(VTC News) - Trong khi vô số doanh nghiệp than ‘chết lâm sàng’ vì không tiếp cận được vốn ngân hàng thì nhiều ‘ông lớn’ lại khiến ngân hàng phát thèm vì nội lực của mình.
Không cần “cầu cạnh” ngân hàng
Hiện nay, rất nhiều ‘đại gia’ bất động sản đang sống dở chết dở vì không vay được vốn và… đã vay được vốn. Không vay được vốn, doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh. Nhưng khi đã vay được vốn, doanh nghiệp lại è cổ gánh chi phí lãi vay khổng lồ.
Trong bối cảnh đó, nhiều ‘ông lớn’ vẫn ung dung với nội lực của mình. Trong đó nổi lên là Trần Anh với kỳ tích 10 năm hoạt động mà không hề phát sinh chi phí lãi vay.
Năm 2012 được xem là năm Trần Anh ‘tiêu tiền’ rất nhiều khi có kế hoạch mở thêm 3 tới 5 siêu thị điện máy. Quý I/2012, chi phí của Trần Anh tăng khi mở thêm địa điểm kinh doanh mới Trần Anh Long Biên tại trung tâm thương mại Savico Megamall tại Long Biên.
Để tăng thị phần và mở rộng thị trường, Trần Anh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô. Siêu thị thứ 4 của Trần Anh ở khu vực quận Hai Bà Trưng dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 7/2012, siêu thị thứ 5 tại khu vực quận Thanh Xuân dự kiến sẽ khai trương vào tháng 11/2012. Ngoài ra Trần Anh vẫn đang tiếp tục tìm kiếm mặt bằng mở thêm từ 1 đến 2 siêu thị nữa tại Hà Nội trong năm 2012.Trần Anh: 10 năm không cần vay ngân hàng
Mặc dù có kế hoạch tiêu tiền với quy mô lớn nhưng Trần Anh vẫn không có nhu cầu sử dụng vốn vay, mà sẽ dùng thặng dư vốn để mở rộng kinh doanh.
Trong khi đó, Công ty cổ phần May Hồ Gươm cũng gây sốc khi quyết định triển khai dự án ‘khủng’ Hồ Gươm Plaza mà không cần tới vốn ngân hàng.
Dự án Hồ Gươm Plaza chính thức được khởi công vào tháng 10/2009 trên khu đất rộng gần 11.000 m2, với tổng mức đầu tư lên tới 1.500 tỉ đồng. Hồ Gươm Plaza là dự án phức hợp bao gồm khu căn hộ hiện đại, khu văn phòng cao cấp và khối đế dành cho bao gồm khu căn hộ hiện đại, khu văn phòng cao cấp và khối đế dành cho trung tâm thương mại.
Với tiến độ xây dựng 8 ngày/tầng như hiện nay, dự kiến đến tháng 11/2012 dự án sẽ hoàn thành phần thô để đi vào hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng vào quý IV/2013. Trong quá trình xây dựng, dự án ngàn tỷ đồng này không hề gặp khó khăn về vốn.
Không hẳn quay lưng với ngân hàng nhưng ‘ông lớn’ trong ngành phân bón là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) cũng có xu hướng đi ngược với thị trường. Trong khi nhiều doanh nghiệp luôn trong tư thế chuẩn bị vay vốn ngân hàng thì DPM lại giảm ‘dựa dẫm’ vào ngân hàng. Quý I/2011, chi phí lãi vay của DPM là 9,5 tỷ đồng nhưng tới quý I/2012, chi phí này giảm xuống 180 triệu đồng.
Là ‘ông lớn’ trong ngành xây dựng, một trong những ngành ‘dựa dẫm’ ngân hàng nhiều nhất nhưng Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) cố gắng duy trì, tỷ lệ vốn vay ngân hàng/vốn chủ sở hữu đứng ở mức thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành, chưa đầy 20%.
Công ty mẹ của DIG vay trên 400 tỷ đồng với lãi suất 16%/năm, trong khi vốn chủ sở hữu lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Cộng với việc có thêm 200 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, DIG có chi phí lãi vay thấp hơn. Đại diện của DIG cho biết so với kế hoạch định ra từ đầu năm, DIG tiết kiệm được khoảng gần 20 tỷ đồng chi phí lãi vay trong năm nay.
Ung dung đón lợi nhuận
Không gặp áp lực chi phí lãi vay cao, các doanh nghiệp hoạt động dựa trên vốn tự có rất tự tin khi triển khai các kế hoạch kinh doanh của mình.
Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTCP May Hồ Gươm tự tin tuyên bố công ty triển khai dự án không phải vay ngân hàng đồng nào nên không phải chịu áp lực về tài chính, lãi vay. Vì thế, nếu thị trường tốt thì lợi nhuận nhiều, thị trường không tốt thì lợi nhuận ít, chứ không bao giờ là không có lợi nhuận.
Dự án 1.500 tỷ đồng không cần tới vốn ngân hàng
Chính vì vậy, dự án không bị bán tháo bằng mọi giá nên giá của dự án không bị lao dốc theo thị trường. Theo đơn vị đại diện bán hàng độc quyền của dự án là Savills Việt Nam, mức giá chào bán căn hộ của dự án sẽ từ 19,6 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT), với các diện tích dao động từ 73 – 146 m2.
Trong khi đó, Trần Anh là một trong các siêu thị điện máy hoạt động khá thành công. Lợi nhuận trước thuế quí II/2012 đạt 26,13 tỷ đồng bằng 67% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế giảm sút là do sự gia tăng của chi phí bán hàng khi mở thêm địa điểm kinh doanh mới.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí cũng công bố lợi nhuận rất khả quan. Quý I/2012, lãi sau thuế của DPM là 937 tỷ đồng, tăng 46,1% so với cùng kỳ năm 2011.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí đã giải thích cho lợi nhuận tăng mạnh. Bên cạnh việc đạm Urea Phú Mỹ tăng cả và sản lượng và giá, doanh thu hoạt động tài chính tăng 70% và chi phí lãi vay giảm hơn 90% đã giúp DPM có lợi nhuận tăng đáng kể.
Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) đã tiết kiệm được khoảng gần 20 tỷ đồng chi phí lãi vay trong năm nay. Tuy nhiên, DIG không hoàn toàn tự tin vào tình hình kinh doanh.
Đại diện DIG cho biết do đặc thù của doanh nghiệp bất động sản, nên việc giảm chi phí lãi vay có tác động vào lợi nhuận hay không còn phụ thuộc vào tính thanh khoản của hàng hóa.
Khánh Hạ
Bình luận