Kỳ 3: Thợ săn cá sấu
Trong cuộc trò chuyện với tôi giữa đại ngàn U Minh Hạ, ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ cho biết, rắn hổ mây khổng lồ mang tính huyền thoại, nhưng sự tồn tại của hổ là có thật. Tuy nhiên, con hổ cuối cùng đã bị giết hại cách nay hơn nửa thế kỷ. Người giết hại con hổ là ông Tám Thợ Săn, người mà nhắc đến cả huyện Trần Văn Thời cũng như khắp vùng U Minh Hạ đều biết.
Để tìm hiểu về hổ, loài thú dữ từng nổi danh miền Tây, với câu ca “dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um”, tôi đã tìm về xã Khánh Bình Tây (Trần Văn Thời, Cà Mau) tìm gặp thợ săn Tám Ảnh.
Con đường hoang vắng, âm u, hun hút xuyên qua đại ngàn U Minh Hạ cả giờ phóng xe máy, ra tới tận ven biển, sát Đất Mũi mới đến xã Khánh Bình Tây. Hỏi đường tới nhà ông Tám Thợ Săn, quả thực, từ người già đến đứa con nít đều biết. Ông Tám Ảnh quá nổi tiếng, bởi từng là người giết hổ dữ.
Đại ngàn U Minh Hạ từng là nơi "dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um" |
Người con trai út của ông Tám Ảnh, là anh Tạ Văn Bình, sinh năm 1975, dẫn tôi ra phần mộ. Trên bia mộ khắc rõ: Tạ Văn Ảnh, sinh năm 1924, từ trần 22-07-2011, nhằm 22-06 Tân Mão, hưởng thọ 87 tuổi.
Anh Bình bảo, nhà anh đông anh chị em, mỗi người một nghề, sống tứ phương trời, dù không giàu có, nhưng cũng cố gắng đóng góp, xây dựng mộ cha to tát. Theo anh, dù cha anh không giàu có, không chức tước gì, nhưng ở khắp vùng U Minh Hạ này, nổi tiếng chỉ sau Bác Ba Phi ở bên kia con rạch, lại là người đầu tiên khai khẩn vùng đất này, nên con cháu cố gắng xây mộ ông khang trang, để mọi người tiện thăm viếng.
Theo anh Bình, ba anh quê ở Năm Căn (Ngọc Hiển), là con thứ 5 trong gia đình có 9 anh em. Nhà ông có bác Tư, còn gọi là ông Tài Sứ, từng nổi danh, giàu có nhất vùng Năm Căn.
Thợ săn Tám Ảnh nổi danh vùng U Minh Hạ đã qua đời |
Những chiếc bẫy, thừng, lao, cung, nỏ chuyên dụng, dùng để săn các loại thú, ông Tám Ảnh vẫn giữ đến lúc già, treo trên tường nhà làm đồ kỷ niệm. Tuy nhiên, khi chết đi, con cháu đã mang về quê cha đất tổ ở Năm Căn để trưng bày ở nhà thờ tổ.
Nói rồi, anh Bình dẫn tôi ra con kênh trước nhà. Con kênh thẳng đuột, nước chảy liu riu, có tên Tám Thước. Anh bảo: “Xưa kia, vùng đất này chỉ là rừng tràm, rừng đước, dưới sông sấu lội, trên bờ cọp bước thung thăng. Ba mình cùng bác Năm Nghĩa Hổ về đây khai phá. Hai ổng đã đào con kinh này làm đường giao thông đấy.
Con kênh Tám Thước do ông Tám Ảnh và ông Năm Nghĩa Hổ đào |
Chuyện ông Tám Ảnh giết hổ, anh Bình không được tận mắt, vì khi đó, anh chưa ra đời. Lúc đó, mới chỉ có anh thứ 3 là Tạ Văn Ân chào đời. Tuy nhiên, những người lớn tuổi trong ấp đều biết và đều kể lại cho con cháu nghe, thành ra ba anh mới nổi tiếng khắp vùng.
Theo anh Bình, ba anh có tài săn thú bẩm sinh. Người truyền nghề săn cho ông chính là ông nội của anh Bình, tức cha ông Tám Ảnh, là cụ Tạ Văn Hiến.
Cụ Hiến cũng nổi tiếng với tài bắt sấu, diệt hổ. Ông Tám cũng truyền nghề cho anh Bình, nhưng bao ngày tháng theo cha đi săn, anh chỉ bẫy được 2 con lợn rừng. Anh không có tài săn thú, mà rừng thì mỗi ngày cạn kiệt thú, nên anh không theo nghề cha, mà theo thuyền đánh cá ra biển lớn.
Nhưng, trong ký ức của anh Bình, trong những chuyến theo cha vào rừng, thì không lần nào ông Tám Ảnh vào rừng mà không bắt được thú.
