(VTC News) – Ngày 1/2/2012, "Thủ đô gió ngàn Việt Bắc” Định Hóa (Thái Nguyên) đã khai hội Lồng Tồng của đồng bào các dân tộc Tày, Dao và Sán Chay. Hàng nghìn người dân đã “đổ” về sân vận động thôn Đèo De, xã Phú Đình huyện Định Hoá (Thái Nguyên) tham gia lễ hội.
Lễ hội Lồng Tồng còn gọi là Lễ hội xuống đồng được tổ chức ngay sau Tết nguyên đán, để đồng bào dân tộc ở đây bày tỏ lòng tạ ơn đất, trời, các thần linh, thổ địa đã phù hộ đồng bào có mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cuộc sống yên lành và cầu xin một năm mới với nhiều điều tốt đẹp.
Lễ hội Lồng Tồng sẽ diễn ra liên tục trong 3 ngày với nhiều hoạt động phong phú, sinh động, mang đậm bản sắc các dân tộc Việt Bắc như thi cắm trại, thi kéo co, thi giã bánh dày, thi trang phục dân tộc…
Lễ hội Lồng Tồng tại "Thủ đô gió ngàn" sẽ diễn ra trong 3 ngày. |
Theo Ban tổ chức, lễ hội lần này có 32 đơn vị đến từ 24 xã, thị trấn và các đơn vị đại diện cho các cơ quan, ban ngành, các trường học trên địa bàn Định Hóa.
Đây cũng là năm thứ 10, Lễ hội Lồng Tồng được UBND tỉnh Thái Nguyên và Tổng cục Du lịch tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Phần lễ được thực hiện trang nghiêm, đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc. |
Tại lễ hội, du khách chứng kiến nghi lễ cầu mùa của dân tộc Tày, lễ xuống đồng, lễ cầu mùa của dân tộc Sán Chay và lễ cầu phúc của dân tộc Dao.
Các Pú mo (thầy cúng) trang phục sặc sỡ dâng 9 mâm lễ với đủ ngũ sắc tượng trưng cho màu của trời, đất, muông thú - thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn của đồng bào dân tộc nơi đây đối với các đấng linh thiêng.
Trên mâm lễ có gà trống luộc, thịt lợn nạc, trứng gà luộc, các loại bánh được làm từ lúa, ngô, xôi ngũ sắc (trong đó xôi đỏ tượng trưng cho mặt trời, xôi vàng tượng trưng cho mặt trăng), một chú chim én mang theo biểu tượng của mùa xuân được làm bằng giấy đỏ.
Trên nhiều mâm cỗ cúng còn có cả hình ảnh những chú trâu, những bông lúa vàng, đôi cá vàng… thể hiện mong ước mùa màng bội thu, mong cuộc sống được ấm no, tốt lành. Cùng với đó là các loại bánh được làm từ lúa, ngô như bánh chè lam, bỏng gạo…
Các mâm lễ lần lượt được đưa ra để bắt đầu cho nghi lễ cầu mùa. Thầy mo thực hiện mọi nghi thức vái lạy trời đất, cảm tạ thần linh, nguyện cầu cho một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...
Phần quan trọng nhất của lễ hội là nghi thức xuống đồng. |
Sau phần lễ là nghi thức “xuống đồng” (còn gọi là lễ tịch điền) - phần quan trọng nhất của Lễ hội Lồng Tồng. Một con trâu to, khỏe được đóng ách để một nông dân địa phương vạch một luống cày mở đầu cho công việc nhà nông đầu năm, bởi theo phong tục thì sau lễ hội này các gia đình mới bắt đầu làm mùa.
Cuộc thi cấy nhanh thu hút nhiều đồng bào tham gia nhằm mang đến tinh thần hăng say lao động, sản xuất cho cả năm mới. |
Cùng với những đường cày đầu xuân, cuộc thi cấy nhanh cũng diễn ra trên một thửa ruộng khác. Rất nhiều phụ nữ dân tộc đã xuống ruộng tham gia cuộc thi này, không chỉ mong đoạt giải mà với họ, thi cấy còn thêm niềm vui mở đầu cho một năm hăng say lao động, sản xuất.
Hội tung còn diễn ra trên sân cũng hút hàng nghìn người dân và du khách. Một cây mai non cao 15m được dựng giữa sân, trên đỉnh cây uốn vòng tròn 60cm đề chữ Nhật - Nguyệt, tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời.
Thi ném còn trong Lễ hội Lồng Tồng luôn hút nhiều người tham gia nhất. |
Ở một sân chơi khác, mọi người cùng nhau xem múa rối, tái hiện lại cảnh lao động sản xuất, cảnh sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Tày. Đan xen là các làn điệu hát then cùng tiếng đàn tính của những thiếu nữ Tày...
Người Tày quan niệm thông qua điệu hát then sẽ khiến lời cầu khấn của con người thấu lên tới tận trời xanh.
Kiều Minh
Bình luận