• Zalo

‘Mật lệnh thần tốc’ của Đại tướng và vận mệnh đất nước

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 11/10/2013 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Quyết định “thần tốc” của Đại tướng cũng là quyết định cuối cùng của ông với vận mệnh đất nước.

(VTC News) – Quyết định “thần tốc” của Đại tướng cũng là quyết định cuối cùng của ông với vận mệnh đất nước.


Kỳ 1: Người mang mệnh lệnh Đại tướng trong tim

Trong những ngày cả nước đau thương trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Phạm Xuân Thệ không ít lần rơi nước mắt.

Dù biết trước sự ra đi của Đại tướng là quy luật tất yếu, nhưng ông vẫn có cảm giác hụt hẫng như mất đi người thân nhất của mình. Với ông, Đại tướng như người cha, người anh, người mà ông kính trọng như một vị Thánh.

Tôi đến căn nhà ở phố Nguyễn Hoàng Tôn vào buổi chiều đầy nắng. Trung tướng Phạm Xuân Thệ đang chuẩn bị hành trang để lên đường cùng các cựu chiến binh thành cổ Quảng Trị vào Quảng Bình tiễn đưa người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam về với Bác Hồ vĩ đại.

Ông bảo, nhiều ngày nay, tâm trạng ông cứ bâng khuâng. Ông ngồi hàng giờ lật giở những tấm ảnh thời oanh liệt, những tấm ảnh đời thường khi ông vinh dự được ngồi ăn cơm với Đại tướng tại Tam Đảo – Vĩnh Phúc ngày 27-7-1996.

đại tướng võ nguyên giáp
Trung tướng Phạm Xuân Thệ 

Đôi lúc, ông rơi nước mắt khi đọc lại bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên và chiến sĩ”.

Với Trung tướng Phạm Xuân Thệ, bức điện này như kim chỉ nam, dẫn đường đưa ông tới vinh quang thời cầm súng.

Giờ đây, nhớ lại những tháng ngày lịch sử, ngẫm lại bức điện của Đại tướng, ông càng khâm phục Đại tướng. Với ông, Đại tướng là thiên tài quân sự vô cùng kỳ lạ.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Tư lệnh Quân khu 1, đã về hưu năm 2008 sau 42 năm phục vụ quân ngũ.

Trở về đời thường, ông tiếp tục nhiệm vụ bế bồng, chăm bẵm mấy đứa cháu nội, cháu ngoại cùng bà.

Ông nói vui: “Công việc chăm bẵm đàn cháu tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vất vả chẳng kém gì chiến trường. Quả thực, giờ mới hiểu được tấm lòng người vợ, bao năm nuôi con khi mình đi biền biệt”.

Bên chén trà mạn, Trung tướng Phạm Xuân Thệ lần giở ký ức, nhớ lại thời khắc lịch sử vinh quang mà ông tham gia.
đại tướng võ nguyên giáp
Trung tướng Thệ chụp hình cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp 

Sau ngày ký Hiệp định Pari, lập lại hòa bình, Quân đội Sài Gòn trắng trợn khiêu khích, phá hoại Hiệp định bằng cách tấn công chiếm đóng một số vùng giải phóng.

Tháng 7-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành Hội nghị lần thứ 21, ra Nghị quyết khẳng định: “Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công”.

Lời của Đảng như ngọn lửa soi đường dẫn lối, từ chỉ huy đến chiến sĩ đều sôi sục khí thế quyết tâm sẵn sàng hy sinh xương máu vì Tổ quốc.

Chàng Đại úy Phạm Xuân Thệ cũng nguyện lòng mình hiến dâng cả tâm hồn và thể xác cho đất nước. Ông vén tay áo và ống quần chỉ cho tôi xem những vết sẹo chằng chịt. Đã có tổng cộng 3 lần ông thoát chết một cách thần kỳ.

Một lần, bom Mỹ đánh sập hầm, làm chết 6 đồng đội của ông, còn ông thoát chết. Lần khác, quả cối M79 bắn gãy đôi khẩu AK ông đang cầm trên tay.

