• Zalo

Món ngon khó cưỡng trên cỗ Tết miền Bắc

Thời sựThứ Năm, 19/02/2015 07:15:00 +07:00Google News

Mâm cỗ Tết được xem là thứ rất quan trọng của người miền Bắc trong những ngày Tết mà không bao giờ có thể thiếu những món ngon truyền thống

Mâm cỗ Tết được xem là thứ rất quan trọng của người miền Bắc trong những ngày Tết mà không bao giờ có thể thiếu những món ngon truyền thống dưới đây

Xôi gấc
Theo quan niệm của dân ta từ xưa thì màu đỏ là màu của may mắn hạnh phúc, vì vậy trong các ngày rằm, ngày lễ đặc biệt là ngày Tết đến sẽ có 1 đĩa xôi gấc. Xôi gấc được nấu từ gạo nếp ngon trộn với gấc tươi rồi cho vào nồi hấp, sau khi đồ chín xôi sẽ có màu đỏ tươi rất đẹp.

Bánh chưng

Bánh chưng là linh hồn của ngày Tết, tổng hòa hương vị ngọt thơm của gạo nếp, bùi của đỗ kết hợp với vị beo béo của thịt mỡ, cay nhẹ của hạt tiêu.

Bánh chưng tùy kích cỡ, vuông chằn chặn (nếu gói khuôn) hoặc hơi méo (nếu gói tay). Đa số nơi sử dụng nhân mặn, nhưng một số nơi cho thêm đường để tạo nhân ngọt. Các thành phần còn lại giống nhau, gồm nếp, đỗ, nhân thịt ba chỉ nhiều mỡ, hạt tiêu, có nơi cho thêm hành.

Dưa hành

Dưa hành thường được sử dụng như một món gia vị ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều dầu mỡ như thịt đông, thịt kho tàu, thịt luộc cho đỡ ngán. Vị chua dịu, cay nhẹ của dưa hành vừa giúp tăng hương vị vừa giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn.

Giò nạc, giò thủ


Mâm cỗ cổ truyền của người miền Bắc không thể thiếu giò, chả. Món ăn này luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong bàn tiệc.

Thịt đông

Thịt đông là món đặc trưng của người Bắc bộ được làm từ thịt lợn ba chỉ (có thể thay bằng gà) và bì lợn ninh nhừ. Trong không khí se lạnh, thịt đông trở nên ngon và hấp dẫn hơn, khi thưởng thức mang lại cảm giác ngon miệng và hấp dẫn đến lạ.

Nem rán

Nem rán một món ăn không chỉ quen thuộc trong bữa cơm gia đình hàng ngày mà còn là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết truyền thống miền bắc.

Những miếng nem được chiên vàng với lớp vỏ ngoài giòn rụm, nhân bên trong có thịt, trứng, mộc nhĩ, giá thơm mềm. Nước chấm nem rán phải pha chế thật ngon, khéo điều hòa các vị mặn, ngọt, chua, cay quyện vào nhau cho đậm đà tròn vị.


Gà luộc
Món gà luộc để cúng trong đêm Giao thừa và ngày đầu năm mới. Người ta tin rằng món ăn này dâng lên đất trời ngày đầu xuân sẽ mang đến một khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy. Khi ăn những miếng thịt gà có màu vàng tươi, rắc thêm lá chanh thái nhỏ chấm với muối tiêu chanh ớt tạo nên một hương vị đặc trưng.

Canh măng khô

Măng khô làm trung hòa vị béo của thịt lợn, tạo nên vị ngọt thanh mà không ngấy cho món ăn cổ truyền này.

Canh bóng thập cẩm

Ngày xuân đầu năm, bát canh bóng thập cẩm với sự kết hợp của các nguyên liệu đủ màu sắc là biểu tượng cho một năm mới sum họp, may mắn.

Rau xào thập cẩm

Để mâm cỗ thêm phần phong phú và đẹp mắt, không thể thiếu đó chính là 1 đĩa rau xào thập cẩm. Vừa cung cấp lượng Vitamin và chất xơ cho cơ thể, vừa có thể dùng kèm với cơm để kết thức bữa ăn khi cúng ta đã lưng lửng dạ sau khi ăn nhậu hoặc ăn vặt trước đó.

Rau nộm

Bên cạnh những món nem, giò chả dễ gây ngán trong ngày Tết mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu món rau nộm.  Nộm có nhiều khúc biến tấu khác nhau: nộm rau muống, hoa chuối, xu hào…. nhưng tựu chung đều rất đơn giản, dễ làm và rất được ưa chuộng trong những ngày Tết.

Chè kho

Đây là món ăn ngày Tết ở miền Bắc, quen thuộc nhất với người dân Hà Nội. Chè kho rất giản dị trong việc kết hợp nguyên liệu, chỉ cần đậu xanh, vừng trắng và đường cát là có thể nấu thành nồi chè. Chè có một hương vị đặc biệt thơm thơm mùi của đỗ xanh, chút thoang thoảng của nước hoa bưởi ăn vừa mát vừa mềm mịn tan ngay trong miệng.

Mứt sen

Những hạt mứt sen thơm ngon, vị bùi thanh mát. Khi thưởng thức nhấp thêm ngụm trà thơm sẽ khiến bạn thêm yêu cái Tết đầy đầm ấm và thi vị ở miền Bắc này.

Diệp Trang (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn