• Zalo

Những nghề 'hot' chỉ Tết mới có

Thời sựThứ Năm, 14/02/2013 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Tết là dịp để người ta sắm sửa, để chộn rộn, nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc và đây cũng là cơ hội để những nghề trở nên “đắt hàng”, chỉ Tết mới có.

(VTC News)  - Tết là dịp để người ta sắm sửa, để chộn rộn, nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc và đây cũng là cơ hội để những nghề trở nên “đắt hàng”, chỉ Tết mới có.


Nghề chỉ Tết mới có
Năm nào cũng vậy, cứ sau rằm Tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch) là anh Hưng lục đục, sửa sang chuẩn bị máy móc ra ngã tư đầu đường đánh lư đồng. Mới đó mà anh đã có thâm niên gần chục năm đánh lư đồng.

Đánh mãi thành quen khách, quen nghề rồi “dính” với nghề. “Nghề đơn giản lắm, một cái mô-tơ đủ mạnh, 1 bố vải, 1 cục sáp đánh đồ đồng là đã làm được nghề. Vì làm thợ hồ nên thời điểm gần Tết cũng thưa việc, cứ sau rằm tháng Chạp là mình vác đồ nghề ra đầu đường nhận đánh lư đồng. 
Cứ sau rằm tháng Chạp, nghề đánh lư đồng trở nên "hot" trong dịp Tết 

Nghề làm cũng đủ sống, đánh bình quân 2-3 bộ/ ngày, giá dịch vụ 150.000 bộ/lớn, 100.000 đồng/bộ vừa và nhỏ hơn. Nhưng cũng tùy theo món, nhỏ nhưng nhiều món cũng như to nên nếu tính ra kiếm cũng kha khá, thu nhập hơn cả làm thợ hồ”.
Cũng như anh Hưng, nhiều thợ đánh lư đồng khác như anh Nhơn, trên đường Tô Hiến Thành, anh Hân đường Nguyễn Chí Thanh (Đà Nẵng)… cứ vào dịp Tết là nhận đồ đồng để đánh và khoản thu nhập mang lại từ đánh đồ đồng so sửa xe thì đây là khoản “thưởng làm Tết”.

“Đến Tết, ai cũng dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên, nên việc đánh đồ lư đồng là chuyện tất yếu. Ban đầu chỉ là làm thêm, sau thành nghề, trước chỉ có người quen trong xóm, sau đến người xóm khác cũng mang đến đánh. Riết vậy thành nghề luôn. Năm nào làm trễ là y như rằng, họ vác bao đến gửi”, anh Nhơn, thợ sửa xe trên đường Tô Hiến Thành cho biết.
Nắm bắt nhu cầu thay cát lư hương bàn thờ của người dân trong dịp Tết. Nghề bán cát lư hương dần xuất hiện và trở thành chuyên nghiệp. Ban đầu chỉ là cát trắng chưa qua rửa, đãi. Thì nay, cát được đãi sạch, phơi khô và đem đến tận tay người mua.

Anh Hậu, người bán cát có thâm niên tại khu vực chợ Hàn (Đà Nẵng) cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết là anh em chúng tôi kéo xe bò cát ra đây bán kiếm thêm thu nhập. Túi lớn thì 20.000 đồng/túi, nhỏ thì 10.000 đồng/túi, tất cả đã được đãi sạch, phơi khô. Một xe bò cát bán tốt cũng kiếm được kha khá, tiền mua cát thì không bao nhiêu, chủ yếu là lấy công làm lời”.
“Hot” nhất trong dịp Tết là dịch vụ vệ sinh nhà cửa. Những ngày này, điện thoại của các công ty vệ sinh trên địa bàn Đà Nẵng liên tục bận bởi các đơn đặt hàng dọn dẹp vệ sinh nhà cửa đón tết. Khách hàng thường tập trung vào các yêu cầu chính như tổng vệ sinh  nhà cửa, lau kính, giặt salon….

Chị Hằng, giám đốc một công ty vệ sinh cho biết, năm nào cũng vậy, từ đầu tháng Chạp công ty đã nhận các hợp đồng dịch vụ của khách hàng và cao điểm nhất là các yêu cầu dọn dẹp từ ngày 20- 29 tháng Chạp bởi ai cũng muốn nhà mình được sạch sẽ ngày cận Tết.

Ngoài 20 nhân viên thường xuyên, công ty còn có đội ngũ nhân công làm việc bán thời gian để tăng cường trong những lúc cao điểm. Với giá trung bình từ 5.000-20.000 đồng/m2 sàn nhà, nhiều gia đình đã chấp nhận bỏ ra chi phí bình quân từ 500.000-1.000.000 triệu đồng để thuê các dịch vụ dọn dẹp cũng giúp nhiều người có thêm thu nhập trong dịp Tết về.

