Theo bác sĩ CKII Đinh Cẩm Tú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bệnh thận mạn tính khiến thận suy giảm chức năng, không lọc bỏ hết các chất độc để thải ra ngoài cơ thể. Vì thế, những người mắc bệnh thận cần chế độ ăn uống được theo dõi nghiêm ngặt.
Người bị thận không nên ăn gì?
Quả mơ
Quả mơ giàu vitamin C, vitamin A và chất xơ nhưng chúng cũng chứa nhiều kali. Mỗi ly (165g) quả mơ tươi cắt lát cung cấp 427 mg kali.
Mơ khô có hàm lượng kali cao hơn mơ tươi gấp nhiều lần, người bệnh thận nên tránh.
Rau bina nấu chín
Hầu hết các loại rau lá xanh, bao gồm củ cải Thụy Sĩ, rau bina và củ cải đường đều có hàm lượng kali cao, không tốt cho người bệnh thận. Ví dụ, 1 chén rau bina nấu chín chứa khoảng 839 mg kali, gần bằng một nửa lượng khuyến nghị hàng ngày cho người mắc bệnh thận mạn tính.
Khoai tây
Có hàm lượng kali cao tự nhiên. Một củ khoai tây trung bình chứa khoảng 610 mg kali.
Cà chua
Người bệnh thận giai đoạn đầu thường không hạn chế ăn cà chua. Nếu hàm lượng kali trong cơ thể cao, bác sĩ sẽ khuyến nghị bạn loại bỏ cà chua và các sản phẩm từ cà chua ra khỏi khẩu phần ăn.
Gạo lứt
Có hàm lượng phốt pho và kali cao. Mỗi ly (155g) gạo lứt đã nấu chín chứa 149mg phốt pho và 95mg kali, trong khi 1 cốc (186g) gạo trắng đã nấu chín chỉ chứa 69mg phốt pho và 54mg kali.
Gạo trắng, kiều mạch đều là những lựa chọn thay thế tốt.
Bánh mì nguyên cám
Bánh mì càng có nhiều cám và ngũ cốc nguyên hạt thì hàm lượng phốt pho và kali càng cao. Một lát bánh mì tương đương 36 gam (g), chứa khoảng 76mg phốt pho và 90mg kali. Do đó, người bệnh thận sử dụng bánh mì bình thường thay vì bánh mì nguyên cám.
Cám ngũ cốc
Chứa hàm lượng phốt pho và kali cao. Việc hạn chế hoặc tránh dùng những sản phẩm từ cám ngũ cốc, ngũ cốc nguyên cám sẽ tốt hơn cho người bệnh thận.
Yến mạch
Cả yến mạch và bột yến mạch đều chứa nhiều kali, phốt pho, natri, cho nên khi chọn mua những sản phẩm từ yến mạch cho người bệnh thận bạn cần xem kỹ các thông tin về hàm lượng của những chất này.
Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng sử dụng.
Thịt chế biến
Các loại thịt chế biến sẵn là thịt đã được ướp muối, sấy khô, xử lý hoặc đóng hộp có chứa chất bảo quản, không tốt cho sức khỏe. Thịt đã qua chế biến thường chứa lượng lớn muối, chủ yếu để cải thiện mùi vị và giữ nguyên hương vị.
Do đó, khi bổ sung thịt chế biến vào khẩu phần ăn, rất khó để giữ lượng natri hàng ngày của người bệnh thận ở mức dưới 2.300 mg.
Dưa chua
Loại thực phẩm muối chua có hàm lượng natri cao và nên tránh trong chế độ ăn kiêng thận. Một phần dưa chua lớn chứa khoảng 1.630 mg natri. Chế độ ăn uống thân thiện với thận thường khuyến nghị một người duy trì lượng natri dưới 2.300 mg mỗi ngày.
Đậu
Được biết đến là nguồn cung cấp protein và chất xơ thực vật tuyệt vời. Tuy nhiên, đậu cũng có thể làm tăng lượng kali và phốt pho lưu thông trong máu nếu tiêu thụ với số lượng lớn.
Thực phẩm đóng hộp
Các loại thực phẩm đóng hộp thường chứa nhiều natri. Hạn chế hoặc mua các loại thực phẩm đóng hộp có hàm lượng natri thấp có thể là cách tốt nhất để bạn giảm mức tiêu thụ natri trong cơ thể.
Khuyến cáo của chuyên gia
Chuyên gia khuyến cáo, người mắc bệnh thận ngoài duy trì chế độ ăn uống khoa học cũng cần tập thể dục thường xuyên - cố gắng tập ít nhất 150 phút một tuần, lựa chọn những bài tập phù hợp với sức khỏe vừa giúp bạn rèn luyện cơ thể, vừa hỗ trợ làm chậm tiến triển của bệnh.
Người bệnh thận cũng cần thay đổi lối sống, ngừng hút thuốc, xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, hạn chế lượng muối ăn vào dưới 6g mỗi ngày. Ngoài ra, không uống nhiều rượu bia.
Trên đây là những thông tin giải đáp cho băn khoăn người bệnh thận không nên ăn gì, để có một thực đơn phù hợp, người bệnh có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia.
Bình luận