• Zalo

Nguy cơ Habeco bị Carlsberg thâu tóm

Kinh tếThứ Hai, 05/09/2016 07:45:00 +07:00Google News

Habeco luôn tránh bị Carlsberg thâu tóm, nhưng nỗ lực của Habeco có thể "xôi hỏng bỏng không".

Gần đây, dù không lùm xùm như Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải phát Sài Gòn (Sabeco) nhưng Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) liên tục bị Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Việt Nam “giục” phải thoái vốn Nhà nước niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Thoái vốn Nhà nước khỏi Habeco nghĩa là toàn bộ 81,79% cổ phần tại Habeco hoặc sẽ được bán ra thị trường hoặc một phần trong số đó sẽ bán cho cổ đông chiến lược hiện hữu là Carlsberg Breweries A/S – đơn vị mà Habeco “tránh” bán thêm cổ phần trong suốt thời gian qua.

Carlsberg là một trong những công ty đa quốc gia Đan Mạch đầu tiên vào Việt Nam và thực hiện đầu tư đầu tiên của mình vào năm 1993. Không chỉ tự mình thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, Carlsberg còn khẳng định vị trí của mình trên thị trường bia rượu bằng cách đầu tư vào các công ty trong nước.

habeco-1

Thủ tướng yêu cầu phải thoái vốn Nhà nước và đưa các doanh nghiệp như Habeco niêm yết trên sàn chứng khoán

Năm 1994, Carlsberg đã mua 50% cổ phần của Nhà máy Bia Huế - đơn vị dẫn đầu thị trường miền Trung Việt Nam. Năm 2009, Carlsberg tiếp tục gây chú ý khi trở thành một trong  các nhà đầu tư chiến lược của Habeco sau khi mua lại hơn 17% cổ phần Habeco.

Khi mua vào cổ phần Habeco, Carlsberg vừa thực hiện IPO với mức giá cao ngất ngưởng 50.100 đồng/CP. Tuy nhiên, sau đó, khi thị trường chứng khoán biến động mạnh, cũng như giá nhiều cổ phiếu khác, giá Habeco giảm sâu.

Mặc dù giá trị đầu tư của Carlsberg vào Habeco giảm sâu nếu tính theo thị giá nhưng có vẻ như Carlsberg khá hài lòng với hợp tác này với Habeco. Vì vậy, chỉ sau vài năm trở thành cổ đông chiến lược của Habeco, Carlsberg tỏ rõ mong muốn được sở hữu 30% cổ phần Habeco.

Mong muốn này Carlsberg được Bộ Công Thương ủng hộ. Cuối năm 2012, Bộ Công Thương đã có thông báo về việc bán tiếp 13% vốn điều lệ của Habeco cho Carlsberg. Báo Đầu tư cho biết, có thể phần nắm giữ của Carlsberg tại Habeco sẽ không tăng ngay lập tức lên 30% trong lần này mà chỉ lên 25%.

Ngay khi thông tin này được hé lộ, cổ phiếu Habeco được săn với mức giá cao hơn trên thị trường 32.000 đồng/CP.

Động thái của Carlsberg khiến nhiều người lo ngại Carlsberg sẽ thâu tóm Habeco như đã thâu tóm Bia Huế. Có hay không việc Carlsberg thâu tóm Habeco đã trở thành đề tài nóng trên mặt báo từ năm 2013.

Tuy nhiên, cho đến nay, thương vụ này vẫn không được thực hiện. Sau gần 4 năm, Carlsberg vẫn chưa mua thêm được cổ phần nào của Habeco. Giải thích cho sự chậm trễ này, tại Đại hội cổ đông 2015, lãnh đạo Habeco cho biết, công ty đang còn phải xem xét và thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Còn theo thông tin mà Trí thức trẻ cung cấp, Habeco không muốn bán cổ phần cho cổ đông chiến lược Carlsberg. Nguồn tin này có cơ sở khi cuối năm 2015, tại Hội nghị tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng giám đốc Habeco bất ngờ thông báo về sự thất vọng với Carlsberg. Carlsberg đã nắm trong tay mọi bí mật kinh doanh của Habeco.

Infonet trích dẫn lời ông Nguyễn Hồng Linh: “Việc lựa chọn cổ đông chiến lược Carlsberg đã không mang lại giá trị cho Habeco. Đây là bài học với doanh nghiệp khi chọn cổ đông chiến lược để thoái vốn. Chúng tôi gặp khó khăn trong việc giải quyết nhiệm vụ Chính phủ đưa ra trong 2015- 2016”.

Có lẽ vì vậy mà Habeco luôn tránh bán thêm cổ phần cho Carlsberg để tránh bị Carlsberg thâu tóm? Không rõ tại sao thương vụ mua thêm 13% vốn Habeco của Carlsberg chưa thành nhưng với việc Habeco sắp thoái hết vốn Nhà nước và niêm yết trên sàn chứng khoán, cánh cửa lại mở rộng với Carlsberg.

Ngày 29/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ ngành về chủ trương thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn, trong đó có Habeco.

Với trường hợp Habeco, Sabeco là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa tiến hành niêm yết, Thủ tướng cũng chỉ rõ phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch và đảm bảo lợi ích nhất cho Nhà nước.

Không rõ trong Hợp đồng hợp tác có điều khoản sẽ ưu tiên cho cổ đông chiến lược vào cổ phần không. Nếu có, khả năng Carlsberg nắm trọn 30% cổ phần Habeco là rất cao. Đó là chưa tính đến khả năng Carlsberg có thể sở hữu thêm cổ phần Habeco thông qua tổ chức khác – điều mà nhiều doanh nghiệp thực hiện khi có ý định thâu tóm một đơn vị nào đó.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn