Tuy nhiên, do nhiều lý do, giới trẻ ngày càng có nhiều người rơi vào vòng xoáy của ma túy gây nhức nhối cho toàn xã hội và trở thành nỗi lo của nhiều gia đình.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn xã hội
Hiện nay, tệ nạn ma túy ở nước ta đã đến mức báo động. Nó thật sự trở thành hiểm họa, đe dọa đến cuộc sống bình yên của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Cuộc đấu tranh phòng chống tệ nạn này hết sức khó khăn và vất vả, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của tất cả các ngành, các cấp và toàn xã hội. Chỉ có sự đồng thuận, đồng lòng như vậy chúng ta mới mong có thể từng bước ngăn chặn và đẩy lùi được tệ nạn và trả lại cho xã hội một cuộc sống bình yên và hạnh phúc.
Ở bất kỳ địa phương nào trên cả nước, ma túy đang trở thành mối quan tâm lớn của mỗi cá nhân và mỗi gia đình. Hơn thế nữa, tỷ lệ thanh thiếu niên học sinh đang có nguy cơ bị cuốn vào con đường nghiện ngập ma túy ngày càng cao. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế xã hội, chính trị, văn hóa; gây mất trật tự an toàn xã hội, là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm hình sự, như trộm cắp, lừa đảo, cướp của, giết người..
Đồng thời, ma túy là con đường ngắn nhất dẫn tới HIV/AIDS do tiêm chính lén lút, chung đụng kim tiêm ở các tụ điểm với những người nghiện có sẵn vi rút HIV. Ở Việt Nam số con nghiện HIV/AIDS ngày một tăng và thời gian dẫn đến cái chết rất ngắn.
Theo số liệu thống kê, hiện nay ở nước ta có đến hàng nghìn thanh thiếu niên nghiện ma túy và đang có nguy cơ tăng nhanh, thâm nhập vào học đường…v.v.. dự báo những năm tới, nếu chúng ta không làm tốt công tác giáo dục phòng chống ma túy thì tệ nạn này sẽ lan tràn, Việt Nam sẽ là một nước trong khu vực có số người nghiện ma túy cao, họ là nguy cơ tiềm ẩn phá hoại trật tự, an toàn xã hội.
Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 200.134 người nghiện, trong đó, 76% độ tuổi dưới 35 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 25, trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 18 tuổi. Ngoài nghiện thuốc phiện, heroin, thì nghiện ma túy tổng hợp dạng Amphetamine, đặc biệt là Methamphetamine (ma túy đá), Cocaine, Cần sa, “cỏ Mỹ” và các chất hướng thần khác đã và đang xuất hiện ngày càng tăng (nhiều nơi chiếm hơn 50% số người điều trị tại các Cơ sở cai nghiện).
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là giới trẻ đang ngày càng bị "cơn lốc" ma túy lôi cuốn, khiến nhân cách, lối sống bị tha hóa. Đáng chú ý, trong số các loại ma túy mà giới trẻ đã và đang sử dụng, đa phần là các loại ma túy có dạng thức mới, gây nguy hại cho sức khỏe như: Muối tắm, cỏ Mỹ, ma túy “đá,” “thuốc lắc”.
Hiểu biết sai lầm về tác hại của ma túy
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD) thực hiện từ tháng 6 đến tháng 9/2014 thì hơn một nửa số học sinh, sinh viên được hỏi đã cho rằng ma túy đá không có khả năng gây nghiện; thậm chí hơn 11% khẳng định ma túy “giúp tăng cường sức khỏe”.
Nghiên cứu này có sự tham gia của 1.100 học sinh phổ thông và sinh viên các trường đại học 5 quận của Hà Nội gồm: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông và Cầu Giấy cho thấy, đa số các em chưa thực sự tự tin với hiểu biết của mình về ma túy. Có 4,5% số bạn cho rằng mình rất hiểu biết về khái niệm và các chất ma túy trong khi đó có tới 42,2% số người được hỏi tự đánh giá mình không hiểu về nội dung này.
Dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và các kỹ năng phòng chống ma túy cũng là hai nội dung được rất ít học sinh hiểu biết rõ. Có tới 44% bạn cho rằng mình không hiểu biết gì về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và gần 40% khẳng định mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng tránh ma túy.
Cũng từ kết quả khảo sát của PSD cho thấy, hầu hết học sinh sinh viên (HSSV) đều nhận biết được những chất gây nghiện bất hợp pháp như: thuốc phiện (93,8%), heroin (89,8%) và cần sa (75,9%). Tuy nhiên, những loại ma túy có tác hại trực tiếp đến hệ thần kinh của người sử dụng và đang trở nên phổ biến hiện nay, đặc biệt là trong giới trẻ như methaphetamine (ma túy đá) chỉ có 56,4 % cho rằng chất đó khả năng gây nghiện. Khả năng gây nghiện của một số chất khác như shisha, bóng cười cũng được rất ít HSSV biết đến.