Anh Bình kể: “Mỗi lần đi săn, ba mình đều mổ một con gà, cúng bái tổ tiên, rồi xem giò gà. Chỉ xem giò gà, ba biết có săn được thú hay không, thậm chí được nhiều hay ít. Mình không rõ xem giò gà thế nào, nhưng ba bảo móng giò gà chụm lại thì tức là tổ tiên sẽ cho săn được thú, còn móng nó tõe ra thì tốt nhứt là không nên vào rừng làm gì cho mệt”.
Mặc dù là thợ săn giỏi, nhưng ông Tám Ảnh không săn bắt kiểu tận diệt. Ông chỉ chọn lọc những con thú lớn mới bắt. Bắt được thú, ông mổ chia cho các gia đình trong ấp, chứ không bán kiếm lời.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Cha mình thường nói như vậy. Tuy ổng săn thú kiếm sống, nhưng ổng không tham lam sát hại các loài thú đâu” – anh Bình lý giải.
Mộ ông Tám Ảnh |
Ngày đó, sấu dưới sông, rạch, rừng tràm nhiều vô số kể. Người dân không ăn thịt cá sấu, cũng không biết dùng da cá sấu. Khi con người khai phá rừng tràm, rừng đước ngập nước, thì loài sấu là kẻ thù của con người, chứ không phải động vật quý hiếm như ngày nay.
Sấu thường xuyên mò lên bờ bắt lợn, gà của dân, thậm chí ăn thịt cả con người. Nơi nào có sấu, thì người không dám ở. Người không thể sống chung với sấu được.
Khi nhận được lời đề nghị của người dân, ông Tám Ảnh vác lao lên đường. Ở chỗ nào xuất hiện sấu lớn, làm người dân hoang mang, không làm ăn gì được, thì ông Tám Ảnh có mặt. Ông lội ì oạp dưới nước vừa để làm mồi dụ nó, vừa đi tìm ổ sấu. Sấu thường làm ổ ở rừng dớn. Ông phá tan hoang hang ổ của nó. Ông xua đuổi nó đi nơi khác, giành đất cho người.
Tuy nhiên, bọn cá sấu khi đó vừa đông, vừa hung dữ, chúng không sợ con người. Những con sấu nhỏ, nhút nhát thì bò ra sông, hoặc chui sâu vào trong rừng, nhưng phần lớn chúng đều hung dữ, quyết sống mái với kẻ phá hang ổ của nó.
Nơi ông Tám Ảnh khai phá giờ đã đông đúc dân cư |
Ông Tám Ảnh không cần làm bẫy, cũng chẳng dùng súng. Ông nhảy xuống sông, rạch, lấy thân mình làm mồi. Sấu điên cuồng lồng lộn vì kẻ mạo phạm lãnh địa, liền lao vào đớp, ông dùng lao phóng thẳng vào gáy. Một nhát phóng lao là hạ thủ con sấu nặng cả tạ.
Không chỉ thể hiện tài năng giết sấu, thi thoảng ông Tám Ảnh còn làm xiếc với cá sấu hoang dã cho người dân xem. Những trận chiến đấu của thợ săn Tám Ảnh với cá sấu cuốn hút người dân khắp vùng.
Hàng trăm người dân như khán giả đứng trên bờ, riêng ông Tám Ảnh cởi trần trùng trục với dây thừng khoác trên cổ lội ra kênh, vùng ngập nước tóm cá sấu. Ông Tám Ảnh có thể liều mạng lội vào giữa đàn cá sấu cả chục con để tóm con lớn nhất lôi lên bờ.
Những con sấu nhỏ, cỡ vài chục ký, ông lấy thân mình nhử mồi. Khi sấu lao vào đớp, ông dùng đôi tay rắn chắc, cứng như thép, nhanh như chớp của mình banh miệng nó ra. Sau khi mọi người mãn nhãn, ông mới buộc miệng nó lại, tóm đuôi, lôi sấu lên bờ.
Với những con sấu to thì ông thận trọng hơn. Ông Tám Ảnh trèo lên ngọn tràm, thả con vịt bị trói. Vịt kêu cạp cạp gọi sấu đến. Con sấu vừa đớp mồi, thì từ trên cây, thợ săn Tám Ảnh lao xuống cưỡi lên lưng sấu. Ông quàng dây thừng đã thắt thòng lọng vào miệng sấu thít lại. Ông cưỡi sấu như cưỡi ngựa chướng, rồi ông trói nghiến 4 chân nó lại. Con sấu khổng lồ chỉ còn biến quằn quại, giãy đạp.
Ông Tám Ảnh không giết hại những con sấu này. Ông cùng người dân trong ấp khiêng nó ra sông Cái Lớn thả, để nó đi tìm nơi khác sinh sống, trả đất cho người dân.
Vì khả năng săn thú tài ba, mang hào khí ngút trời, nên ông Tám Ảnh trở thành huyền thoại sống của vùng đất U Minh Hạ.
Còn tiếp…
Phạm Ngọc Dương
Bình luận