Nhận định về "Kế hoạch điều hướng hoạt động hải quân 2022" của Lầu Năm Góc, cây bút Kris Osborn của National Interes cho biết trong nhiều năm qua hải quân Mỹ luôn đi tìm câu trả lời cho bài toán cần bao nhiêu tàu sân bay để duy trì vị thế siêu cường trên biển, đối phó Trung Quốc, cũng như đáp ứng tốt nhất các nhu cầu và ứng phó với các mối đe dọa toàn cầu ngày càng nguy hiểm và thay đổi nhanh chóng.
Osborn cũng nhấn mạnh rằng không có quốc gia nào trên thế giới sở hữu hạm đội tàu sân bay mạnh mẽ như của hải quân Mỹ, chúng mang đến cho Washington lựa chọn phát động một cuộc chiến quy mô lớn chỉ với một nhóm tác chiến tàu sân bay, đặt kẻ thù vào tình thế nguy hiểm. Ở một chiều hướng khác, nhóm tàu sân bay không ít lần giúp nước Mỹ răn đe, ép các quốc gia không thân thiện với Washington phải thỏa hiệp.
Hải quân Mỹ cần bao nhiêu tàu sân bay?
Trong nhiều thập kỷ, các lãnh đạo của hải quân Mỹ lẫn Lầu Năm Góc không ít lần yêu cầu Quốc hội Mỹ mở rộng quy mô các nhóm tác chiến tàu sân bay từ 10 lên 11, thậm chí là 12. Mục tiêu này được thể hiện rõ qua "Kế hoạch điều hướng hoạt động hải quân 2022", giúp tăng cường sức mạnh của hải quân Mỹ trong tương lai gần.
Có nhiều lý do khiến hải quân Mỹ xem việc mở rộng hạm đội tàu sân bay lên 12 chiếc là tối ưu. Đầu tiên có thể kể đến yêu cầu về chỉ huy tác chiến đối với các hạm đội ở nhiều vùng biển khác nhau trong cùng một thời điểm, từ Địa Trung Hải, Thái Bình Dương, Vịnh Ba Tư cho đến biển Baltic. Nhu cầu hiện diện quân sự của Mỹ ở các điểm nóng này là rõ ràng nhằm ngăn chặn những kẻ thù tiềm tàng lẫn bảo vệ các tuyến đường biển chiến lược.
Chắc chắn, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới cùng lúc sẽ đòi hỏi các tàu sân bay Mỹ phải có mặt kịp thời cũng như duy trì lực lượng dự bị cần thiết.
Tuy nhiên, yếu tố lớn nhất khiến hải quân Mỹ muốn mở rộng hạm đội tàu sân bay lại liên quan đến Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc hiện chỉ vận hành hai tàu sân bay, nhưng tốc độ bổ sung các tàu sân bay mới và tham vọng tiếp tục mở rộng hải quân của họ đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hải quân Mỹ.
Hải quân Trung Quốc ngày nay mong muốn mở rộng vai trò của mình từ vùng biển ven bờ ra các đại dương xa hơn, và đây là điều kiện quan trọng để Trung Quốc trở thành siêu cường toàn cầu. Trong khi đó hải quân Trung Quốc giờ đây đã có quy mô lớn hơn hải quân Mỹ nếu dựa trên số lượng tàu chiến mặt nước trên 4.000 tấn, tàu ngầm tấn công và tàu đổ bộ được đóng mới mỗi năm.
Cuối cùng, có một lý do khác khiến hải quân Mỹ cần thêm tàu sân bay chính là ở chiến lược “nhóm tàu sân bay kép” mà họ đang thực hiện ở Thái Bình Dương. Sự phát triển của các nền tảng số giúp việc phối hợp tác chiến giữa nhóm tàu sân bay trở nên dễ dàng kể cả khi chúng không hoạt động trong cùng một khu vực.
Khả năng kiểm soát một vùng biển rộng có thể là yếu tố quan trọng giúp hải quân Mỹ có được lợi thế trước bất cứ cuộc đối đầu nào trên biển với Trung Quốc, ngoài họ cũng có thể phát động các cuộc tấn công trên diện rộng vào các mục tiêu quan trọng của đối phương nằm dọc vùng ven biển, hoặc nằm sâu trong đất liền với ít rủi ro hơn.
Hạm đội tàu sân bay hùng hậu của Mỹ
Hải quân Mỹ đang vận hành 1 hạm đội gồm 11 tàu sân bay, trong đó có 10 tàu sân bay lớp Nimitz và một tàu sân bay lớp Ford. Tất cả đều chạy bằng năng lượng hạt nhân và thường có hàng chục máy bay trên tàu, chẳng hạn như tiêm kích F/A/-18E/F Super Hornet, tiêm kích đa nhiệm F-35C và trực thăng Seahawk.
10 chiếc được phân bố tại các vùng biển khác nhau trên khắp nước Mỹ, duy chỉ có tàu sân bay USS Ronald Reagan được đặt tại căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản.
Mỹ luôn có ít nhất 3 tàu sân bay hoạt động trên biển toàn thời gian và việc triển khai này diễn ra luân phiên. Khi không được triển khai, các tàu sân bay sẽ trải qua quá trình đại tu và hiện đại hóa kéo dài.
Không chỉ riêng Mỹ muốn xây dựng một hạm đội tàu sân bay hùng hậu, nhiều quốc gia khác cũng đang thực hiện kế hoạch này. Anh đã đưa vào vận hành hai tàu sân bay mới là Queen Elizabeth vào năm 2017 và Prince of Wales vào năm 2019. Brazil đang thử nghiệm sử dụng máy bay không người lái trên tàu sân bay Atlantico của nước này. Trong khi, Pháp, Hàn Quốc và Nga cũng đã công bố kế hoạch đóng tàu sân bay trong thời gian tới.
Dù có rất nhiều mối đe dọa mới, nhưng hải quân Mỹ vẫn đặt niềm tin vào các tàu sân bay. Lực lượng này đang có kế hoạch đóng thêm 3 tàu sân bay mới thuộc lớp Ford là USS John F. Kennedy, USS Enterprise và USS Doris Miller, sau khi đóng thành công tàu sân bay USS Gerald R. Ford dự kiến triển khai vào cuối năm nay. Lớp tàu sân bay này sẽ thay thế cho các tàu sân bay lớp Nimitz đang hoạt động hiện nay và quá trình thay thế kéo dài đến năm 2050 hoặc lâu hơn.
Các tàu sân bay lớp Ford được trang bị những công nghệ cho phép chúng có thể song hành với thời gian, chẳng hạn như có máy phóng điện từ giúp phóng những máy bay không người lái nhỏ, nhẹ. Bên cạnh đó, con tàu còn có khả năng tạo ra năng lượng để cung cấp cho những loại vũ khí cần sử dụng nhiều năng lượng.
Không thể phủ nhận rằng Mỹ đã đầu tư vào tàu sân bay nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhưng theo các chuyên gia quân sự, nước này cần phải nhìn nhận một cách thực tế về việc khai thác những lợi ích mà nó mang lại.
Bình luận