Điều đáng lo ngại là nhiều em vẫn còn những hiểu biết sai lầm về tác hại của ma túy. Có tới 23,5% số bạn đồng ý với ý kiến rằng: “Sử dụng ma túy khiến tinh thần tỉnh táo, vui vẻ, lạc quan” 24,8% số bạn đồng ý rằng: “Sử dụng ma túy một lần thì không gây nghiện và không nguy hiểm”.
Qua khảo sát của PSD cho thấy, những hiểu biết chung về ma túy như khái niệm các chất có khả năng gây nghiện cũng chưa được học sinh sinh viên nhận thức một cách đầy đủ. Điều đó dẫn tới thái độ thiếu cảnh giác, đề phòng của các em với những loại ma túy trá hình xuất hiện ngày càng phổ biến trong giới trẻ như: shisha, bóng cười…đặc biệt là những loại ma túy tổng hợp nguy hiểm như ma túy đá.
Cần hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn
Trong mấy năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và tội phạm về ma túy. Đồng thời, các cấp, các ngành cũng đưa ra nhiều biện pháp nhằm từng bước đẩy lùi loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Tuy nhiên, do áp lực rất lớn của hoạt động tội phạm ma túy tại các nước trong khu vực, nhất là Lào, Trung Quốc, Campuchia nên diễn biến về tội phạm ma túy ở nước ta vẫn vô cùng phức tạp, với tính chất ngày càng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, việc hội nhập quốc tế sâu rộng cũng còn nhiều sơ hở trong công tác quản lý, giám sát nên tội phạm ma túy ở nước ngoài lợi dụng vận chuyển ma túy vào Việt Nam tiếp tục phức tạp cả về tính chất và mức độ. Nguồn ma túy chủ yếu là heroin và ma túy tổng hợp được thẩm lậu vào nước ta chủ yếu qua các tuyến Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc miền Trung, Tây Nam, tuyến hàng không quốc tế.
Trong bối cảnh đó, được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về phòng chống ma túy cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, công tác phòng, chống ma túy đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa ngày càng đi vào chiều sâu, tập trung các đối tượng cụ thể, hiệu quả và thực chất hơn. Nhận thức về tác hại của ma túy và trách nhiệm phòng, chống ma túy của cán bộ, nhân dân được nâng lên...
Tính từ đầu năm 2016, trong rất nhiều nội dung phòng, chống ma túy cần phải triển khai, Chính phủ đã chọn chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy” trong Tháng hành động phòng chống ma túy nhằm nhắc nhở về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và của cả xã hội trong việc giúp đỡ thế hệ trẻ có cuộc sống lành mạnh, không sa vào tệ nạn ma túy.
Theo ông Christopher Batt, Phụ trách Văn phòng Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam, đối với những người trẻ, việc thiếu hiểu biết về ma túy và tác hại của ma túy đã khiến họ có nhiều nguy cơ sử dụng ma túy hơn. Vì thế, thanh thiếu niên cần phải tự trang bị kiến thức tốt về lạm dụng ma túy và tác hại của nó.
Bên cạnh đó, thanh thiếu niên cần học hỏi và thực hành các kỹ năng cá nhân và xã hội, ví dụ, kỹ năng đối phó với các khó khăn trong cuộc sống, kỹ năng đưa ra quyết định và kỹ năng từ chối sự cám dỗ sử dụng các chất ma túy và sức ép từ những bạn đồng trang lứa để có thể chống lại sự cám dỗ sử dụng ma túy. Đồng thời, những người trẻ cũng cần phải tham gia nhiều hơn vào các hoạt động giải trí, các ý tưởng, các hoạt động kinh tế, xã hội để có thể giúp các em tiếp cận nhiều hơn với các cơ hội và hình thành nhân cách của mình.
Gia đình, nhà trường, cộng đồng, công sở cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sử dụng và lạm dụng ma túy, kể cả chất hướng thần mới và các chất kích thích dạng amphetamine (ATS). Sự gắn kết chặt chẽ của các bạn trẻ với những người cha, người mẹ biết quan tâm, với nhà trường và cộng đồng có nguồn lực và cách thức tổ chức tốt, là những yếu tố góp phần cho mỗi cá nhân giảm thiểu nguy cơ sử dụng ma túy cũng như có các hành vi tiêu cực khác.
Hơn nữa, để đấu tranh, phòng, chống ma túy có hiệu quả và bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy, cần hành động quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện. Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng và lớp trẻ về tác hại của ma túy với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nâng cao năng lực tự phòng, tránh cho đoàn viên, thanh niên để thanh thiếu niên có kỹ năng và lối sống lành mạnh, không bị bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê, không thử tìm cảm giác lạ, tránh lối sống buông thả, sành điệu, học đòi và kiên quyết nói không với ma túy. Cần tuyên truyền nâng cao hiểu biết, các kỹ năng giáo dục, quản lý của các bậc phụ huynh để ngăn ngừa con em sa vào ma túy.
Video: 105 dân chơi tại Ruby Karaoke Hải Phòng dương tính với ma túy
Bình luận