Chị Thanh (Sơn Trà, Đà Nẵng) với kinh nghiệm gần 10 năm trong nghề dọn dẹp nhà cửa cho hay: “Những ngày gần tết là thời gian “chạy sô” căng nhất. Làm có uy tín nên làm không hết việc. Với mức giá dao động từ 130.000-150.000 đồng/buổi cũng giúp gia đình kiếm thêm thu nhập. Một mình làm không xuể mình gọi thêm bạn bè trong xóm làm thêm kiếm cũng đủ lo Tết”.
Dịch vụ dọn vệ sinh nhà của luôn cháy hàng vào dịp Tết 
Một nghề nữa cũng khá hấp dẫn đối với thợ phổ thông đó là nghề chạp mả thuê. Do nhu cầu, đời sống của người dân thành thị thiếu thời gian để chăm lo mồ mả ông bà vào dịp cuối năm nên nghề này hình.

Tại hầu khắp các nghĩa trang trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, từ Gò Cà, Hòa Khương, đến Hòa Sơn, Hòa Ninh… trong những ngày này, đâu đâu cũng thấy cảnh tấp nập của những người thợ tảo mộ thuê. Cùng với đó là những ngôi mộ tươm tất, khang trang hiện ra. Công việc của họ chủ yếu là dọn dẹp, sửa sang, quét vôi ve mồ mã.

Anh Dũng (Hòa Khương), “biên chế” trong đội quân tảo mộ thuê tại nghĩa trang Gò Cà cho hay: “Công việc này đều nhận lại từ một thầu cai. Việc cũng nhiều loại, tương ứng với tiền công cao thấp. Sơn mộ thì tiền công 250.000 đồng/ngày, phần việc khác từ 150.00-200.000 đồng/ngày. Mấy ngày sát tết, làm chăm chỉ, chịu khó cũng kiếm vài triệu lo cho con cái”.
Nghề “hot” cũng lắm chông gai
Nghề “hót”, thu nhập khá, nhưng để theo được nghề cũng thật không phải đơn giản. Đó là chưa nói, ham việc, bỏ bê cả việc dọn dẹp ở nhà. Anh Nhơn làm nghề đánh lư đồng cho biết: “Chuyện đánh lư đồng xem ra dễ vậy nhưng không đơn giản. Đánh không khéo sẽ hư hàng của họ mà máy móc cũng hư.

Khẩu trang không kỹ thì làm không đủ mua thuốc do bụi. Còn vào thời gian cao điểm, nếu không ngăn nắp, để nhầm đồ của khách thì coi như lãnh đủ. Chuyện đền tiền không nói, chuyện mất uy tín là lớn nhất, vì đồ đồng mang đi đánh chủ yếu là đồ thờ cúng”.

Còn anh Hậu bán cát lư hương cho biết: “Cứ nghĩ cát đó, đến cửa hàng vật liệu xây dựng mua về rồi xúc bán là không phải. Muốn bán được thì cát mua về phải xả nước rửa sạch cho đến khi nắm tay không còn bụi bẩn, cát rửa xong phải phơi cho khô rồi sàng kỹ mới đẩy đi bán.

Người mua họ rành lắm, mua cát là sục cả tay vào bao, xem cát có được đãi kỹ, rửa sạch, phơi có khô hay không. Làm ẩu coi như xong”.
Người làm nghề chạp mả thuê luôn mang trong mình nỗi lo rất lạ.

Chia sẻ kinh nghiệm nghề dọn dẹp nhà cửa trong dịp Tết, chị Hằng nói: “Để lấy được đồng tiền của khách đâu dễ. Lau chùi không những sạch sẽ mà phải cẩn thận. Hôm có chị mới vào nghề, loay hoay làm vỡ chiếc bình quý của khách khóc hết nước mắt mà không ăn thua. Tiền công thì không có còn bị bắt đền. Còn chuyện trượt chân té ngã, hay chất tẩy rửa bay vào mắt là chuyện thường ngày. Đâu phải chừng đó tiền là lấy hết được đâu”.
“Ngó đơn giản thế thôi, nhưng phức tạp lắm đấy, muốn ăn tiền phải làm đẹp lòng gia chủ. Dọn nhà đón tết cho người âm, không đơn giản đâu. Yếu bóng vía thì khó lòng theo được nghề này, lạng quạng mà hao công. Và nhất là ai ở vùng nào, làm vùng đó, cấm có thấy trả cao mà lấn sân thì thế nào cũng sinh chuyện”, anh Hùng, một thầu cai chạp mả thuê tại Gò Cà cho biết.
Ông Tư (ở Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng), thợ chạp mả thuê với thâm niên 20 năm lắng lòng nói: “Làm thợ nề bình thường thì qua loa đại khái một chút không sao, chứ nghề này mà làm ẩu thì không ổn. Không ai nói ai, chứ ai đã làm nghề này cũng mang trong mình một nỗi lo rất lạ. Làm không tốt thì có tội với người âm, rồi hậu vận của mình, con cháu mình… Còn chuyện ham làm, phơi nắng dẫn đến đau ốm khiến mất luôn cái Tết là chuyện thường”

Bửu Lân
Bình luận
vtcnews.vn