Nhìn lại năm 2012, điều khiến những người kinh doanh đau lòng nhất chính là việc nhiều đại gia “mơ về thời khốn khó”, khi nợ nần lộ ra không sao che giấu được.
Mơ về... ngày xưa
Đại gia lộ diện nợ nần mới nhất là chủ tịch tập đoàn Mai Linh, ông Hồ Huy. Chuyện vỡ lở khi Mai Linh không có tiền trả cho khoảng 800 người dân, với số tiền chừng 500 tỷ đồng mà tập đoàn này đã vay mượn theo kiểu ngắn hạn.
Khác với nhiều đại gia, ông Hồ Huy tỏ ra thẳng thắn, không né tránh khi trả lời phỏng vấn một số báo thừa nhận đã có những sai lầm trong quá khứ. Chính là việc lấy vốn vay ngắn hạn đi đầu tư dài hạn; trong khi đi vay lãi suất 18-25% mỗi năm, thì số vốn hàng ngàn tỷ đồng mà công ty mẹ Mai Linh đầu tư vào gần 60 công ty con ở hầu khắp các tỉnh thành, lại chỉ được trả cổ tức 3-5%.
Ông Hồ Huy thừa nhận tình trạng nợ nần. |
Chưa kể, với việc phát triển nóng, mô hình quản trị cồng kềnh, hằng tháng phải lo trả lương cho khoảng 2,8 vạn lao động, nên thu không đủ chi. Ngoài ra, cũng có lúc Mai Linh đầu tư vào một số dự án bất động sản để mong giàu nhanh hơn làm taxi...
Không thể phủ nhận, Mai Linh từng là cái tên hot năm 2007, khi mà cổ phiếu chưa lên sàn đã có thể bán ngay giá vài chấm (có thời điểm lên tới 40.000 đồng/cổ phiếu).
Khi đó, không ít người còn được Mai Linh hào phóng tặng cho “ngàn cổ” gọi là đối ngoại. Thương hiệu Mai Linh bỗng chốc tràn ngập ở khắp các đường phố, tỉnh thành, kể cả các thành phố, thị xã miền núi xa xôi, thậm chí taxi Mai Linh còn có mặt trên cả đất Lào...
Để giải quyết nợ nần, bối cảnh khốn khó này, chủ tịch Hồ Huy không còn cách nào khác ngoài việc quyết định bán 1.000 xe taxi thanh lý, trên tổng số 1,2 vạn xe, vào năm 2013 để giải quyết nợ nần.
Ít tên tuổi hơn như tập đoàn Thái Hoà (kinh doanh đa ngành), ông chủ tập đoàn Nguyễn Văn An cũng lên báo tiết lộ chuyện nợ nần của tập đoàn tới trên 1.200 tỷ đồng, trong đó có 70% nợ quá hạn.
Trước đó, dân chúng không khỏi ngạc nhiên khi đại biểu QH Đặng Thành Tâm, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc tập đoàn Kinh Bắc râu tóc hoang dại, sau kỳ điều trị bệnh dài ở nước ngoài, trở về họp quốc hội và tiết lộ chuyện hai tập đoàn của chị em ông (tập đoàn Tân Tạo, do bà Đặng Hoàng Yến làm chủ tịch và tập đoàn Kinh Bắc) nợ nần khoảng 500 triệu USD (hơn 10.000 tỷ đồng).
Ông Đặng Thành Tâm. Ảnh Kiến Thức. |
Nhưng nói như ông Tâm, thì nợ nần này chưa thấm vào đâu so với nhiều đại gia khác. Bởi có đại gia chỉ riêng tiền đầu tư xây một toà nhà đã vài trăm triệu USD, trong khi cao ốc làm xong chẳng khai thác được là bao.
Từ khi ông Tâm lên báo giãi bày tâm sự, nhiều đại gia khác cũng thấy giật mình. Bởi “đến như ông Tâm còn thế, thì đại gia nào trụ nổi đây?”. Thực tế, trong giới doanh nhân Việt mấy người từng thành đạt và nổi như ông.
Và thời gian vẫn cứ chậm rãi trôi, kéo theo không ít đại gia khác cũng có điều ước như ông Tâm. Đó là chuyện “ước được trở về ngày xưa, làm ít, nợ ít, không canh cánh nỗi lo nợ nần. Ước như thế chả khác nào bảo mình trở về với máng lợn sứt mẻ, nhưng máng đó là của mình còn tốt hơn sống trong lâu đài xa hoa nhưng không phải của mình, lại canh cánh nỗi lo”.
Nhưng đến giờ này, trụ được như ông Tâm vẫn còn may mắn, bởi nhiều đại gia khác như ông chủ tập đoàn Thái Sơn Ngô Văn Thụ (Hải Phòng), một ông chủ lớn trong ngành thép và con trai còn dính vòng lao lý, phải ăn Tết ở trại tạm giam.
