Nguyên nhân được cho là biên lãi ròng (NIM) tăng, trong khi lãi suất giảm.
Lợi nhuận tăng mạnh quý đầu năm
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 19/3/2021, tổng phương tiện thanh toán toàn ngành ngân hàng tăng 1,49% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm trước tăng 1,55%). Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,47%, cao hơn con số cùng kỳ năm trước (0,68%), nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (1,9%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,54% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,51%). Thế nhưng, các nhà băng báo lãi cao.
Cụ thể, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 ở mức 25.200 tỷ đồng trước thuế. Nhưng trong quý I/2021, lợi nhuận của Vietcombank đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tương đương 28% kế hoạch cả năm. Vì vậy, mục tiêu đưa ra cả năm là hoàn toàn có thể đạt được.
Tại VietinBank, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cho biết, ước lãi trước thuế quý I/2021 của Ngân hàng đạt 7.000 - 8.000 tỷ đồng (chưa gồm phí upfront từ hợp đồng bancassurance với Manulife), cao hơn 135-175% so với cùng kỳ năm trước.
SeABank cũng báo đạt 698,3 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý đầu năm nay, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. MSB trong quý I/2021 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng lợi nhuận, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm 2020.
Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng khá mạnh trong năm nay. Chẳng hạn, MSB, VIB cùng đặt mục tiêu tăng 30%, BIDV tăng hơn 40%, SHB tăng 70%, Eximbank tăng hơn 60%, Techcombank tăng 25% (lên mức gần 20.000 tỷ đồng trước thuế). ACB đặt mục tiêu 10.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Sacombank đặt mục tiêu 4.000 tỷ đồng, HDBank là 7.000 tỷ đồng…
Các chuyên gia phân tích của SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế quý I/2021 của nhóm ngân hàng niêm yết được nghiên cứu tăng 55 - 65% so với cùng kỳ. Trong đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh có khả năng đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục hơn nữa, tăng 75 - 85% so với cùng kỳ, nhờ các ngân hàng này đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề.
Các ngân hàng thương mại cổ phần dự kiến đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 45 - 55% so với cùng kỳ, một phần nhờ lãi suất huy động giảm, giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí đầu vào.
Năm 2021, mặt bằng lãi suất được cho là sẽ giảm thêm khi lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục xây dựng kế hoạch kinh doanh theo hướng giảm lợi nhuận để dành nguồn lực giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với khoản vay cũ, khoản vay trung và dài hạn…, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
SSI Research ước tính, lợi nhuận trước thuế trung bình của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tăng 21% so với cùng kỳ, các ngân hàng thương mại quốc doanh được dự báo đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao hơn (tăng 30%) so với ngân hàng thương mại cổ phần (tăng 17,2%), do lợi nhuận trước thuế năm 2020 của các ngân hàng thương mại quốc doanh ở mức thấp (giảm 6% so với năm 2019).
Động lực cho năm 2021
Các chuyên gia phân tích của SSI Research ước tính, thu nhập lãi thuần sẽ tăng 15%, trong khi tín dụng tăng 12-13% so với cùng kỳ. NIM tại nhiều ngân hàng sẽ cải thiện. NIM trung bình năm 2021 của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu sẽ tăng 10 điểm cơ bản, lên 3,56%.
Ngân hàng sẽ tiếp tục được lợi từ việc chi phí vốn giảm khi lãi suất huy động đã giảm 2-2,5% trong năm 2020. Mặt bằng lãi suất huy động được dự báo dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm 2021 và chỉ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2021 do tín dụng tốt hơn. Chính môi trường lãi suất huy động thấp này tiếp tục giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn. Điều này tác động tích cực lên lợi nhuận.
SSI Research ước tính, lãi trước thuế của Vietcombank năm 2021 đạt 29.300 tỷ đồng, cao hơn 27,3% so với năm trước, với giả định tăng trưởng tín dụng, tiền gửi và tài sản lần lượt là 12,8%, 11% và 14% so với cùng kỳ. Ước tính, NIM sẽ tăng lên 3,03%, với chi phí vốn được cải thiện và tốc độ tăng trưởng cho vay liên ngân hàng thấp hơn. Thu nhập từ lãi của Vietcombank ước tăng 16% so với cùng kỳ. Thu nhập phí ròng ước tăng 8,2%, nhờ bancassurance tăng 60% và dịch vụ thanh toán tăng 20%, trong khi thu nhập ngoài lãi khác ước tăng 3% so với cùng kỳ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, sở dĩ các ngân hàng đạt lãi cao trong năm qua là nhờ NIM tăng cao do chi phí đầu vào giảm mạnh, trong khi lãi suất cho vay ra có giảm, song không theo kịp lãi suất tiền gửi.
Trong năm nay, theo TS. Hiếu, cũng có thể xảy ra trường hợp tương tự khi mặt bằng lãi suất đầu vào giảm, nhưng đầu ra chưa thực sự giảm nhiều. Do vậy, NIM của các ngân hàng tiếp tục có chiều hướng cải thiện. Nhưng nợ xấu của các ngân hàng tăng, do các ngân hàng phải cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh bởi dịch COVID-19, nên các ngân hàng nới biên độ lãi suất huy động và cho vay để tăng NIM. Vì vậy, lợi nhuận thu về cao hơn, nhưng các nhà băng cũng phải dành để trích lập dự phòng nhiều hơn.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng, NIM năm 2021 của toàn ngành ngân hàng sẽ có cải thiện trong bối cảnh lãi suất huy động thấp. KBSV dự báo, tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ đạt 12-14%, khi hầu hết các ngành nghề kinh tế được dự báo có sự phục hồi và NIM năm 2021 của toàn ngành sẽ tăng trong bối cảnh lãi suất huy động thấp.
Lãi suất huy động đang ở gần mức thấp nhất lịch sử, nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm tương ứng, nên có thể giảm thêm. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm lãi suất cho vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh kinh tế phục hồi.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi…
Theo đó, các ngân hàng thương mại có thể mở rộng phạm vi các khoản nợ được tái cơ cấu và có cơ sở để đưa ra phương án tài chính rõ ràng hơn nhờ ấn định thời điểm kết thúc tái cơ cấu, miễn giảm lãi là ngày 31/12/2021 và quy định về trích lập dự phòng với lộ trình 3 năm. Việc này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các ngân hàng thương mại trong việc triển khai hỗ trợ những khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Bình luận