ thanh minh và ăn thịt chó vào ngày mùng 4 tết. Sau khi lễ thanh minh về, mọi người tập trung ở nhà trưởng họ hay nhà thờ họ để cùng nhau thưởng thức "cầy tơ 7 món".

Thế hệ này truyền cho thế hệ khác mà không một ai thắc mắc hay nghi ngờ. Để chuẩn bị cho ngày đặc biệt này, người dân nơi đây phải đặt hay chuẩn bị thịt chó từ nhiều ngày trước đó, bởi hầu hết vào ngày mùng 4 tết tất cả các quán thịt chó đều nghỉ bán hàng.

Từ người già đến người trẻ, tất cả cùng ngồi vào mâm ăn cỗ, đông hơn cả đám cưới. Thịt chó được chế biến thành đủ món như ở quán.

Ngôi làng nhỏ với 53 dòng họ, hơn 400 hộ dân suốt bao thế hệ vẫn luôn duy trì phong tục kỳ lạ này. Lạ lùng ở chỗ, những ngày đầu tháng hay ngày rằm trong năm, người dân thôn Yên Trường cũng kiêng ăn thịt chó như các nơi khác.

Người Mông họ Giàng không ăn tim lợn

Dịp Tết, đồng bào Mông họ Giàng sinh sống ven sông Đà thường mổ lợn ăn Tết từ 23 tháng Chạp. Thường mấy nhà cùng họ chung nhau mổ một con lợn, phần thịt không ăn hết, họ chế biến thành món ăn có thể ăn trong cả năm. Điều đặc biệt nhất là họ kiêng ăn tim lợn trong dịp đầu năm mới.

phong tục ngày Tết kỳ lạ
Người Mông họ Giàng lại kiêng ăn tim lợn trong ngày Tết
Trong họ Giàng của đồng bào Mông lưu truyền câu chuyện, rằng nhà kia có ba anh em trai, người em út không được khôn ngoan như hai người anh. Một hôm, người nhà mổ lợn cúng ma, sai người em út trông nồi thịt lợn luộc. Khi người già sai hai anh lớn vào nồi vớt thịt lên để cúng thì thấy thiếu quả tim lợn.

Nghi là người em đã ăn mất, lại sợ người già mắng và bị thần linh trừng phạt, hai người anh bèn giết chết em mình rồi lấy tim người em thay cho quả tim lợn.

Về sau, người nhà tìm được quả tim lợn bị mất, mới biết chuyện hai người anh đã giết em mình. Từ đó, người họ Giàng kiêng không bao giờ ăn tim lợn, đặc biệt là không bao giờ dùng tim lợn để cúng.


Mâm cỗ cúng Tết trên bàn thờ không thể thiếu bánh dầy, mèn mén và rượu ngô. Bánh dầy của người Mông rất đặc biệt. Người ta bóp vụn lòng đỏ trứng gà, trộn lẫn với xôi nếp đã được giã nhuyễn, nặn  thành bánh rồi gói trong lá chuối hay lá dong, dùng để cúng ma và ăn trong những ngày Tết.

Người Lô Lô đi ăn trộm lấy may

Người Lô Lô ở Hà Giang quan niệm thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra.
 
phong tục ngày Tết kỳ lạ
Năm mới, người Lô Lô sẽ lấy trộm một vật nhỏ ở nhà người khác để lấy may
Do đó, họ đi lấy trộm cầu may nhưng không lấy nhiều hay những vật có giá trị lớn, mà chỉ là củ hành, củ tỏi, thanh củi…

Người đi lấy may không đi công khai, không rủ nhau đi, không muốn chủ nhà bắt được. Ai cũng đi âm thầm, lặng lẽ, gặp người quen cũng không chào hỏi. Thế nhưng nhỡ có bị chủ nhà bắt được thì họ cũng không bị trách móc gì.


Người Pu Péo hò nhau “cướp” giọng gà

“Đón giọng gà” hay “Cướp giọng gà” là phong tục rất độc đáo của người Pu Péo ở Hà Giang. Khi giao thừa đến, sắp sang năm mới, người ta phải canh chừng mấy chú gà trống.

phong tục ngày Tết kỳ lạ
Hò hát vang trời át giọng gà trống gáy sáng của đồng bào dân tộc Pu Péo ở Hà Giang
Thấy gà vừa vỗ cánh, chuẩn bị gáy là người ta đốt ngay một quả pháo, ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hò hát vang trời để át tiếng gà gáy.

Người Pu Péo quan niệm: tiếng gà gáy vừa hay, vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy. Vì thế, ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc


Tục gọi trâu về ăn Tết của người Mường

Từ mấy ngày trước Tết, người Mường ở Hoà Bình chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày.
 
phong tục ngày Tết kỳ lạ
Tục gõ mõ gọi trâu về ăn Tết của người Mường ở Hòa Bình
Ngoài ra, người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời “những người bạn đồng áng” này về ăn Tết với gia đình. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.


Gội đầu lấy may của người Thái trắng

Người Thái trắng ở Sơn La tiến hành lễ hội gội đầu từ trưa ngày cuối cùng trong năm. Tất cả già làng, trưởng bản, từ già đến trẻ hò nhau xuống bờ sông để tổ chức lễ gội đầu với mong muốn xua đi tất cả những gì không may mắn trong năm.

phong tục ngày Tết kỳ lạ
Người Thái trắng ở Sơn La thường gội đầu lấy may từ trưa ngày 30 Tết
Họ còn chuẩn bị những bát nước gạo đã được ngâm cho chua nhẹ rồi xối từ từ lên tóc, gợi lên mọi điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới thật tinh khôi.

Lễ gội đầu kết thúc là đến cuộc vui đua thuyền giữa nam và nữ. Người ta tổ chức ném còn, xòe vòng…để trai gái được dịp vui chơi thoả thích.



Trần Anh (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn