"Chúng tôi tin rằng bất kể quốc tịch của họ là gì, họ có thể xin tị nạn tại Mỹ. Yêu cầu của họ sẽ được xem xét đối với từng trường hợp cụ thể", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho hay.
Bà Karine Jean-Pierre nhấn mạnh Mỹ "hoan nghênh bất kỳ người nào đang xin tị nạn, và họ nên làm điều đó".
Hồi tháng 8, Mỹ bác đề xuất của phía Ukraine trong việc ban hành lệnh cấm thị thực đối với người Nga. Theo đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp đặt các hạn chế về thị thực đối với quan chức điện Kremlin, tuyên bố rõ ràng trọng tâm của Mỹ sẽ tập trung những cá nhân liên quan cuộc xung đột Nga - Ukraine và quy trách nhiệm cho họ.
“Mỹ không muốn đóng cửa con đường lánh nạn cho những người bất đồng chính kiến ở Nga hoặc những người dễ bị ảnh hưởng trong vấn đề nhân quyền", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Ngày 21/9, Tổng thống Putin ban lệnh "động viên một phần" tại Nga. Ông nhấn mạnh, lệnh huy động viên lần này nhằm mục tiêu "giải phóng Donbass". Lệnh "động viên một phần" cho phép quân đội Nga huy động thêm quân nhân phục vụ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các biện pháp động viên bắt đầu ngày 21/9.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu cho biết 300.000 quân dự bị sẽ được huy động và huấn luyện trước khi triển khai lực lượng. Ông Shoigu cũng nói sắc lệnh động viên một phần sẽ áp dụng với những người có kinh nghiệm trong quân ngũ, sinh viên không phải đối tượng được huy động.
Theo ông Putin, việc huy động quân sự một phần trong số 2 triệu quân dự bị của nước này là để bảo vệ Nga và các vùng lãnh thổ của nước này, đồng thời khẳng định phương Tây không muốn hòa bình ở Ukraine. Ông khẳng định lại mục tiêu của Nga là "giải phóng" khu vực trung tâm công nghiệp Donbass ở miền Đông Ukraine và hầu hết người dân trong khu vực không muốn chịu sự kiểm soát của chính quyền trung ương Kiev.
Hôm 27/9, tại cuộc họp với các quan chức Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố nông dân cũng sẽ thuộc diện đối tượng huy động nhập ngũ.
Bình luận