• Zalo

Miền đất lạ và những bí ẩn không ai giải thích nổi

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 28/11/2016 21:37:00 +07:00Google News

Khi ấy thôn Giáp Cang này chỉ dăm bảy hộ. Rừng rậm quanh nhà, những cây gỗ to vài ba người ôm mới kín gốc mọc ken dày xanh đen, thú rừng nhiều vô kể...

 Xã Khai Trung nằm giữa lưng chừng núi, trên độ cao gần 600m, là xã cao nhất huyện Lục Yên (Yên Bái), một vùng đất khá bằng phẳng bốn mùa xanh ngằn ngặt.

Lần đầu tiên lên Khai Trung, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước mảnh đất đẹp mê hồn mà ở đó chứa đựng khá nhiều điều bí ẩn đến nay không ai giải thích nổi…

15-35-26_1

 Bình nguyên xanh Khai Trung

Khai Trung còn gọi là Thủy Điều, theo Trưởng phòng Văn hóa huyện Lục Yên Lý Đạt Lam: Thủy Điều là nơi điều tiết nước tự nhiên cho các dòng suối các xã phía hạ lưu Lâm Thượng, Minh Chuẩn và Tân Lĩnh. Bởi thế, nguồn nước trên Khai Trung nằm dưới những cánh rừng già không bao giờ cạn.

Tháng 4/2010, tôi lang thang trên đất Lục Yên tìm gặp những người đã tìm thấy hai thanh kiếm cổ. Người thứ nhất là ông Đỗ Văn Ngự, nhà nằm dưới chân núi Chuông, ông lấy thanh kiếm cổ trên bệ thờ trong hang núi Chuông khi Cty Hùng Đại Dương khai thác đá block ở đây.

Thanh kiếm dài độ 80cm, nhỏ bằng hai ngón tay, không biết có từ thời nào nhưng chém vào đá không quằn, mài qua nước thép xanh biếc. Từ khi lấy thanh kiếm về nhà ông Ngự gặp bao nhiêu tai ương, trâu chết, lợn gà mắc dịch chết hàng loạt, con gái bị lừa tình, nợ nần chồng chất, ông Ngự bị mắc bệnh rồi mất sau đó ít lâu, gánh nặng gia đình đặt lên vai bà vợ.

Thanh kiếm thứ hai do anh Triệu Văn Chanh ở thôn Thâm Luy, xã Lâm Thượng tìm thấy trên núi Lung Chạng, dài chừng 1,2m, bản rộng 5cm, trên sống kiếm có mấu như kiếm của Ju Mông trong phim “Truyền thuyết Ju Mông” (phim Hàn Quốc) từng chiếu trên VTV. Thanh kiếm còn khá nguyên vẹn, được tìm thấy dưới chân thác nước giáp đất Khai Trung. Chuyện tìm thấy thanh kiếm đó vô cùng kỳ bí, anh Chanh sau đó như người mất hồn đi khỏi nhà mấy năm không về.

Nay tôi lên đất Khai Trung, nơi cung cấp nguồn nước cho những dòng suối chảy xuống Lâm Thượng, vùng đất như cái xanh đồng khổng lồ bắc giữa lưng chừng núi, nước từ trên các sườn núi tụ về đây trước khi chảy xuống các con suối cung cấp cho các xã Lâm Thượng, Minh Chuẩn, Tân Lĩnh.

Ông Phương Xuân Lực, năm nay 63 tuổi người thôn Giáp Cang bảo: Nghe bố tôi kể lại, ông tôi người đất Minh Tiến, huyện Bảo Yên (Lào Cai) di cư tới đây cách nay khoảng gần 100 năm thôi, khi ấy thôn Giáp Cang này chỉ dăm bảy hộ. Rừng rậm quanh nhà, những cây gỗ to vài ba người ôm mới kín gốc mọc ken dày xanh đen, thú rừng nhiều vô kể. Sau này rừng bị phá dần, thú rừng bị săn bắn gần hết, nay mới như thế này chứ.

Khai phá mảnh đất Khai Trung là hai dân tộc Tày và Dao đỏ, xã có 5 thôn với 1.329 khẩu, trong đó dân tộc Dao chiếm 57%, cư trú ở 3 thôn Tát Én, Khe Rùng, Giáp Luồng còn lại 2 thôn người Tày cư trú là Giáp Cang, Giáp Chảy. Ông Lực cho hay: Người Tày Khai Trung khi về đây đã lập một ngôi đình. Tôi lớn lên đã thấy rồi. Đình thờ các Vua Hùng cùng bà chúa Thượng ngàn và các thần linh của núi rừng. Ngôi đình làm bằng gỗ lý, lưng tựa vào núi quay mặt ra cánh đồng.

15-35-26_2

 Ông Nguyễn Khắc Thắng (phải) và ông Lý Đạt Lam (trái) chỉ cho thấy những cây cột của ngôi đình trong cỏ dạ

Hàng năm từ ngày 3 - 5 Tết người Tày hai thôn mở hội đình. Ban đầu lần lượt mỗi năm các gia đình ở hai thôn góp một con lợn 35 - 40kg mổ để tế thần linh. Sau này thì mỗi gia đình làm một mâm cỗ mang tới cúng, cúng xong họ đội mâm cỗ về nhà hoặc ăn tại sân đình. Vào khoảng năm 1965 - 1970 người ta cấm không cho cúng, cho đây là trò mê tín dị đoan, nhiều ông mo làm then (làm cúng) bị bắt về huyện nhốt vài ba ngày, nên ai cũng sợ, ngôi đình không ai chăm nom sụp đổ, giờ chỉ còn mấy cây cột.

