• Zalo

Người không tay thần kỳ

Thời sựChủ Nhật, 08/06/2014 08:16:00 +07:00 Google News

Ở tuổi 64, ông Hoa Xuân Tứ vẫn sống giữa cuộc đời bằng nghị lực phi thường.

Ở tuổi 64, ông Hoa Xuân Tứ vẫn sống giữa cuộc đời bằng nghị lực phi thường.


Mọi chuyện bắt đầu từ một buổi trưa năm 1954. Cậu bé Tứ lúc đó mới 4 tuổi, thơ dại, nghịch ngợm. Khi công nhân ép mía nghỉ trưa, Tứ lén lút bắt chước người lớn đưa mía vào máy ép. Con trâu lủng lẳng xoay vòng quanh trục theo tiếng quát “đi” của đứa trẻ.

Cho đến khi đôi cánh tay bị ngoạm nuốt dần trong chiếc trục gỗ, cậu bé nằm mê man bất tỉnh bên cạnh dòng máu tươi chảy xuống ròng ròng. Ai cũng ngỡ cuộc đời Tứ rồi cũng thê thảm như đôi cánh tay.
cụt tay, Hoa Xuân Tứ, sông Lam, Nghệ An, Thiếu niên Tiền Phong
Công việc ông vẫn làm từ mấy mươi năm qua - Ảnh: Nguyên Linh 

Thương con, ba mẹ Tứ cắn răng đưa con đi học, nhưng rồi cả thầy lẫn bạn đều lắc đầu: “Cụt tay như nó làm sao học được?”. Tứ đành lủi thủi một mình ở nhà, lấy que tre làm bút, dùng những ngón chân của mình tập vẽ trên nền đất.

Hằng ngày Tứ âm thầm nép ngoài vách lớp, chăm chú nhìn và đánh vần theo từng chữ cái thầy giảng. Lâu ngày thấy Tứ ham học nên thầy cho vào lớp. Tứ ngày đêm gồng mình tập viết.

Tứ lên gân, cặp thật chặt viên phấn vào kẽ chân, uốn nắn từng nét chữ nguệch ngoạc, nhem nhuốc. Chẳng biết bao nhiêu viên phấn đã gãy làm đôi, chỉ biết một ngày nhìn vào trang vở thấy dòng chữ Tứ viết có hình hài rõ nét, bàn chân uyển chuyển đưa thành thạo, cứng nét, ngay ngắn, thẳng hàng hơn.

Một thời gian sau, mọi người lại choáng ngợp khi thấy Tứ tập viết bằng vai và cằm. Cậu bé không có tay tự mò cua bắt ốc, chăn trâu, tập bơi bằng chân, một mình bơi qua sông Lam, đưa nước giúp bộ đội ở trận địa pháo cao xạ...

Ông Hoa Hồng Thiết - trưởng thôn 4, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An - cho biết những năm 1960-1970, ông và bạn bè cùng lứa mê mẩn chuyền tay nhau những bài hát, bài thơ về Hoa Xuân Tứ. Mỗi dịp sinh hoạt đoàn, đội, mọi người say sưa hát bài Hoa Xuân Tứ.

Thầy cô giáo lấy chuyện Hoa Xuân Tứ ra kể làm gương cho học sinh. Bạn bè thân thiết cũng tìm mua cho được cuốn truyện Hoa Xuân Tứ về đọc. Sức nóng câu chuyện Hoa Xuân Tứ vang vang trên đồng lúa, lớp học, truyền khắp nẻo làng quê, góc phố, lan ra tận chiến trường ác liệt.

Trước khi dẫn chúng tôi tới nhà ông Hoa Xuân Tứ, ông Thiết không ngần ngại hát một khúc trong bài Hoa Xuân Tứ: “Cuối dòng sông Lam trên quê hương Bác Hồ/ Có người bạn nhỏ mất cả hai tay/ Con chim không cánh mà vẫn biết bay/ Như vẫn còn đây đẹp hai bàn tay/ Mang truyền thống quê hương Xô viết/ Tiếp cho anh muôn vàn sức mạnh/ Cho anh thắng mọi khó khăn/ Như con chim nhỏ không còn đôi cánh xinh/ Líu lo trên quê mình trước ánh bình minh/ Hoa Xuân Tứ người bạn hiền ta yêu biết mấy/ Cụt cả hai tay mà đời vẫn vui thay”.

Vợ chồng Hoa Xuân Tứ có với nhau năm người con. Quanh năm vợ chồng lấy con trâu, cái cày để mưu sinh. Ông dùng vai, miệng, cùi tay, chân để cùng vợ làm ruộng, gánh lúa, kéo xe, cuốc cỏ, đào hố...

Những năm đói kém, ông lặn lội mua đường mía đưa vào miền Nam bán, đổi gạo về nuôi con. Có khi trong nhà không còn một nắm gạo, nhiều người khuyên ông gắng đi ăn xin, nghe tên Hoa Xuân Tứ, họa may người ta rủ lòng thương. Nhưng ông bảo: “Cuộc đời có bi thảm vẫn cho mình đôi chân, đôi vai khỏe mạnh để kiếm ăn. Chứ đi ăn xin con cháu mang tiếng cả đời”.

Khi vợ vắng nhà, ông Tứ phải tự xới cơm đút con gái tật nguyền nằm cong queo trong một góc giường tối mịt. Đúng như nhà văn Quang Huy viết: “Không có gì Hoa Xuân Tứ muốn mà không làm được”.

Ông cắm chặt chiếc muỗng vào miệng, rướn nổi gân đút từng muỗng cơm cho con. Từng muỗng cơm nằm gọn gàng không rơi vãi. Năm 6 tuổi, khi đang chơi vui vẻ với bạn, Hoa Thị Sen (sinh năm 1978) bị người bạn vô tình ném đá trúng. Ba mươi năm Sen nằm liệt giường, ông Tứ phải chăm bẵm.

Sau đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước đầu tiên ở Hà Nội năm 1966, ông được giáo sư Tôn Thất Tùng đưa về Hà Bắc một tháng làm tay giả. Trận lụt năm 1980 đã cuốn trôi đôi tay giả ấy khiến ông buồn mấy tháng liền.

Vợ ông Tứ nói hồi đó thương ông Tứ tật nguyền nhưng tốt bụng, chịu khó nên bà đã theo về làm vợ. Đến giờ ngoài Sen, những người con khác lần lượt yên bề gia thất. Bây giờ gia đình ông sống nhờ 3 mẫu ruộng, vay mượn nuôi thêm mấy con bò để tăng thu nhập.
 Nhà văn Sơn Tùng là người phát hiện và viết về cậu bé Hoa Xuân Tứ (thôn 4, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đăng trên tờ Thiếu Niên Tiền Phong ngày 18-2-1966.   


Theo TTO
Bình luận
vtcnews.vn