• Zalo

'Ngớ ngẩn' những lý do máy bay chậm chuyến

Kinh tếThứ Năm, 17/07/2014 11:37:00 +07:00Google News

(VTC News) - Thời gian gần đây, nhiều chuyến bay của các hãng hàng không Việt bị chậm trễ do những lý do hết sức ngớ ngẩn.

(VTC News) - Thời gian gần đây, nhiều chuyến bay của các hãng hàng không Việt bị chậm trễ do những lý do hết sức ngớ ngẩn.

Thiếu xe thang

Mới đây, ngày 12/7, hai máy bay của Vietjet Air và Vietnam Airlines bị chậm trễ chỉ vì một lý do rất ngớ ngẩn, đó là thiếu xe thang. Sân bay Cát Bi chỉ có hai chiếc xe thang.

hàng không, máy bay, chậm chuyến, hủy chuyến, trễ giờ
Máy bay chậm chuyến vì những lý do ngớ ngẩn 
Chuyến bay mang số hiệu VJ 8657 của hãng Vietjet Air từ Hải Phòng đi TPHCM chuyến 18h35 ngày 12/7 bị trễ chuyến vì máy bay về muộn. Cùng lúc đó, chuyến bay của Vietnam Airlines từ Hải Phòng đi TP.HCM cũng thông báo hoãn từ 18h50 đến 19h40 cũng vì máy bay về muộn.


Máy bay của Vietjet Air đáp trước, hai xe thang được điều ra cho hành khách xuống. Hành khách xuống xong thì đến hành khách lên. Nhưng lúc đó, máy bay của Vietnam Airlines đáp. Nhân viên sân bay phải lấy chiếc xe thang ở cửa sau của máy bay Vietjet Air để đưa sang máy bay Vietnam Airlines cho hành khách xuống. Như vậy, mỗi chiếc máy bay chỉ có một xe thang.

Gần 200 hành khách của Vietjet Air chỉ lên một cửa nên đã muộn chuyến lại chậm hơn. Tương tự, hành khách của máy bay Vietnam Airlines chỉ xuống một xe thang nên cũng chậm hơn. Mỗi chuyến bay bị muộn thêm ít nhất 10 phút. Hành khách quá sốt ruột vì trước đó phải chờ đợi lâu.

Cái lông chim trong khoang hàng hóa

Ngày 16/7, Hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết, một chuyến bay của Hãng mang số hiệu BL800 từ TP.HCM đi Hà Nội đã phải tạm ngừng thực hiện theo lịch dự kiến để kiểm tra toàn bộ hành lý và khu vực khoang chứa hàng của máy bay.

Theo đó, chuyến bay BL800 dự định cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 14 giờ 30.

Sau khi hành khách đã ổn định chỗ ngồi, máy bay lăn bánh từ sân đỗ để ra đường băng thì hệ thống máy tính báo hiệu có khói trong khu vực khoang chứa hàng.

Ngay sau đó, cơ trưởng bật hệ thống dập cháy tự động ở khoang chứa theo quy trình và cho máy bay quay trở lại để kiểm tra.

Toàn bộ hành khách trên chuyến bay BL800 cũng được bố trí trở lại phòng chờ và phục vụ trong thời gian kiểm tra máy bay.

Sau khi kiểm tra, các kỹ sư phát hiện có lông chim bám vào hệ thống cảm biến trong khoang hàng, dẫn đến hệ thống máy tính đưa ra cảnh báo.

Được biết, trên máy bay luôn được bố trí hệ thống theo dõi nhiệt độ, khói ..v.v. để bảo đảm an toàn.

Chỉ cần có dấu hiệu nghi ngờ, hệ thống cảm biến sẽ truyền lên máy tính để cảnh báo cho phi công biết và xử lý.

Sự việc này cũng làm chậm chuyến bay của hành khách trên chuyến bay BL800 và kéo dây chuyền sang các chuyến bay khác.

Hành khách đòi xuống

Vào lúc 20h ngày 15/7, hành khách Nguyễn Hồng N. sau khi đã lên máy bay thì bất ngờ muốn xuống, khiến cả chuyến bay đã chậm hơn 1 giờ đồng hồ.

Theo Trung tâm an ninh hàng không Nội Bài, đó là chuyến bay VJ8681 chiều Hà Nội – TP.HCM, giờ cất cánh dự kiến là 20h05 ngày 15/7. 

Khi tất cả hành khách đã làm thủ tục lên máy bay, khoảng 20h08 khi tàu bay rút chèn bánh và lăn ra đường lăn chuẩn bị cất cánh thì bất ngờ một nữ hành khách tên là Nguyễn Hồng N. (SN 1994, thường trú tại Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), ngồi ghế 5B đến gặp tiếp viên thông báo xin hủy hành trình bay.

Tiếp viên thông báo cho cơ trưởng và cơ trưởng đã quyết định cho tàu bay quay trở lại sân đỗ, tiến hành lập biên bản đồng thời thông báo cho Trung tâm An ninh hàng không nhờ hỗ trợ.

Máy bay sau đó cất cánh lúc 21h10. Như vậy theo lịch bay chuyến bay đã bị chậm 1h05.

Theo giải trình của hành khách Hồng N., sau khi lên máy bay, vì gia đình có việc gấp nên hành khách không thể tiếp tục thực hiện chuyến bay.

Dồn người như…xe khách

Tại cuộc họp của Bộ GTVT sáng 11/7 tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục chậm, hủy chuyến bay, các đơn vị phục vụ mặt đất như Tổng công ty quản lý bay, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam đều lý giải việc chậm, hủy chuyến do thời tiết, quá tải tại cảng, vật ngoại lai...

Tuy nhiên, dẫn chứng từ trường hợp của bản thân đã “có lần bị nhốt trong ống lồng lúc trời nóng vì khách ra nhưng ông cầm chìa khóa đi đâu mất”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng lỗi một phần từ tình trạng yếu kém của dịch vụ sân bay.

Ông khẳng định nguyên nhân chính dẫn đến chậm giờ, hủy chuyến là do các hãng dồn chuyến để tăng doanh thu.

“Tôi nhiều lần nhắc cấm dồn chuyến rồi nói dối do thời tiết, kỹ thuật. Hãng cố tình chậm giờ, không bay vì ít khách, giống như xe khách ít khách thì đi lòng vòng, máy bay cố tình chậm không bay để dồn lại”, ông Thăng nói.

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc VNA, cho rằng tắc nghẽn còn do bố trí slot (chỗ, vị trí - PV) giờ cao điểm, ví dụ sân bay Cát Bi năng lực khai thác nhà ga, sân đỗ chỉ có 3 chuyến (2 chuyến của VNA, 1 chuyến của JPA) nhưng do bố trí một chuyến khác của Vietjet Air vào giữa nên thiếu phương tiện mặt đất.

Trong khi đó, đại diện Vietjet Air phàn nàn về việc hãng này gần như không có mặt bằng hay phương tiện tại khu vực nhà ga, ngoài sân đỗ. Việc phụ thuộc vào dịch vụ đi thuê từ hệ thống dịch vụ ăn uống, không có quầy check in riêng cũng gây lúng túng.

Ngọc Vy (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn