Hàng loạt khoản phí mới bên cạnh việc nâng mức phí cũ khi khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ thanh toán đang được các ngân hàng thương mại triển khai.
Đây được xem là bước đi tiếp theo của các ngân hàng (NH) thương mại sau một thời gian đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật và miễn phí lúc đầu để thu hút khách.
Chạy đua thu phí
Đầu tháng 8/2014, nhiều khách hàng là chủ thẻ ATM của một ngân hàng cổ phần tại Tp.HCM nhận được thông báo: “Từ ngày 1/8, ngân hàng thu phí quản lý tài khoản thanh toán không kỳ hạn 11.000 đồng/tháng khi số dư bình quân trong tháng dưới 100.000 đồng”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (ngụ quận 7, Tp.HCM) cho biết cơ quan chị trả lương qua thẻ của ngân hàng này. Vừa nhận lương xong, chị liền rút ra để chi tiêu gia đình nên chắc chắn sẽ phải mất phí.
Một số ngân hàng áp dụng nhiều khoản phí vô lý, giá thu cao và giới hạn mức rút tiền gây bức xúc cho khách hàng Ảnh: Tấn Thạnh |
Trước đó, ngân hàng nêu trên đã áp dụng thêm khoản phí mới - đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử - với mức thu 176.000 đồng/năm. Mỗi lần chuyển tiền liên ngân hàng trong hệ thống (cùng tỉnh, thành phố), chủ thẻ sẽ mất 10.000 đồng; chuyển tiền ngoài hệ thống (khác tỉnh, thành phố) sẽ mất 0,05% (từ 20.000 đồng đến 1 triệu đồng)…
Đầu tháng 5/2014, NH TMCP Đông Á cũng áp dụng phí nộp tiền mặt vào tài khoản thẻ thanh toán (bất kể cùng hay khác tỉnh, thành phố với mức thu 10.000 -20.000 đồng/lần). Phí rút tiền nội mạng tại máy ATM cũng được vài ngân hàng tăng lên 2.200 đồng/lần và có thể tăng 3.300 đồng/lần vào năm 2015.
Việc các ngân hàng chạy đua thu phí sử dụng dịch vụ thẻ thanh toán không khỏi khiến khách hàng chóng mặt. Chẳng hạn, một khách hàng là chủ thẻ của ngân hàng Đông Á, sử dụng thẻ ATM phải trả tổng cộng hơn 20 khoản phí, gồm: phí thường niên, phí rút tiền mặt, phí nộp tiền mặt tại quầy, phí chuyển khoản liên ngân hàng tại quầy, phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM, phí cấp lại thẻ, phí cấp lại bản sao hóa đơn giao dịch, phí in sao kê chi tiết phát sinh tại ngân hàng, phí in 10 giao dịch gần nhất trên ATM...
Chỉ tính riêng việc giao dịch trên máy ATM của ngân hàng Đông Á, chủ thẻ sẽ phải chịu 7 khoản phí, gồm: phí rút tiền mặt 3.300 đồng/lần, vấn tin 550 đồng/lần, in sao kê 880 đồng/lần, chuyển khoản nội bộ 1.650 đồng/lần, mua thẻ cào 1.100 đồng/lần, gửi tiền qua phong bì 4.400 đồng/lần, chuyển khoản liên ngân hàng 13.200 đồng/lần.
Một số ngân hàng còn áp dụng phí phát hành thẻ lần đầu 100.000 đồng/lần, phí phát hành thẻ nhanh 200.000 đồng, phí phát hành thẻ thay thế 50.000-100.000 đồng, phí cấp lại PIN 30.000 đồng, phí tra soát khiếu nại (nếu khiếu nại không đúng) 80.000 đồng… Chưa kể, các ngân hàng còn áp dụng các khoản phí khi chủ thẻ đăng ký thêm một số dịch vụ như ngân hàng điện tử, Mobile banking, SMS banking.
Có quyền từ chối!
Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP tại Tp.HCM cho biết sau thời gian đầu tư hệ thống máy ATM, hệ thống cơ sở hạ tầng như core banking (ngân hàng lõi), nay ngân hàng bắt đầu thu phí để bù đắp lại, không phải vì khó khăn trong hoạt động tín dụng ngân hàng mới chuyển sang đẩy mạnh thu phí.
Hiện một số Nngân hàng đã phát triển cơ sở khách hàng đủ lớn nên tiến hành thu phí để sàng lọc số khách hàng đem lại hiệu quả, đồng thời hoàn thiện hệ thống, gia tăng tiện ích, quyền lợi cho họ.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM, phân tích: Người dân chỉ biết đến khái niệm dịch vụ tài chính ngân hàng từ khoảng năm 2006-2007. Thời điểm đó, các ngân hàng đầu tư phát triển dịch vụ tài chính nhưng không dám thu phí vì sợ tạo rào cản với khách hàng.
Nay, người dân đã quen với nhiều tiện ích do ngân hàng cung cấp nên việc thu phí để bù đắp khoản đầu tư cũng là dễ hiểu.
“Có điều, một số ngân hàng quá tận thu khi áp dụng nhiều khoản phí vô lý, giá thu cao và giới hạn mức rút tiền, gây bức xúc cho khách hàng. Do đó, khách hàng có quyền từ chối dịch vụ của ngân hàng nếu không hài lòng bởi thị trường mang yếu tố dịch vụ, cạnh tranh” - ông nói.
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Việc các ngân hàng áp quá nhiều khoản phí sẽ khiến khách hàng cảm thấy bị tận thu và ngộp trong “rừng” phí.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ mới kiểm soát khoản phí rút tiền mặt nội mạng theo lộ trình đến năm 2015, còn hàng chục khoản phí khác các ngân hàng tự niêm yết, áp dụng với mức không giống nhau. Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước phải rà soát, xem xét lại việc thu phí dịch vụ của các ngân hàng thương mại, đề phòng việc người dân không mặn mà với dịch vụ ngân hàng rồi quay sang dùng tiền mặt.
Theo Người lao động
Bình luận