Kỳ 2: Những người đối mặt với hổ
Từ chuyện hai mẹ con đi rừng lấy củi nhìn thấy hổ, trở thành thông tin nhìn thấy hai mẹ con hổ. Người dân thôn Tân Lập xã An Phú (Lục Yên, Yên Bái) có khoảng hơn 80 hộ nghe được tiếng hổ gầm bỗng trở thành 200 hộ xã Minh Tiến. Thông tin nhiễu loạn không biết đâu là thực.
Trên đường ra xã Minh Tiến tìm những người đã gặp hổ, tôi nghe ông Lộc Xuân Chỉ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã An Phú (xem từ kỳ trước) nói: “Cách Thanh minh mấy ngày cháu tôi tên là Lộc Văn Quang ở thôn Cao Khánh (xã An Phú) đi trồng sắn phát hiện một đống xương trong hủm đất. Khi khều lên thấy những sợi lông dài chừng một đốt ngón tay, có sợi lông đen và sợi lông vàng rất mượt, không biết con gì chết ở đó.
Chỗ ấy xa dân nên không có chuyện vật nuôi ra đó chết được. Tôi đoán hay là con hổ con sa chân xuống hủm không lên được nên chết ở đó. Sau đó ít ngày thì nghe tiếng hổ gầm, chắc mất con nên hổ gầm tìm gọi con...”.
Chiếc xương sọ của con dê gãy sừng còn sót lại trong hủm đất |
Tôi theo ông Quang đến nương nhà ông. Chúng tôi phải vượt qua một cái dốc khá dài, đi gần một tiếng đồng hồ mới tới nơi. Ông Quang chỉ xuống hủm đất khá sâu, dưới đó chỉ thấy một đám lông đen đen. Ông Quang nhảy xuống dùng dao gảy một lúc thì thấy chiếc xương sọ của con vật lẫn vào lá cây. Đúng là xương sọ của một con dê nặng trên 20 kg, một sừng đã bị gãy có thể do bị va đập rất mạnh.
Ông Quang nhìn quanh quẩn một lúc rồi chỉ lên phía sườn núi, ông bảo: “Bên kia núi là thôn Tân Lập. Từ đây sang đó phải vượt mấy cái dốc dài nữa, dê của người dân nuôi không bao giờ sang bên này. Sao lại có xác dê chết ở đây, hay là hổ bắt dê từ bên ấy mang sang bên này ăn, chỗ thừa bỏ lại? Các cụ ngày xưa bảo lối này hổ thường đi qua, nên đặt cụp sư (bẫy hổ) trên đoạn đường này”.
Trên đường trở về, ông Quang kể cho tôi nghe những thợ săn hổ ngày trước đặt bẫy ở khu vực Sum Khăm, nơi dãy núi giống như chiếc yên ngựa nên hổ thường qua lại nơi đó.
Sườn núi nơi ngày xưa là lối đi của hổ |
Chiều muộn chúng tôi mới tới nhà bà Hoàng Thị Kim ở thôn Khau Nghiềm, xã Minh Tiến. Bà Kim đi làm đồng chưa về, chỉ có đứa con gái tên là Trịnh Thị Cảnh, năm nay 17 tuổi, học xong lớp 9 thì nghỉ ở nhà lao động giúp mẹ.
Cảnh kể rằng, ngày 16-4 hai mẹ con lên rừng thuộc khu vực Khau Nghiềm nhặt những cành cây trẩu mà người ta vừa khai thác bỏ lại. Lúc đó khoảng 4 giờ chiều, hai mẹ con kéo cây xuống tới gần đường phía dưới là con suối nhỏ, Cảnh đặt bó cây xuống nghỉ, chợt nhận ra phía dưới dốc khuất sau lùm cây có cái gì đó đang động đậy.
Cháu Trịnh Thị Cảnh nói rằng mặt của con hổ to bằng hai bàn tay này |
Con vật nhìn Cảnh chằm chằm không chớp mắt, cô bé gọi mẹ đang kéo cây xuống gần đó: “Mẹ ơi, hổ này”. Bà Kim bảo: “Rừng ở đây làm gì còn hổ nữa”.
Nói rồi bà tới chỗ con gái nhìn xuống nơi con thú nấp sau bụi cây chỉ cách họ khoảng 4 - 5m. Bà Kim giật mình nhận ra đúng là mặt hổ mà bà vẫn nhìn thấy trên tivi. Bà hoảng hốt kéo tay con gái lao vội xuống dốc.
