Có nhiều phụ nữ vì một lý do nào đó mà rất muốn ly hôn. Nhưng rồi họ bị rơi vào bế tắc, không phải vì không có cách giải quyết mà chỉ vì không có chỗ nào để đi.
Tôi còn nhớ rất nhiều lần từng hỏi mẹ: “Tại sao hồi đó, mẹ đau khổ vậy mà không lựa chọn ly hôn?”. Mẹ trả lời: “Ly hôn thì biết đi đâu bây giờ, nhà cửa không có, còn hai đứa con…”.
Nếu bạn là đàn bà, bạn có một nơi nào đó để trở về mỗi khi đau khổ, hãy biết ơn vì bạn là một trong những người đàn bà may mắn nhất, bởi ngoài kia, rất nhiều người phải cắn răng chịu đựng đau khổ chỉ vì không biết đi đâu…
Hãy khoan nói về sự tự chủ về tài chính. Để mua được một căn nhà mà không có sự trợ giúp của gia đình là điều cực kỳ khó. Nếu có thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng, bạn đã nằm trong top những người có thu nhập khá cao. Với 20 triệu ấy, nếu không chi tiêu gì cả, một năm bạn sẽ để ra được 240 triệu đồng và phải 10 năm sau mới có thể mơ đến một căn hộ tương đối khang trang. Nhưng đó là nếu bạn chưa có con, không chi tiêu gì hết.
Còn nếu bạn có hai đứa con, cho dù cực kỳ tiết kiệm thì với các khoản tiền ăn, tiền học, tiền thuốc men, tiền sữa, tiền quần áo..., mỗi tháng bạn để ra được 10 triệu đồng đã là kỳ tích. Nếu bạn chẳng mua bất kỳ thứ gì cho mình cả thì sau 10 năm bạn mới để ra được hơn 1 tỷ đồng.
Thật ra, nhiều phụ nữ không dám bước ra khỏi cuộc hôn nhân bị phản bội còn vì khó đành lòng từ bỏ, và vẫn cố gắng giành giật. Khi phát hiện chồng ngoại tình, theo tôi, giải pháp thực sự chỉ có một, đó là cần phải tách ra để cả hai cùng nhìn lại mối quan hệ, để đối diện với mất mát, thiếu thốn, để biết trân trọng hơn đối phương, trân trọng hơn những gì mình đang có. Giải pháp này gọi là một mất một còn, được ăn cả, ngã về không, là giải pháp để triệt tiêu nỗi sợ của mình, và để đối phương xác định hoặc thay đổi, hoặc sẽ mất gia đình.
Bạn đừng nghĩ đến chuyện đe doạ người thứ ba, hay đến cùng sự thật, vì sự thật chỉ làm bạn đau lòng hơn mà thôi. Thử nghĩ mà xem, bạn đe doạ người thứ ba, cứ cho rằng người đó rất sợ hãi, chấm dứt với chồng bạn, thì chồng bạn sẽ ở vào tâm thế bị bỏ rơi. Rồi vì cay đắng mà ngày nào bạn cũng dằn vặt chồng, ngày nào cũng nhắc đến người thứ ba, bạn đau khổ, già đi, xấu hơn... và chỉ càng làm cho chồng bạn nhớ đến người kia nhiều hơn. Vả lại, việc đe doạ người thứ ba là làm thấp đi vị thế của mình. Quan điểm của tôi là không giữ gì cả. Trên đời chẳng có gì là của mình mà giữ; giành giật một gã đàn ông, về cơ bản là không đáng.
Thế nhưng điều cay đắng là, đồng ý sẵn sàng buông bỏ rồi, sẵn sàng rời bỏ người đàn ông tệ bạc rồi thì biết đi đâu? Về đâu? Nữ nhi ngoại tộc, con gái đã đi lấy chồng là con nhà người ta, chết làm ma nhà người ta. Hai chữ “ly hôn” hơn cả án tử hình. Tư tưởng ấy đã bám rễ hàng nghìn năm, đè nặng lên vai người phụ nữ.
Cho đến giờ tôi vẫn thấy điều may mắn nhất trong đời mình là bà nội tôi đã luôn nói với tôi rằng, cháu cần phải hạnh phúc, và thế là đủ.
Xử lý các ca ngoại tình, tình huống phổ biến nhất là: Khi người phụ nữ cương quyết 'Một là anh toàn tâm toàn ý với gia đình, hai là tôi sẽ bước ra khỏi cuộc hôn nhân này” thì nội ngoại hai bên xúm lại khuyên can cô ấy nín nhịn. Nếu không chịu nín nhịn, cô ấy sẽ thiệt thòi đủ thứ, chịu vô số chỉ trích.
“Mày là con đàn bà ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình. Chồng mày chơi bời nhưng vẫn có trách nhiệm với gia đình, mày còn muốn gì? Mày bỏ chồng thì đi đâu cứ đi, đừng có vác xác về cái nhà này” - mẹ đẻ nói.
“Đi thì dễ về thì khó. Chị đi được thì đừng bao giờ nghĩ đến chuyện quay lại cái nhà này, nhà tôi không chứa chấp đứa con dâu như chị. Chồng chị sai một, chị sai mười. Như người ta, biết chồng như thế thì lạt mềm buộc chặt, mềm mỏng, khéo léo kéo chồng về, nó chơi chán rồi thì nó cũng thôi. Đằng này chị lại không cho nó gần gũi, nó lại chẳng chán đời, chẳng chơi bời. Chị đi đâu thì đi nhưng phải để cháu tôi lại…” - mẹ chồng nói.
Vậy là người đàn bà bị kẹt trong tình thế bế tắc. Bao nhiêu năm hy sinh, kinh tế chẳng dư dả gì, mua nhà thì khó rồi, mang hai con theo không được, thu nhập không đủ vừa thuê nhà vừa trang trải cuộc sống, để trẻ lại cho ông chồng vô trách nhiệm thì xót con, về nhà mẹ đẻ thì mẹ đẻ không chứa chấp. Cay đắng làm sao!
Tôi có một đứa con gái. Tôi nghĩ rằng nếu ngày nào đó nó bước ra đời và gặp phải người chồng thiếu tôn trọng nó, nhất định tôi sẽ đón con trở về. Dù thông gia có giàu có đến mấy, tôi cũng không đời nào khúm núm, sợ sệt, dặn dò con phải nín nhịn để nhà người ta khỏi phật lòng. Nhà chồng đối xử tệ bạc với con tôi, tôi sẵn sàng nói thẳng, con rể thiếu tôn trọng con tôi, dĩ nhiên đầu tiên phải xem con mình sai ở đâu để sửa; cái sai lớn nhất vẫn là cho phép người ta xem thường mình.
Nhưng đó là tôi. Còn ở ngoài kia, biết bao người đàn bà vẫn đang lấy nỗi đau khổ của mình là niềm tự hào… Biết bao người mẹ từng đau khổ và cho rằng đàn bà đau khổ là lẽ đương nhiên, đàn bà mà không khổ thì không đáng được tuyên dương… Họ tự hào vì mình đau khổ và chịu đựng niềm đau khổ đó trong niềm hân hoan được ca ngợi về đức hy sinh…
Còn như thế thì vẫn còn những đứa con không có nơi để trở về khi muốn từ bỏ cuộc hôn nhân không hạnh phúc, bởi mọi điểm tựa đều mất.
Bình luận