Ngày 28/11, Quốc hội quyết định thông qua Hiến pháp

Thời sựThứ Hai, 18/11/2013 12:39:00 +07:00

(VTC News) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, ngày 28/11 tới Quốc hội sẽ quyết định thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992.

(VTC News) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, ngày 28/11 tới Quốc hội sẽ quyết định thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. (Ảnh: internet) 
Sáng 18/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Hiến pháp có một ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đảm bảo cho sự phát triển của đất nước.

Dự thảo Hiến pháp đã được chuẩn bị công phu và đã được triển khai, lấy ý kiến mọi tầng lớp nhân dân trong 2 năm qua. Tiếp đó tại các kỳ họp trung ương, Bộ Chính trị đều đã đưa ra ý kiến và được tiếp thu đầy đủ. Với tinh thần rất khiêm tốn, cầu thị Quốc hội cũng đã tiếp thu tinh hoa, trí tuệ từ nhân dân thông qua các đại biểu phản ánh ở nghị trường.

“Ngày 28/11, Quốc hội sẽ quyết định thông qua Hiến pháp hệ trọng này. Trong thời gian còn lại, Đại biểu quốc hội tiếp tục thảo luận, góp ý trên cơ sở tiếp thu ý kiến từ nhân dân. Điều đó vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình - đại biểu của toàn dân, vừa thể hiện nguyên tắc đại biểu Quốc hội được nhân dân và Hiến pháp giao cho”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

“Chúng ta sẽ tiếp tục tiếp thu để có bản dự thảo tốt nhất, tiếp thu những ý kiến hợp lý nhất để chúng ta yên tâm. Mặc dù có thể còn ý kiến khác nhau nhưng chúng ta đã làm hết sức mình, hết trách nhiệm và lựa chọn theo đa số. Ngày 28 này phải thể hiện sự đồng thuận đó”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Về vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và được góp ý nhiều nhất là Chính quyền địa phương, xoay quanh nội dung về nguyên tắc tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền lực, quyền hạn… ở cấp chính quyền địa phương. 

Chủ tịch Quốc hội phân tích, khi thống nhất quy định về nội dung này sẽ phải kế thừa, đổi mới để tạo ra sức mạnh trong công cuộc đổi mới, thể hiện quyền lực của Chính quyền địa phương các cấp, hình thành một thể thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Theo ông Nguyễn Sinh Hùng các đơn vị hành chính từ phường, xã, thông, bản, quận huyện, thành phố… đang vận hành và cơ bản ổn định. Do vậy, nếu luật mở ra nữa thì sẽ thay đổi rất phức tạp. Việc tổ chức chính quyền các cấp phải phù hợp với đặc điểm tình hình ở nông thôn, đô thị và đặc khu kinh tế hải đảo.

Về đơn vị hành chính đặc biệt, vẫn còn nhiều ý kiến, vấn đề này phải giao cho Quốc hội quyết định, chứ không thể để Thường vụ Quốc hội hay Chính phủ quyết định được. Qua đó điều luật cụ thể thế nào đều phải do Quốc hội quyết. Đặc khu kinh tế đặc biệt có thể trực thuộc trung ương, hay thuộc tỉnh nhưng nó sẽ có tính độc lập riêng.

“Các Đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục cần mẫn, góp ý để bản Hiến pháp khi thông qua sẽ có được sự đồng thuận cao nhất”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Từ ngày mai (19/11) đến ngày 21/11, Quốc hội dành thời gian cho việc chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, các phiên chất vấn sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp.

Theo đó, sáng 19/11 phó thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp nêu trên.

Chiều 19/11 trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Sau đó, lần lượt các Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án TAND Tối cao và Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội.



Minh Trí

Bình luận
vtcnews.vn