(VTC News) - Sau một thời gian miệt mài sưu tập, đến nay ông đã có một tập nhật ký bằng hình với 1.000 bức ảnh về vị Đại tướng huyền thoại.
Ông Đào Thông (SN 1951, trú tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng cát Bảo Ninh. Ông nhập ngũ năm 1971 rồi tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên.
Sau khi đất nước hòa bình thống nhất, ông giải ngũ và công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt nam – Cu Ba Đồng Hới, hiện đã nghỉ hưu.
Là một cựu chiến binh, với tấm lòng kính yêu vị Đại tướng huyền thoại, đã hơn 40 năm ông cất công sưu tầm những hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những chặng đường hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Là một cựu chiến binh, với tấm lòng kính yêu vị Đại tướng huyền thoại, đã hơn 40 năm ông cất công sưu tầm những hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những chặng đường hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cuốn lịch sử bằng hình về Đại tướng
Trong căn nhà nhỏ bên bờ sông Nhật Lệ, tôi được ông giới thiệu về bộ sưu tập 1.000 bức ảnh được ông cắt dán cẩn thận, công phu và sắp xếp theo thời gian, từ khi Đại tướng còn nhỏ, khi chiến đấu cho đến nay, khi Đại tướng đã 101 tuổi.
Lật giở từng trang của bộ sưu tập, chúng tôi đã cảm nhận được sự công phu chứa đựng tấm lòng của vị cựu chiến binh đối với Đại tướng. Trong 1.000 bức ảnh, không có tấm nào trùng với tấm nào và mỗi bức ảnh đều ghi rõ chú thích ngày tháng.
Ông Thông với bộ sưu tập 1.000 bước hình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Khi được hỏi trong 1.000 bức ảnh về Đại tướng, ông tâm đắc nhất những bức ảnh nào, ông cho biết, có ba bức ảnh ông tấm đắc: Thứ nhất là tấm hình Đại tướng được Bác Hồ giao nhiệm vụ thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thứ hai là bức ảnh Đại tướng oai phong lẫm liệt trên lưng ngựa trong Chiến dịch biên giới Thu – Đông 1950. Thứ ba là bức ảnh Đại tướng và anh hùng lao động Phạm Thị Nghèng cùng các cháu thiếu nhi Quảng Bình.
Trong quá trình sưu tầm, ông đã có không ít kỷ niệm. Có lần ông đã lục tung cả 1 thư viện với hàng nghìn tờ báo lưu trữ. Trong cái nắng chói chang của mùa hè miền Trung, hay một mình đi chiếc xe đạp cà tàng, ông vượt hơn 40km từ TP. Đồng Hới lên huyện Lệ Thủy – quê hương Đại tướng để thăm nhà lưu niệm, và sưu tầm thêm một số hình ảnh tư liệu quý của gia đình Đại tướng.
Kỷ niệm về chiếc phong bì của Đại tướng
Ông Thông có một tấm lòng đặc biệt với vị tướng huyền thoại. “Năm 1973 lúc đang ở chiến trường đánh nhau với quân thù, chúng tôi bất ngờ khi nhận được quà của Đại tướng gửi vào cho mỗi chiến sỹ là một điếu thuốc lá Điện Biên, một cái kẹo Hồng Hà, một phong bì có hình ảnh chiến thắng Điện Biên Phủ với chữ ký của Đại tướng”, ông Thông cho biết.
Nhận được món quà, ông cùng đồng đội đã vui mừng đến rơi nước mắt. Với ông đó là món quà đầy ý nghĩa và có giá trị nhất trong cuộc đời quân ngũ của mình. Hiện giờ ông vẫn còn giữ được chiếc phong bì đó của Đại tướng với tấm lòng trân trọng.
Đại tướng đã từng nói: “Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó. Tâm niệm đó của Đại tướng là động lực cho tôi muốn lưu giữ những hình ảnh về Người", ông Thông tâm sự.
Ngoài những tấm hình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông còn sưu tầm hàng nghìn bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về lịch sử Đại hội Đảng qua các thời kỳ.
Ông Thông cùng con cháu bên bộ sưu tập |
Thỉnh thoảng, những cựu chiến binh và các cháu học sinh lại quây quần tại nhà ông để được nghe ông giới thiệu tỉ mỉ về những bức ảnh, những tài liệu về đời hoạt động của Bác Hồ, về Đại tướng mà ông đã dày công sưu tầm trong hơn 40 năm qua.
“Chúng tôi là những người lính cụ Hồ, trải qua bom đạn, những người anh, người cha như Bác Hồ, như tướng Giáp là niềm tin và lòng tự hào đối với chúng tôi, tôi muốn lưu lại một cái gì đó về họ cho con cháu sau này”, ông Thông tâm sự với chúng tôi trước khi chia tay.
Tâm Huyền
Bình luận