- Năm 2015, từng có dư luận nhiều chiều quanh việc nên hay không nên đầu tư xây dựng sân bay Vân Đồn. Vì sao Sun Group lại quyết định bỏ ra một nguồn vốn lớn để đầu tư sân bay này, thưa ông?
“Việc Sun Group sắp hoàn tất sân bay Vân Đồn chỉ sau hơn 2 năm thi công, trong lúc các công trình, dự án về hàng không do Nhà nước đảm nhiệm thường xuyên bị trượt tiến độ đã trở thành ví dụ điển hình được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra để minh họa cho tính ưu việt của hình thức đầu tư tư nhân”, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường.
Từ đầu những năm 2000, ý tưởng xây dựng sân bay tại Vân Đồn đã được nhen nhóm. Ngày 31/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 786 phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh". Trong đó đưa ra lộ trình cụ thể để phát triển hạ tầng tại đây như: Giai đoạn 2006 - 2010 sẽ hoàn thành cơ bản các công trình then chốt gồm quy hoạch chi tiết, khởi công và hoàn thành một số hạng mục công trình như sân bay, cảng biển, một số khu du lịch…
Từ 2011 - 2015 sẽ hoàn thành sân bay giai đoạn I. Tuy nhiên, phải đến năm 2012, tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Ninh, quyết tâm xây sân bay tại Vân Đồn mới được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định mạnh mẽ.
Hưởng ứng chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, Sun Group đã bày tỏ mong muốn chung sức cùng địa phương xây sân bay Vân Đồn. Bởi chúng tôi nhận thức rõ, muốn phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương thì hạ tầng luôn phải đi trước một bước, tạo cơ sở và tiền đề cho các hoạt động giao thương.
Hơn nữa, xác định chọn Quảng Ninh là địa bàn đầu tư chiến lược, nên Sun Group quyết định đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn để bổ trợ cho các công trình du lịch lớn mà chúng tôi đã và đang triển khai tại Quảng Ninh, đồng thời mở ra cơ hội thu hút nhà đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cùng chung tay đưa Vân Đồn cất cánh. Khi có sân bay quốc tế, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tìm thấy cơ hội đầu tư hấp dẫn tại Vân Đồn nói riêng, Quảng Ninh nói chung.
- Là nhà đầu tư tiên phong trong việc xây dựng sân bay, Sun Group có gặp trở ngại gì khi thực hiện dự án này?
Bước vào lĩnh vực hàng không ở thời điểm năm 2015, chúng tôi hoàn toàn là lính mới, chỉ có “vốn liếng” kinh nghiệm xây dựng, vận hành các dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp ở Quảng Ninh, sự sát cánh của các đối tác quốc tế về hàng không, chúng tôi đã vượt qua rất nhiều trở ngại để đưa dự án về đích.
Trước tiên, chúng tôi đã được tỉnh tạo điều kiện tối đa về khâu giải phóng mặt bằng. Tiếp đó, chúng tôi đã khắc phục được những khó khăn về mặt địa hình, địa chất tại khu vực thi công dự án. Địa hình dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn rất trũng, ngập nước, đến ngay cả chuyên gia của đơn vị tư vấn đến từ Hà Lan trong những lần đầu tiên tới sân bay cũng bày tỏ sự quan ngại. Chưa kể, thời tiết của khu vực này rất khắc nghiệt với nhiều đợt mưa bão kéo dài cả tháng trời khiến cả công trường đình trệ. Chúng tôi phải khắc phục khó khăn này bằng cách huy động đội ngũ nhân lực nhà thầu tranh thủ lúc thời tiết tốt để làm bù cho khoảng thời gian dự án bị đình trệ, để đảm bảo kịp tiến độ.
Tuy nhiên, người Sun Group chúng tôi vốn đã quen làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nếu so với Fansipan hay Phú Quốc thì khó khăn ở Vân Đồn chưa thấm vào đâu.
- Ông có thể chia sẻ những ưu điểm khi tư nhân đứng ra đầu tư các công trình công cộng?
Theo chúng tôi, khi tư nhân đứng ra đầu tư các công trình công cộng, ưu điểm lớn nhất là có thể chủ động trong nguồn vốn đầu tư xây dựng. Từ đó sẽ có những biện pháp để kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất, để công trình được đảm bảo tiến độ, chất lượng.
- Từ thực tế sân bay Vân Đồn, ông suy nghĩ gì về hình thức đầu tư này?
Việc Sun Group sắp hoàn tất sân bay Vân Đồn chỉ sau hơn 2 năm thi công, trong lúc các công trình, dự án về hàng không do Nhà nước đảm nhiệm thường xuyên bị trượt tiến độ đã trở thành ví dụ điển hình được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra để minh họa cho tính ưu việt của hình thức đầu tư tư nhân.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, Nhà nước nên có cơ chế, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân chung tay xây dựng hạ tầng. Chỉ tính riêng tại Quảng Ninh, trong 3 năm từ 2015 đến nay, bằng cơ chế linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông, tỉnh đã thu hút hơn 48 nghìn tỷ đồng phát triển hạ tầng, mang đến diện mạo mới khang trang cho các tuyến đường, cầu cảng, sân bay… tại Quảng Ninh.
Chúng tôi cho rằng, tư nhân có nguồn lực, Nhà nước có chủ trương, cơ chế, nếu phối hợp công – tư hiệu quả thì doanh nghiệp tư nhân có thể chung tay cùng các địa phương đầu tư những công trình lớn, tầm cỡ, quy mô và xây dựng trong thời gian nhanh nhất. Nhà nước có rất nhiều việc cần ưu tiên đầu tư như các dự án an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh lương thực… Thiết nghĩ, những dự án hạ tầng, giao thông nên để tư nhân cùng gánh vác để vừa tận dụng được nguồn lực dồi dào của khối kinh tế tư nhân, vừa đạt hiệu quả tốt về đầu tư xây dựng, phục vụ phát triển.
Muốn vậy, theo chúng tôi, chính quyền các địa phương cần chủ động, linh hoạt, tạo cơ chế cởi mở hơn, thủ tục hành chính thông thoáng hơn nhằm thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông, nhất là những công trình quan trọng cần nguồn vốn lớn như sân bay, cảng biển,... Các hình thức hợp tác công – tư như BOT, PPP cũng cần được ứng dụng linh hoạt để đủ sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, tâm huyết góp vốn, tạo đà cho kinh tế - xã hội “bứt phá”.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận