Để phóng sinh không có những giọt nước mắt
Điểm tinh túy, căn cốt nhất, là kim chỉ nam trong triết lý Đạo Phật được chính Đức Phật truyền dạy trong kinh Pháp cú (kệ 183): “Không làm các việc ác, siêng làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, chính là lời Phật dạy”.
Việc ác tột cùng - theo Đạo Phật là sát sinh, việc thiện tột cùng là thương yêu muôn loài, giữ gìn, mang lại sự sống cho muôn loài.
Chính vì thế, mà những người mong muốn làm con của Phật (Phật tử) trong lễ Quy y Tam bảo (quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng) đã phát nguyện tuân theo Ngũ giới với giới thứ nhất là Không sát sinh.
Các đời sau, phóng sinh được ghi rõ trong hai bộ kinh Phật giáo Bắc Tông là Phạm Võng Bồ Tát Giới và Kim Quang Minh khiến tục lệ phóng sinh phát triển mạnh ở Trung Hoa, rồi truyền sang nhiều nước.
Các Phật tử học theo kinh Phạm Võng: “Người con Phật vì lòng từ bi mà làm việc phóng sinh và khuyên bảo người khác làm. Nếu thấy người đời sát sinh thì nên tìm cách cứu cho chúng được thoát khỏi nạn khổ”.
Đức tin của các Phật tử lại càng được củng cố khi trong kinh Kim Quang Minh ghi chép để lưu truyền lại lại những thí dụ về lòng từ bi cứu giúp chúng sinh khỏi chết.
Đạo Phật từ bi dạy Phật tử, khuyến khích Phật tử tự mình tôn trọng sự sống của muôn loài như sự sống của chính mình, phát lòng từ tâm cứu giúp mỗi khi mạng sống của mỗi chúng sinh bị đe dọa.
Khi Đạo Phật du nhập vào Việt Nam, rất nhiều điểm trong giáo lý Phật giáo phù hợp những nét đẹp trong đạo lý con dân nước Việt, văn hóa Việt Nam. Những nét đẹp được hun đúc trong ca dao như: Bầu ơi thương lấy bí cùng, Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ… như là những biểu hiện rõ ràng của triết lý từ bi trong Đạo Phật.
Tín ngưỡng Đạo Phật - trong đó có tục lệ phóng sinh - hòa quyện với đạo đức người Việt khiến nhiều nghi lễ Phật giáo cũng được lan tỏa và gần gũi với văn hóa Việt Nam và đã được lưu truyền hàng ngàn năm.
Tuy nhiên, bên cạnh Từ bi, Đạo Phật cũng là đạo của Trí tuệ. Chính vì thế, không hiểu được tầng sâu trong triết lý Phật giáo cũng như văn hóa Việt Nam những phong tục tốt đẹp sẽ bị biến thành hủ tục. Tục lệ phóng sinh tốt đẹp sẽ dần trở thành hủ tục, phóng sinh vẫn còn những giọt nước mắt rơi.
Tin thì phải hiểu
Lúc còn sống, Đức Phật dạy: “Ai tin Ta mà không hiểu Ta tức phỉ báng Ta”. Chúng ta tin lời Phật dạy phóng sinh là việc thiện xuất phát từ lòng từ bi là việc nên làm vì thế đã làm hàng ngàn năm nay và đến nay vẫn làm.
Nhưng vì sao phóng sinh đang bị người đời phê phán, đang dần bị biến thành hủ tục? Đó là do chúng ta không hiểu giáo lý của Phật, tham lam dẫn đến tà kiến nghĩ rằng mình làm phúc để cầu danh tài, lợi lộc. Cứ tham dục như thế mà thành vô minh, càng vô minh lại càng tham dục.
Hãy tự quán chiếu:
Có phải hôm trước ra chợ đặt hàng để hôm sau phóng sinh thì chính chúng ta đã phạm giới không sát sinh là bảo người khác giết? Cụ thể: Khi ta đặt hàng đã khơi gợi lòng tham của người săn bắt, kẻ bán buôn dẫn đến những sinh vật đang sống an lành bỗng trở thành tù binh của kẻ mù Phật pháp.
Khi ta phóng sinh các con vật đều đã bị bắt nhốt, kinh sợ, đói ăn nên khi thả sẽ không còn đủ sức để sống. Những con cá được người đời đứng trên cầu cao cả chục mét khi vừa thả xuống sông đã ngửa bụng từ giã cõi đời.
Lại có những chú chim bị nhốt lâu trong lồng khi tung lên để trả chúng về với tự do không còn sức bay bỗng rơi bịch xuống, hay gắng gượng đập cánh rồi không thể bay xa cũng lìa dương thế…
Thương thay, việc phóng sinh như thế khác gì phóng tử!
Việc làm như thế là do tham cầu lợi ích ích kỷ cho mình mà làm. Nó không phải xuất phát từ lòng từ bi như lời Đức Phật dạy. Những việc làm như thế tưởng là lợi cho mình, nhưng thực ra mang lại nghiệp xấu theo luật nhân quả.
Nó cũng không phải là việc thiện! Vì việc phóng sinh là đem lại sự sống cho những con vật vô tình bị bắt giữ, đương nhiên sẽ bị giết hại và việc phóng sinh phải chắc chắn mang lại sự sống cho chúng.
Những hành động khuyến khích săn bắt, cầm tù rồi mới thả chim muông, tôm cá đi chỉ là những hành động đạo đức giả xuất phát từ tham dục, vô minh tà kiến.
Hãy tin vào chính mình, hãy soi mình vào lời dạy của Đức Phật là “không làm việc ác, siêng làm việc lành, giữ tâm ý trong sạch” trước mỗi việc làm để phân biệt thiện ác, để hiểu rõ việc gì nên làm việc gì không nên làm.
Hiểu việc thiện là việc mình thích thì cố công làm cho người, hiểu việc ác là việc mình không thích thì đừng hành xử với người, giữ tâm ý trong sạch là luôn nghĩ đến hạnh phúc của người khác, vì hạnh phúc của người khác mà làm thì mỗi chúng ta sẽ tốt đẹp hơn, xã hội sẽ tốt đẹp hơn.
Tin Phật thì phải hiểu Phật qua cuộc đời của Phật, muốn học theo Phật thì lại càng phải hiểu Phật qua giáo lý của Phật, như vậy mới tránh khỏi phỉ báng Đức Phật, phỉ báng Đạo Phật. Và, cũng qua đó giữ được đạo đức của người Việt, văn hóa Việt Nam.
Bình luận