(VTC News) - Báo Nga phân tích mục đích của Bắc Kinh trong việc mời Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thăm tàu sân bay Liêu Ninh.
Ông Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ là người nước ngoài đầu tiên đặt chân lên trên chiếc tàu sân bay "Liêu Ninh" của Trung Quốc.
Ngày 7/4, người đứng đầu Lầu Năm Góc bắt đầu chuyến thăm ba ngày tới Trung Quốc. "Liêu Ninh" được xem như một biểu tượng tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong mục tiêu đã đặt ra - trở thành cường quốc hải quân lớn trên thế giới.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc |
Khi ông Chuck Hagel thăm Trung Quốc trong chuyến công du đầu tiên ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng và được nước chủ nhà mời lên tham quan tàu sân bay, có thể thấy ở đây Bắc Kinh đã thực hiện ý định “một mũi tên giết hai con chim”.
Một mặt – phô trương sự cởi mở trong lĩnh vực quân sự của Trung Quốc, yếu tố thiếu vắng luôn gây khó chịu nghiêm trọng cho phương Tây. Mặt khác, chuyến thăm "Liêu Ninh" được thiết kế theo cách nhằm gọt bớt những góc cạnh thô sắc mà cả hai bên chắc chắn sẽ vấp phải trong thời gian cuộc đàm phán ở Bắc Kinh.
Như dự đoán của ông Pavel Zolotarev Phó Giám đốc Viện Mỹ và Canada (Viện Hàn lâm khoa học LB Nga), cuộc thương lượng sẽ diễn ra “một cách ôn hòa”.
Và không chỉ bởi vì Trung Quốc có truyền thống kiềm chế trong các cuộc đối thoại với Hoa Kỳ, còn ông Chuck Hagel là người có bản tính điềm tĩnh và là nhân vật đối thoại thận trọng.
”Quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc rất độc đáo, chưa bao giờ có trạng thái như vậy. Hai nước đang có liên hệ kinh tế chặt chẽ. Do đó, xung đột quân sự giữa họ là khả năng ít xảy ra, bởi thực tế những liên hệ kinh tế này ràng buộc kiềm chế bất kỳ động thái quyết liệt .
Trung Quốc nuôi tham vọng trở thành cường quốc biển |
Mặt khác, Hoa Kỳ rất e ngại trước tiềm năng vũ lực của Trung Quốc. Đặt ra mục tiêu rõ ràng là đảm bảo khả năng triển khai sức mạnh ở châu Á, Lầu Năm Góc sử dụng thuật ngữ "quyền truy cập vào khu vực", có nghĩa là trong trường hợp cần thiết sẽ gia tăng lực lượng quân sự tại đó, chủ yếu là hải quân và không quân.
Và đồng thời hạn chế khả năng của Trung Quốc để nếu cần Hoa Kỳ có thể giám sát hoàn toàn chính xác các tuyến giao thông ở châu Á.
Thêm nữa là ngăn cản Trung Quốc trong cố gắng nỗ lực thâu tóm các tuyến lưu thông vận tải này vào tầm tay kiểm soát của Bắc Kinh”.
Xét quan hệ Trung-Mỹ truyền thống, trong bầu không khí các cuộc đàm phán trước chuyến đi của Bộ trưởng Chuck Hagel đến châu Á đã hiện hữu những yếu tố thực tế địa chính trị mới.
Cụ thể là tình trạng xấu đi của quan hệ Mỹ-Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Trung Quốc sẽ cố gắng tận dụng điều này một cách tối đa, - ông Aleksei Arbatov Giám đốc Trung tâm An ninh Quốc tế của Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế (IMEMO – thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) nhận xét: “Trung Quốc bây giờ tự thấy rất hùng mạnh. Khi Nga và Mỹ bất đồng, vị thế của Trung Quốc được củng cố. Cả trong quan hệ với Matxcơva mà Bắc Kinh quan tâm hợp tác. Cả trong quan hệ với Washington, mà người Trung Quốc cũng muốn giữ.
Mỹ hiện là nước có nhiều tàu sân bay nhất thế giới |
Do đó, bây giờ hơn bao giờ hết Trung Quốc cảm thấy mình ở thế thượng phong như kỵ mã trên lưng chiến mã dũng mãnh. Bắc Kinh sẽ kiên quyết bảo vệ vị thế của họ, khai thác tình hình có lợi để quyết định cho mình những phương án liên hệ hấp dẫn với Hoa Kỳ. Còn phía Mỹ, tôi chắc rằng cũng sẽ sẵn sàng đi tới nhượng bộ nào đó với Trung Quốc”.
Chuyên viên Aleksei Arbatov gọi ra những điểm mà "yếu tố Nga" có thể buộc người Mỹ phải bằng cách nào đó giảm bớt những tuyên bố và ngôn từ chống Trung Quốc.
”Chuyến thăm sẽ không thể tránh một số điểm nút khó chịu nào đó. Thí dụ, sự bành trướng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, những toan tính để thống trị Hoàng Hải và biển Hoa Đông.
Những tồn đọng về chuẩn mực ngăn ngừa sự cố trên biển – như biện pháp xây dựng lòng tin, tính minh bạch, và khả năng tiên liệu. Có thể sẽ nói đến hệ thống phòng thủ tên lửa NMD của Mỹ ở Thái Bình Dương mà Trung Quốc bất an. Người Mỹ nói rằng họ xây dựng hệ thống này để chống Triều Tiên, trong khi Bắc Kinh cho rằng nhằm chống Trung Quốc”.
Trong khi đó, tuyên bố của ông Chuck Hagel ở Nhật Bản, nơi ông đã thăm trước khi đến Trung Quốc, lại cho cơ sở để giả định rằng các cuộc đàm phán tiến hành ở Bắc Kinh sẽ với giọng quả quyết và cứng rắn.
Có vẻ là ông chủ Lầu Năm Góc dự định cảnh báo Trung Quốc về việc không thể chấp nhận sử dụng vũ lực khi giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Tuy nhiên, điều chọc giận Bắc Kinh hơn cả có thể là thông báo của ông Chuck Hagel ở Tokyo, rằng Hoa Kỳ dự định hỗ trợ tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản. Sửa soạn bố trí tại các căn cứ hiện có trên lãnh thổ Nhật Bản thêm hai khu trục hạm trang bị hệ thống chống tên lửa "Aegis".
Đồng thời Bắc Kinh khó có thể chấp nhận cách biện hộ của Bộ trưởng Hoa Kỳ, rằng bước đi này nhằm phục vụ lợi ích quốc phòng của người đồng minh Nhật Bản để chống tên lửa của Triều Tiên.
Các khu trục hạm Mỹ với "Aegis" (hiện tại đã có 5 chiếc ở Nhật Bản) vẫn bị Bắc Kinh xem như bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa mà Hoa Kỳ triển khai để nhằm “vô hiệu hóa” tiềm năng tên lửa của Trung Quốc.
Ngoài ra, vị khách Chuck Hagel sẽ buộc phải trả lời cho chủ nhà Trung Quốc thêm một câu hỏi khá gay gắt nữa: vì sao Lầu Năm Góc bất chấp kết quả của Chiến tranh thế giới thứ hai, ủng hộ những nỗ lực của Nhật Bản để có quân đội hiện đại với đầy đủ khả năng chiến đấu? Bởi các quốc gia chiến thắng trong Đại Thế chiến đã cho phép Tokyo chỉ có lực lượng phòng vệ và Hiến pháp yêu chuộng hòa bình.
Phương Mai
Bình luận