Công văn của BHXH Việt Nam nêu rõ: Trong các buổi 6 giờ sáng ngày 20/5/2017, 13 giờ trưa và 7 giờ tối ngày 21/5/2017, chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) liên tục phản ánh về việc PKĐK Tâm Đức (tỉnh Bình Phước) thực hiện KCB BHYT chưa đúng quy định.
Phòng khám không đủ điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động là PKĐK: Năm 2016, phòng khám có 13 bác sĩ đăng ký hành nghề KCB, trong đó chỉ có 5 bác sĩ đăng ký hành nghề KCB toàn thời gian (cơ hữu), bằng 38% tổng số bác sĩ đăng ký hành nghề tại phòng khám.
Tỷ lệ này không đủ để được cấp “Giấy phép hoạt động Phòng khám đa khoa” theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 24 Thông tư 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế và quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 25 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB.
Phòng khám không đủ điều kiện là cơ sở đăng ký KCB BHYT ban đầu: Năm 2017, phòng khám không có bác sĩ chuyên khoa ngoại đăng ký hành nghề KCB tại đó, mà phân công bác sĩ đa khoa thực hiện KCB về ngoại khoa.
Việc KCB như vậy là hành vi bị cấm quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật KCB. Đồng thời, phòng khám không đủ điều kiện là cơ sở đăng ký KCB BHYT ban đầu theo quy định tại Khoản 5, Điều 7 Thông tư 40/2014/TT-BYT của Bộ Y tế.
Các bác sĩ đăng ký hành nghề KCB ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ tại phòng khám chỉ ghi chung thời gian là “Ngoài giờ, ngày ra trực, thứ 7, chủ nhật” mà không ghi cụ thể từ giờ nào đến giờ nào trong ngày và ngày nào trong tuần. Điều này không đúng quy định về đăng ký hành nghề KCB tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP.
Trong thực hiện KCB về chuyên khoa Y học cổ truyền: Phòng khám có 1 bác sĩ đăng ký hành nghề KCB “ngoài giờ hành chính, ngày ra trực, thứ 7, chủ nhật”; tuy nhiên bác sĩ này đã thực hiện ký toàn bộ hồ sơ KCB đối với người bệnh đến KCB trong giờ hành chính do các bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề KCB tại đó chỉ định và thực hiện.
Đồng thời, phòng khám sử dụng y sĩ đa khoa để KCB về y học cổ truyền là trái với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Phòng khám không được cấp phép hoạt động KCB về chuyên khoa Phục hồi chức năng, nhưng Sở Y tế vẫn phê duyệt cho thực hiện một số DVKT phục hồi chức năng, không đúng quy định.
Phòng khám thực hiện miễn cùng chi trả cho người bệnh đến KCB BHYT, nhằm thu hút người có thẻ BHYT đến KCB, tạo nhu cầu KCB giả tạo; nhiều người không có nhu cầu đi KCB nhưng do đến KCB không mất tiền nên đã tranh thủ đến KCB để kiểm tra sức khỏe.
Video: Trục lợi bảo hiểm y tế, những con số không tưởng
Do vậy, để công tác KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT thực hiện đúng quy định, ngăn chặn kịp thời tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT (nếu có), BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức thanh tra việc KCB BHYT năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 tại PKĐK Tâm Đức.
Theo BHXH Việt Nam, việc BHXH tỉnh Bình Phước tạm dừng hợp đồng KCB BHYT với PKĐK Tâm Đức là đúng quy định bởi đây mới chỉ là tạm dừng thực hiện hợp đồng nhằm ngăn ngừa không tiếp tục phát sinh những tiêu cực (nếu có) chứ không phải là chấm dứt hợp đồng KCB.
Trước đó, ngày 22/5/2017, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 1955/BHXH-CSYT yêu cầu BHXH tỉnh Bình Phước tạm dừng hợp đồng KCB BHYT với PKĐK Tâm Đức để các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ.
Đồng thời, yêu cầu BHXH tỉnh Bình Phước có trách nhiệm hướng dẫn người có thẻ BHYT hiện đăng ký KCB BHYT ban đầu tại PKĐK Tâm Đức chuyển đến KCB tại các cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã trên địa bàn tỉnh để đảm bảo quyền lợi về KCB BHYT.
Bình luận