Từ bấy đến nay đã gần một tháng Cảnh không dám bước chân lên rừng, cô vẫn chưa hết sợ hãi bảo tôi: “Cháu không dám lên rừng đâu, mắt con hổ vằn vện cứ nhìn cháu chằm chằm như chực vồ nom sợ lắm”.
Sau đó ba ngày, tại thôn Khe Vai, anh Hoàng Văn Quang và hai người đàn ông khác tên là Thơ và Thu đi đào đá quý trên con suối chảy từ đỉnh dốc Khau Nghiềm xuống. Nơi họ đào đá quý gần nơi hai mẹ con bà Hoàng Thị Kim đã gặp hổ, nhưng chẳng ai tin cả. Bởi đã lâu lắm rồi rừng nơi đây chẳng thấy một bóng thú rừng chứ nói gì đến hổ.
Vợ anh Hoàng Văn Quang kể lại chuyện chồng mình gặp hổ |
Chiều 19-4, ba người thôi đào đá quý leo lên rừng ngay cạnh bờ suối đào măng. Quang và Thơ đang lúi húi đào măng thì nghe thấy tiếng động ở phía trên. Hai người vội nhìn lên, giật mình thấy con hổ đang hướng mắt về phía họ, khoảng cách giữa nó và hai người chừng 5 - 6m. Quang hét lên sợ hãi: “Hổ! Hổ!”.
Thân nó dài chừng 2m, nặng trên 100kg. Trong ánh nắng chiều rọi xiên qua tán lá cây rừng tái sinh, hai người nhìn rõ con vật lông màu vàng sọc đen phóng nhanh như tia chớp mất hút sau lớp lớp cây rừng. Ba người đàn ông vứt cả sọt măng lao vội xuống suối chạy về nhà.
Đêm hôm đó người dân thôn Tân Lập nghe được tiếng hổ gầm cách chỗ nhóm đào măng của Hoàng Văn Quang chừng 3 - 4 cây số. Hôm sau họ lên chỗ đó thấy một số vết chân hổ to bằng bát con ăn cơm còn in trên lớp đất rừng ướt, họ lấy xẻng đào vết chân đó về để mọi người cùng xem.
Ông Vi Thái Thượng kể lại chuyện đàn trâu không chịu lên núi |
Ông Thượng năm nay 59 tuổi, người cao to giọng nói oang oang, ông bảo: “Trước khi mấy người gặp hổ, thằng con rể và con trai tôi lên rừng đặt cạm bẫy chồn, bẫy cáo. Nó nhìn thấy vết chân to như cái bát ăn cơm nó sợ hãi về bảo với tôi: Con thú này to lắm, không chơi được đâu... Khi đó chẳng ai nghĩ là hổ.
Cách khoảng một tuần trước ngày thằng Hoàng Văn Quang gặp hổ tôi thấy có sự lạ. Đàn bò nhà ông Lê Văn Thành có 8 con và đàn bò nhà tôi có 5 con, ngày ngày vẫn đuổi lên bãi chăn thả trên núi. Đàn bò nhà ông Thành nhiều đêm không về mà ngủ lại trên bãi thả. Nhưng rất lạ gần đây chúng không dám lên bãi chăn thả, đuổi thế nào cũng không lên, chúng chỉ ăn quanh quẩn cạnh bìa rừng, tối thì tự tìm đường về nhà.
Dường như lũ vật nuôi cảm nhận được sự bất an nên chúng không dám ở lại đêm trong rừng? Với hiện tượng lạ như vậy, người dân chúng tôi một trăm phần trăm tin rằng rừng Minh Tiến có hổ, còn các anh có tin hay không là việc của các anh...”.
Ông Vi Thái Thượng kể lại chuyện đàn trâu không chịu lên núi |
Tôi còn nhớ ông Tính Bông kể, nhiều lần ông ấy gặp hổ ở khu rừng Pù Lạc Héc, đó là một thung lũng rộng chừng 7 mẫu, nơi ngày xưa lợn rừng, hươu, nai thường về ăn cỏ nên hổ tới đó săn mồi.
Nói thật với các anh kiểm lâm, mới đầu bà con ở đây hoang mang lắm, nhiều người không dám lên rừng, bây giờ có lên rừng hay đi nương đi rẫy thì phải hai, ba người cùng đi, còn một người đi thì sợ lắm.
Sau khi đoàn công tác của Kiểm lâm về họp dân, bà con mới tạm yên tâm, tuy nhiên vẫn còn lo. Tôi thông báo với các hộ trong thôn không ai được làm bất cứ việc gì đe dọa tới tính mạng hổ. Con vật chỉ tấn công người khi nó bị dồn tới đường cùng thôi”.
TheoThái Sinh(NNVN)
Bình luận