Ở Hải Phòng, không chỉ có ông Thụ, mà nhiều đại gia khác cũng chỉ ước được quay về cái thời buôn sắt vụn, mua tàu cũ phá dỡ kiếm mỗi con hàng tỷ đồng. Chẳng phải vay mượn ai, làm tới đâu tiền lời đút túi tới đó.
Vẫn theo đuổi giấc mơ tỷ phú đô la
Thời điểm này, rất khó có thể hẹn gặp được lãnh đạo doanh nghiệp, dù chỉ để hỏi thăm sức khỏe. Bởi họ đang quay cuồng xử lý “mớ bòng bong” về vốn, dự án ngưng trệ, hàng hóa ế thừa, nợ xấu, kinh doanh thua lỗ, chủ nợ thúc ép… Số khác thì đang đối mặt với các đợt thanh tra, điều tra dồn dập của cơ quan pháp luật liên quan đến quản lý kinh tế thời gian trước.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ thành tỷ phú đô la. Bầu Đức đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực như trồng cao su, gỗ, thủy điện, khoáng sản, bất động sản… và không ngừng mở rộng đầu tư sang Lào, Myanmar. Về tham vọng đầu tư, bầu Đức từng tuyên bố: “Nếu tôi kiếm tiền cho riêng mình thì không cần làm gì cũng thừa tiền tiêu mấy đời không hết”.
Ông Đoàn Nguyên Đức vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ thành tỷ phú đô la. |
Trong tình cảnh khó khăn, việc duy trì đầu tư, ổn định kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động đang là áp lực rất lớn đối với các chủ doanh nghiệp. Nhất là doanh nghiệp mở rộng đầu tư ra nước ngoài với nhiều dự án quy mô hàng nghìn tỷ như Hoàng Anh Gia Lai.
“Đã làm thì đừng sợ áp lực, vì mình chủ động được chuyện đó”- ông Đức nói và cho biết: “Hoàng Anh Gia Lai vẫn hoạt động bình thường. Mỗi người có cách làm, cách cân đối tài chính riêng, không thể chia sẻ được. Miễn sao cuối năm công ty vẫn tồn tại được là vui vẻ rồi”.
Dù khẳng định không thấy mệt mỏi, không sợ áp lực, nhưng sự lạc quan của bầu Đức cũng có phần vơi bớt. “Chúng tôi vẫn tồn tại được là tốt rồi, thậm chí vẫn duy trì hoạt động đầu tư sang Campuchia… Nhưng thực sự, trong tình cảnh kinh tế khó khăn, không thể đạt được lợi nhuận như mong muốn”- ông Đức nói.
Trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế, vẫn có không ít doanh nghiệp làm ăn khấm khá. Đơn cử, như tập đoàn Masan, công ty Kinh Đô, công ty cổ phần Sữa Việt Nam, tập đoàn Hòa Phát, công ty Cơ điện lạnh, công ty Bourbon Tây Ninh…
Năm 2012, Vinamilk trở thành điểm sáng trên thị trường với tổng doanh số dự kiến khoảng hơn 26.000 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến khoảng 5.620 tỷ đồng. Doanh nghiệp này vẫn đang nuôi tham vọng thành một trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới, vào năm 2017, với doanh số khoảng 3 tỷ USD.
Không phủ nhận sự giàu có, thành công của các đại gia Việt, nhưng chuyên gia kinh tế Quách Mạnh Hào cho rằng: “Chúng ta mới nhìn các đại gia ở phía tài sản có, còn số nợ của họ là bao nhiêu? Vì để có được khối tài sản lớn, có lẽ họ phải vay nợ rất nhiều. Trước kia, khi nguồn tiền dồi dào, họ vẫn cân đối được nên nợ nần không phát sinh. Giờ, nguồn tiền khó khăn, phải bán tài sản để trả nợ khiến tài sản sụt giá, nợ dềnh lên dẫn tới các đại gia mới bết bát như vậy”.
Hơn nữa, nhiều đại gia đã lạm dụng “đòn bẩy tài chính” để gia tăng lợi nhuận, không có nền tảng vững chắc về vốn, quản trị, nhân lực. Tâm lý thích rủi ro, mơ kiếm siêu lợi nhuận là đặc điểm chung của các đại gia Việt giàu quá nhanh.
“Giàu nhanh và ra đi cũng nhanh là quy luật, và họ phải chấp nhận cuộc chơi. Sự chủ quan, ảo tưởng về lợi nhuận trước mắt sẽ dẫn tới những quyết định thất bại!”- ông Hào nói.
Trước những tín hiệu giải cứu doanh nghiệp từ chính phủ, nhiều doanh nghiệp đang mong chờ được hỗ trợ để hồi sinh trong năm 2013.
Theo bầu Đức, sự hỗ trợ của chính phủ sẽ tạo thuận lợi hơn, còn bản thân doanh nghiệp phải tự lèo lái, cơ cấu lại hoạt động đầu tư, kinh doanh. “Đừng ngồi chờ chính phủ hay ai khác cứu. Đó là hy vọng đầy viển vông!”- ông Đức nói.
Theo Tiền Phong
Bình luận