• Zalo

Nếu Trịnh Công Sơn có Khánh Ly, Quốc Dũng có Bảo Yến

Sao ViệtThứ Hai, 25/09/2023 15:44:45 +07:00Google News

Người bạn đời trong cuộc sống, trong âm nhạc của Bảo Yến, nhạc sĩ Quốc Dũng đã trút hơi thở cuối cùng.

Hàng ngàn lời chia buồn gửi tới Bảo Yến. Ngọc Sơn cùng nhiều nghệ sĩ mong muốn được đến tận nơi đặt vòng hoa, thắp nén nhang tiễn đưa nhạc sĩ tài hoa.

Người hát Đường xưa chân thành cảm ơn tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp, quý khán giả gần xa song chị viết rõ trên trang cá nhân: “Gia đình xin phép không nhận vòng hoa và không nhận phúng điếu. Trưa 25/9 tiến hành hoả táng ở Bình Hưng Hòa”.

“Đã không còn đường xưa thơm nắng môi em hồng”

Tên tuổi của Quốc Dũng, những đóng góp của anh trong âm nhạc không nhỏ nhưng Bảo Yến và gia đình lại lựa chọn một cuộc tiễn đưa không khoa trương. Chợt nhớ tới bức thư của nữ sĩ Quỳnh Dao, ở tuổi 79 dặn các con lo liệu chuyện hậu sự cho mình, trong đó bà bày tỏ ước nguyện: “Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy hết mình, tới tận phút cuối cuộc đời. Lúc chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi”.

Do vậy, người viết Hoàn Châu Cách Cách không muốn mai táng ồn ào: “Cái chết là việc riêng, đừng làm phiền người khác, cũng đừng làm phiền những người yêu mến mẹ”…

Phải chăng, Quốc Dũng đã dặn người nhà về cuộc tiễn đưa bình dị, không làm phiền ai? Bảo Yến cũng tán thành ý nguyện của chồng? Được biết nhiều năm nay, nữ danh ca theo con đường tu hành, chị chủ yếu ở nhà xem Kinh và niệm Phật.

Tôi mở điện thoại xem lại tin nhắn của Bảo Yến cách đây vài tháng: “Trong quan điểm sống anh và chị giản dị giống nhau, anh không thích một phụ nữ cầu kỳ, ăn sang và tiêu xài nhiều. Anh thuộc tuýp của thế hệ xưa, không phải của thế hệ này nên anh cũng không thích nghe nhạc của giới trẻ hiện nay. Anh và chị rất hạp tính tình của nhau, bởi vậy nên mới ở tới giờ này”.

Bảo Yến còn nhắn tin, rằng: ''Là nhạc sĩ nên Quốc Dũng lãng mạn, chị không trách mà thông cảm với anh''.

Người đàn bà đi với Quốc Dũng đến tàn hơi thở, cuối cùng cũng chỉ còn lại Bảo Yến. Người đàn bà giúp ông lâng lâng trong khung trời âm nhạc của mình, cũng chỉ có thể là Bảo Yến.

Lần cuối cùng khán giả được thấy cảnh gia đình nghệ sĩ thăng hoa trong âm nhạc là trong chương trình do một trung tâm ca nhạc tại hải ngoại thực hiện cách đây chừng 2 năm. Khi ấy Bảo Yến đã trình bày và giới thiệu hoàn cảnh sáng tác của nhiều ca khúc của chồng, trong đó có cả những ca khúc anh viết cho “bóng hồng” khác. Mỗi khi vợ cất tiếng hát, Quốc Dũng lại nhắm mắt, thả hồn theo lời ca.

Bảo Yến cùng chồng, nhạc sĩ Quốc Dũng (bìa trái), con trai Khải Ca (bìa phải) trong cuộc hội ngộ âm nhạc cách đây 2 năm.

Bảo Yến cùng chồng, nhạc sĩ Quốc Dũng (bìa trái), con trai Khải Ca (bìa phải) trong cuộc hội ngộ âm nhạc cách đây 2 năm.

Trong âm nhạc, nếu Văn Cao có Ánh Tuyết, Trịnh Công Sơn có Khánh Ly thì Quốc Dũng có Bảo Yến. Có những ca khúc của Quốc Dũng khi nhắc đến người nghe nghĩ ngay tới giọng ca Bảo Yến.

