Khó trông chờ vào nhà ở xã hội
Một thời, nhiều người nghĩ rằng chính sách nhà ở xã hội sẽ là “cây đũa thần” để giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh nhận thực đó không hoàn toàn đúng.
Vợ chồng anh Ngọc Tuấn, chị Mỹ Loan (tạm trú tại quận Bình Thạnh, TPHCM) đều làm việc trong những cơ quan nhà nước. Cách đây 3 năm, anh chị từng theo đuổi một dự án nhà ở xã hội với sự hỗ trợ về tài chính từ nguồn vốn vay 30.000 tỷ đồng.
Theo hướng dẫn của chủ đầu tư, anh chị đã phải làm một loạt hàng chục loại giấy tờ để chứng minh “thuộc diện thu nhập thấp”, thuộc diện được thụ hưởng từ chương tình vay vốn ưu đãi, rồi lại phải chứng minh có thu nhập… đủ khả năng trả nợ… Để rồi cuối cùng, anh chị bị… loại ra khỏi danh sách vì một trong số các điều kiện không đáp ứng.
“Cùng làm hồ sơ với mình có khá nhiều người cũng có điều kiện tương tự, nhưng nhờ có mối “quan hệ riêng” với chủ đầu tư, hoặc với một cơ quan “có tiếng nói” nào đó, nên họ được xét duyệt, còn mình thì không. Bên cạnh sự phức tạp, nhiêu khê về thủ tục, tính minh bạch trong việc xét chọn đối tượng được mua nhà xã hội cũng là vấn đề nan giải đối với nhiều người”, anh Tuấn nhận định.
Thời gian qua, ở Hà Nội và TP.HCM đã có một số dự án nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, việc phân phối loại hình nhà ở này có nhiều vấn đề “không ổn”. Ở một số dự án, người có nhu cầu nhà ở không mua vì vị trí không thuận lợi, hạ tầng kém, thiếu hầu hết các tiện ích cơ bản như chợ búa, trường học… Còn một số dự án khác thì nhiều người có nhu cầu không mua được, trong khi có những đối tượng đã có nhà, không thuộc diện thu nhập thấp lại được mua.
Video: Sẽ đấu giá bất động sản bầu Kiên
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trong toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, riêng TP.HCM là khoảng 134.000 căn, nhưng đến nay mới thực hiện được khoảng 28% kế hoạch đã đề ra. Trong 9 tháng của năm 2017, tại TPHCM chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, cung cấp 96 căn hộ.
Tốc độ phát triển nhà ở xã hội như thời gian qua là quá chậm, nguồn cung quá ít so với nhu cầu. Đó là lý do khiến nhiều nhà đầu tư kiến nghị cần phát triển loại hình nhà thương mại giá rẻ.
Vướng mắc ngay từ chính sách phát triển
Định hướng phát triển nhà ở hiện nay là ưu tiên tập trung phát triển nhà ở thương mại giá rẻ song song với phát triển nhà ở xã hội. Một số chuyên gia BĐS nhận định rằng, nhà ở thương mại giá rẻ đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt khi nguồn lực, năng lực đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế.
Tuy nhiên hiện ở Việt Nam chưa có khái niệm rõ ràng về nhà giá rẻ. Một chuyên gia cho biết, trên thế giới có khái niệm "affordable housing" để chỉ loại nhà mà đại bộ phận người dân có thể mua được với mức thu nhập của mình. Loại nhà đó gọi là nhà bình dân. Ngoài ra, giá nhà còn tùy thuộc vào diện tích, vị trí... Để có thể phân biệt được nhà rẻ hay không cần căn cứ vào rất nhiều yếu tố trong đó thu nhập được đặt lên hàng đầu.
Thường thì giá nhà cao gấp 6 lần tổng thu nhập của một hộ gia đình trong vòng một năm được coi là chấp nhận được. Ví dụ, hộ gia đình có tổng thu nhập là 10 triệu đồng/tháng nghĩa là 120 triệu đồng/năm. Một căn hộ được coi là rẻ với vợ chồng đó khi có giá khoảng 720 triệu đồng (gấp 6 lần tổng thu nhập của cả vợ và chồng trong vòng một năm)”, chuyên gia cho biết.
Có thể xuất phát từ mức giá này, mà thời gian qua một số doanh nghiệp đề xuất cho xây dựng những căn hộ “siêu nhỏ” chỉ khoảng 25-30m2 bán với giá 500-700 triệu đồng/căn. Tuy vậy, nếu tính giá trị theo m2 thì mức giá này không rẻ hơn bao nhiêu so với nhà thương mại bình thường. Đó là chưa nói tới vị trí của những dự án này thường ở xa trung tâm, còn thiếu nhiều tiện ích cơ bản, và khi hình thành thì sẽ tạo áp lực về hạ tầng rất lớn vì mật độ dân số bị “nén” quá chặt.
Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, đặc tính của khách hàng mua nhà giá rẻ thường là nhu cầu thực sự, dùng để chiếm hơn 90% khách hàng. Nghiên cứu khách hàng cho thấy 80% khách hàng mua qua sự hỗ trợ của ngân hàng. Khách hàng cũng sẵn sàng mua nhà các nơi làm việc từ 10-15km. Độ tuổi mua nhà chủ yếu từ 25-40 tuổi, vợ chồng trẻ có con nhỏ.
Tuy nhiên, với tình trạng thiếu nguồn cung và giá nhà còn “quá tầm với” như hiện nay, rất ít gia đình trẻ có khả năng mua được nhà ở nếu không có chính sách ưu đãi tín dụng.
“Người thu nhập thấp thường không có nhiều tiền nên họ phải phụ thuộc vào nguồn vay của ngân hàng. Nếu vay với mức lãi suất thương mại thì nhiều người không thể. Bởi vậy, Nhà nước cần hỗ trợ về lãi suất ưu đãi người mua nhà để họ có thể tự tin tiếp cận với sản phẩm giá rẻ”, lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS phân tích.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận rằng, nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ quan tâm đến bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng. Trong khi đó nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở tại các khu công nghiệp dành cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ… vẫn chưa được đáp ứng.
Nhiều nhà đầu tư BĐS cho rằng, chính sách phát triển nhà thương mại giá rẻ hiện chưa rõ ràng. Nếu muốn phát triển loại hình nhà ở này đủ sức đáp ứng nhu cầu thị trường, thì trước hết phải có những tháo gỡ ngay từ chính sách – bao gồm chính sách dành cho nhà đầu tư và chính sách tín dụng tạo điều kiện cho người mua có thể tiếp cận với dòng sản phẩm này.
Bên cạnh đó, vấn đề xây nhà cho thuê giá rẻ và thời gian ổn định lâu dài cũng là một hướng khả thi, nhiều nước đã làm thành công, nhưng ở nước ta hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Bình luận