Là một trong những Hiệp ước lớn toàn cầu nhằm kiểm soát các vấn đề quân sự của các quốc gia, nhiều nước bày tỏ lo ngại việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước sẽ gây phương hại đến an ninh của châu Âu, ảnh hưởng đến chính lợi ích các đồng minh của Mỹ, đồng thời tạo ra cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu mới với những hậu quả khó kiểm soát.
Các Đại sứ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm nay (22/5) kêu gọi triệu tập họp khẩn để thảo luận về bước đi mới nhất của Mỹ cũng như những tác động có thể đối với an ninh các quốc gia thành viên.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi Mỹ cân nhắc lại quyết định, đồng thời nhấn mạnh Hiệp ước này "đóng góp cho an ninh và hòa bình tại hầu hết các nước ở Bắc bán cầu và Đức sẽ tiếp tục thực thi hiệp ước và làm mọi cách để duy trì văn kiện này”.
Trả lời báo chí về lý do Mỹ rút khỏi Hiệp ước, Tổng thống Mỹ Donald Trump phủ nhận mối quan hệ với Nga đang xấu đi, thậm chí ông còn cho rằng mối quan hệ hai bên đang được cải thiện gần đây trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên,Nga đã không tuân thủ Hiệp ước này thời gian qua.
Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn để ngỏ khả năng: “Vẫn có cơ hội tốt chúng ta có một thỏa thuận mới hay làm một điều gì đó cùng nhau để đảm bảo thỏa thuận tiếp tục có hiệu lực. Khi tồn tại một thỏa thuận mà một bên không nhất trí và không tuân thủ thì Mỹ sẽ không tham gia”.
Hiệp ước Bầu trời mở được ký năm 1992 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002. Thỏa thuận cho phép Không quân của 34 quốc gia thực hiện các chuyến bay do thám trên không phận của nhau, đảm bảo sự ổn định, giảm nguy cơ hiểu lầm có thể xảy ra.
Phản ứng trước bước đi của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko phủ nhận Nga vi phạm Hiệp ước và cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các bên, trong đó có các quốc gia thành viên NATO.
Nếu Mỹ có quyết định chính thức rút khỏi Hiệp ước bầu trở mở, đây sẽ là một “lỗ hổng” tiếp theo trong cơ chế giám sát quân sự giữa Nga và Mỹ sau khi hai bên vừa rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung INF và cũng chưa dứt khoát về tương lai của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START) sắp hết hiệu lực vào năm 2021.
Dư luận nhiều nước châu Âu bày tỏ sự thất vọng trước thông báo của Mỹ, cho rằng điều này đang làm giảm uy tín và vai trò của Mỹ trên thế giới, làm suy yếu an ninh của các đồng minh châu Âu cũng như toàn cầu.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephan Dujaric cũng cảnh báo về nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang mới với hậu quả khó kiểm soát.
“Chúng tôi lo ngại về cơ chế kiểm soát vũ khí giữa Nga và Mỹ đang ngày càng xấu đi. Các cơ chế kiểm soát vũ khí này đã đảm bảo lợi ích an inh cho toàn cầu bằng cách kiểm soát các bên, tránh một cuộc chạy đua vũ trang. Tuy nhiên chấm dứt các Hiệp ước này mà không có các thỏa thuận mới thay thế có thể tạo ra sự mất ổn định, khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang mới nguy hiểm dẫn đến các hậu quả khó lường”, ông Dujaric nói.
Nếu không có tiến triển trong đàm phán, Mỹ sẽ chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trở mở sau 6 tháng nữa. Các nước đều cho rằng mặc dù quan ngại về việc Nga có thể vi phạm một số quy định, nhưng chưa đến mức Mỹ phải rút khỏi Hiệp ước này.
Các bất đồng có thể giải quyết thông qua đàm phán và hành động rút khỏi hiệp ước của Tổng thống Trump là quá vội vàng và thiếu trách nhiệm.
Bình luận