Trước khi tới nhà ông Lực, Chủ tịch xã Nguyễn Khắc Thắng dẫn tôi tới xem ngôi đình đã trở thành phế tích nằm dưới bụi tre của gia đình ông Hoàng Văn Liêm cỏ mọc trùm lên những thân cột còn lại.

15-35-26_3

 Ụ mối đắp kín cây cột nơi xuất hiện con rắn xanh cổ đỏ.

Ông Thắng phải lấy tay rẽ cỏ mới nhận ra những cây cột đó. Một cây cột bị mối đùn lên ngang đầu, khi ông Thắng định giơ tay túm cỏ giật xuống thì trên đỉnh đống mối xuất hiện một con rắn xanh cổ đỏ đang nằm khoanh tròn ngóc đầu lên khiến mọi người hoảng sợ. Tôi chưa kịp chụp ảnh con rắn thì nó đã trườn vào cái hang ngay cạnh đó biến mất.

Kể chuyện này với ông Lực, ông bảo: Nhà ông Liêm trước đây dựng chuồng trâu dưới bụi tre ngay cạnh ngôi đình, chúng đái ỉa vung vãi vào ngôi đình dù đã sụp đổ. Vài năm lại một con lăn đùng ra chết không rõ nguyên nhân. Ông Liêm trước kia là Chủ tịch xã, chắc gia đình ông đã xâm phạm vào ngôi đình, nên ông đang khỏe mạnh thì bị tai biến, không nói được nữa…

Tôi vào nhà ông Liêm, ông giơ bàn tay lên xoa xoa ra hiệu không nói được, cô con dâu của ông từ trên sàn xuống nói chuyện với chúng tôi, ông Liêm giống như cái bóng ma đứng dật dờ phía sau gương mặt vô cảm không biểu hiện thái độ gì.

15-35-26_6

 Ông Hoàng Văn Liêm đứng dật dờ sau cô con dâu

Bố ông Lực là Phương Văn Bình một thời làm thủ nhang, khi ngôi đình sụp đổ ông mang chiếc chuông về dựng một ngôi miếu nhỏ dưới chân núi Đán Toọc phía sau nhà để thờ, còn chiếc chiêng nhỏ thì anh trai bố ông Lực là Phương Văn Hom giữ.

15-35-26_4

Ông Phương Xuân Lực chỉ nơi treo chuông trong ngôi miếu thờ bị mất cắp.

Khoảng năm 1981 - 1982 ông Bình không nhớ chính xác chiếc chuông bị ông Nông Văn Tiến lấy trộm bán cho ông Tà Trình người Lâm Thượng. Kể từ khi lấy trộm chiếc chuông gia đình ông Tiến ốm đau liểng xiểng, chữa trị thế nào cũng không khỏi. Đi xem thầy mới biết do lấy trộm chuông của đình nên bị các ngài phạt. Sợ quá, ông Tiến phải đi chuộc chiếc chuông đó rồi mổ gà làm lễ trả lại chuông vào miếu thờ, từ đó gia đình mới yên.

15-35-26_5

 Chiếc chiêng còn lại của ngôi đình

Đến năm 1986, ông Nông Văn On tiếp tục lấy trộm chiếc chuông băng rừng qua Lâm Thượng, Mai Sơn bán cho người dưới Tân Lĩnh. Từ đó ông On thành ngớ ngẩn, vợ bỏ nhà đi đâu mất, ông trở thành không cửa không nhà, lang thang ăn xin hết nhà này sang nhà khác. Khi trở ra, chúng tôi gặp ông nằm lăn lóc giữa đường bê tha, bẩn thỉu.

Chiếc chuông theo ông Lực mô tả to bằng chiếc ca, cao khoảng 20cm, màu đen nhánh tiếng thanh và vang xa, ngân rất lâu. Người ta bảo chuông được đúc bằng đồng đen có pha vàng nên tiếng của nó mới ngân lâu như vậy. Dẫn chúng tôi lên xem ngôi miếu thờ, cách nhà ông chừng 70 - 80m, khi thỉnh chuông nhà ông vẫn nghe rõ mồn một.

Ông Lực dẫn tôi đến nhà ông Phương Văn Hom, ông Hom mất lâu rồi, chiếc chiêng giao lại cho con gái Phương Thị Mây giữ. Chiếc chiêng có đường kính hơn 20cm, không rõ niên đại, nhưng nom rất cổ. Ông Lực nói đã có người đến hỏi mua, nhưng gia đình nhất định không bán. Chỉ ông Nguyễn Khắc Thắng cùng ông Phương Xuân Lực dẫn chúng tôi đến thì cô Phương Thị Mây mới mang chiêng cho chúng tôi xem, còn người lạ thì không bao giờ được nhìn thấy. Ông Lực bảo: Đó là báu vật của chúng tôi, có ai trả cả trăm triệu cũng không bán, vì đây là tài sản do cha ông để lại…

15-35-26_7

 Ngôi nhà thờ của người Dao dưới chân núi Đán Toọc

Năm rồi 3 thôn người Dao dựng một ngôi nhà lá dưới chân núi Đán Toọc giáp cánh đồng để thờ cúng và làm lễ cầu mùa. Phía trên là cái hang khá sâu hun hút, trước đây bà con thờ cúng trên hang đó, nhưng vì hang nằm trên cao khá cheo leo nên họ dựng nhà phía dưới thờ cúng và làm lễ cầu mùa cho tiện đi lại. Ông Thắng kể rằng một số người vào hang đập phá nhũ đá, khi về tới nhà thì hộc máu mồm lăn đùng ra chết, có người ốm lăn ốm lóc phải sắm lễ lên cúng mới khỏi. Từ đó không ai dám động tới hang thờ, khiếp lắm…

Nguồn: Thái Sinh(Nông nghiệp VN)

Bình luận
vtcnews.vn