Hạ vàng hay Đường xưa là ví dụ. Đường xưa từng được thể hiện bởi nhiều giọng ca tên tuổi như Mỹ Tâm, Lệ Quyên, Kasim Hoàng Vũ… song không ai hát Đường xưa mơ màng lại nhuốm màu u tịch như Bảo Yến: “Đã không còn đường xưa thơm nắng môi em hồng/Tan nát rồi giấc mơ hương nồng”.

Đường xưa là ca khúc được Quốc Dũng “đo ni đóng giày” cho Bảo Yến. Anh viết tặng vợ hơn 10 ca khúc: Đường xưa, Chuyện hợp tan, Chuyện ba người, Huế đêm trăng, Trái tim tội lỗi, Mắt Huế xưa, Cho em ngày nắng xanh, Kẻ đau tình, Hà Nội em và mùa xuân, Huế đông chiều, Thư tình không gửi.

Và không thể không nhắc đến Bài ca Tết cho em: “Tết này anh không thèm kẹo mứt/Vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng”.

Bảo Yến từng chia sẻ về Bài ca Tết cho em: “Thuở đầu mới quen, anh Quốc Dũng viết bài này để cua tôi". Có người nói nhờ Quốc Dũng mới có Bảo Yến. Nhưng ngược lại, nếu không có Bảo Yến thì Quốc Dũng cũng buồn biết bao trong đời sống riêng và âm nhạc. Bảo Yến luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ, kính trọng với tài năng của chồng: “Anh rất thông minh, thuộc bậc thầy về âm nhạc”.

Quốc Dũng và Bảo Yến tại thủ đô Hà Nội trong một mùa xa xăm.

Quốc Dũng và Bảo Yến tại thủ đô Hà Nội trong một mùa xa xăm.

“Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng”

Nhạc sĩ Tiến Luân cựu thành viên Ban nhạc Quốc Dũng lẫy lừng một thuở luôn xem đàn anh là “thầy”, là “sư phụ” của mình: “Anh ấy là bậc thầy về hòa âm, sáng tác. Với tôi là thế”.

Tác giả Quê em mùa nước lũ nói thêm: “Riêng mảng sáng tác, tôi bị mê tất cả nhạc phẩm của Quốc Dũng, bài nào cũng thích hết trơn, thậm chí còn thuộc nữa”.

Lý giải về ca khúc của Quốc Dũng với khả năng gây mê khán giả, nhạc sĩ Tiến Luân cho rằng: “Ca khúc của Quốc Dũng trẻ trung, lãng mạn nên người nghe thích. Trước 1975 anh sáng tác nhạc trẻ. Sau 1975 anh viết dòng nhạc trữ tình quê hương. Dù viết dòng nhạc nào, anh cũng đều thành công”.

Khi phóng viên Tiền Phong đề nghị tác giả Quê em mùa nước lũ khắc hoạ chân dung Quốc Dũng ở ngoài đời, ông chỉ dùng 4 chữ: “Ít nói, khiêm tốn”.

Nhiều đồng nghiệp tên tuổi cũng đánh giá cao Quốc Dũng trong âm nhạc. Nhạc sĩ Hàn Châu, tác giả Hạ thương bất ngờ khi nghe tin Quốc Dũng ra đi. Ông nói: “Cậu ấy trẻ hơn tôi, viết hay, sống hiền lành, thế mà lại ra đi sớm quá”.

Nhạc sĩ Tiến Luân có ảnh chụp chung với nhạc sĩ Quốc Dũng rất mới song ông từ chối cung cấp. Ông mong muốn trong mắt ông và khán giả, Quốc Dũng mãi như thuở còn xanh.

Nhạc sĩ Tiến Luân có ảnh chụp chung với nhạc sĩ Quốc Dũng rất mới song ông từ chối cung cấp. Ông mong muốn trong mắt ông và khán giả, Quốc Dũng mãi như thuở còn xanh.

Cha đẻ Đường xưa ra đi ở tuổi 72 song với những người yêu mến anh, Quốc Dũng mãi trẻ như những bài ca anh viết: “Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng/Chờ tia nắng về trong ánh mùa sang/Gió mãi mơn man trên đoá môi hồng/Người em yêu tìm quên trong cuộc sống…” - Điệp khúc mùa xuân.

(Nguồn: tienphong.vn)
Bình luận
vtcnews.vn