Lần nữa, khi ông dùng tay trái chỉ cho đồng đội bắn cháy chiếc xe tăng trong trận đánh vào thiết đoàn xe tăng 11 quân đội ngụy ở Ngã ba Bản Đông ngày 17-3-1971, cánh tay đó đã bị trúng đạn 12 ly 8. Những vết thương chưa lành, ông lại tiếp tục cầm súng ra trận.
đại tướng võ nguyên giáp
Mệnh lệnh của Đại tướng 

Sau hàng loạt cuộc đối đầu, chiến thắng nhiều, mà hy sinh cũng lắm, vượt qua “cửa tử” Đà Nẵng, Sư đoàn 304 đã lần lượt giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung, tiến vào trung tâm đầu não của địch ở Sài Gòn.

Lúc này, Đại úy Phạm Xuân Thệ mới biết nhiệm vụ cao cả là giải phóng Sài Gòn bằng mọi giá.

Tư lệnh Lê Trọng Tấn đã truyền đạt bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như lời mệnh lệnh cho toàn quân. Đại úy Phạm Xuân Thệ như nuốt từng lời của bức điện.

Ông chép lại bức điện ngắn gọn ấy, rồi thuộc lòng luôn. Đêm nằm trong chiến hào, ông chiêm nghiệm từng chữ, rồi phổ biến cho anh em chiến sĩ thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng bằng cả máu và trái tim mình.

Từ khi nghe được lời mệnh lệnh của Đại tướng, Trung đoàn 66 của ông, cùng cả Sư đoàn 304, cũng như các sư đoàn khác đều hiểu rằng, chỉ có hai từ “quyết chiến” mới tới được cái đích “toàn thắng”.

Đêm 21-4-1975, Đại úy Phạm Xuân Thệ trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn 8 đánh cầu Bình Tuy, thọc thẳng vào thị xã Hàm Tân. Sau 2 giờ “thần tốc, táo bạo và xốc tới”, quân ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã.

Đêm 22-4, tiếp tục hành quân. Sáng 23 thì đến đồn điền cao su Ông Quế, cách Sài Gòn 60km. Sư đoàn 304 của ông, do đồng chí Nguyễn Ân – Sư đoàn trưởng chỉ huy, nhận nhiệm vụ đánh vào Sài Gòn theo hướng Đông.
đại tướng võ nguyên giáp
Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ nói với Dương Văn Minh trong phòng làm việc của tổng thống: 'Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có gì bàn giao cả'. 

Lúc ấy, Đại úy Phạm Xuân Thệ mới hiểu được ý nghĩa lớn trong bức điện của Đại tướng.

Đại tướng đã từng có quyết định khó khăn và bất ngờ khi chuyển phương án đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc, thắng chắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Và bây giờ, quyết định “thần tốc” của Đại tướng cũng là quyết định cuối cùng của ông với vận mệnh đất nước. Cứ mỗi trận đánh, mỗi bước hành quân, Đại úy Thệ lại hiểu thêm một ý nghĩa mới trong bức điện của người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam .

Để tiến vào Sài Gòn, Trung đoàn 66 cùng các đơn vị tiến đánh căn cứ Nước Trong và tổng kho Long Bình.

Căn cứ Nước Trong gồm Trường sĩ quan thiết giáp và Trường sĩ quan bộ binh của quân đội ngụy, nên được bảo vệ cực kỳ vững, hỏa lực rất mạnh. Bao quanh căn cứ là các hào sâu, bãi mìn chống tăng, có máy bay ném bom yểm trợ.

Cuộc chiến giằng co, quyết liệt ở đây khiến quân ta tổn thất khá lớn, mỗi bước tiến đều đẫm máu của các chiến sĩ giải phóng.

Đến trưa 28-4 thì quân ta hoàn toàn làm chủ căn cứ Nước Trong và tổng kho Long Bình. Trận đánh này đã “mở đường máu” để quân ta tiến vào Sài Gòn.

Gần như không nghỉ ngơi gì, 24h đêm 29-4, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ chỉ huy đội hình đi đầu binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 vượt qua cầu Xa Lộ.

4h sáng ngày 30-4, sau trận đấu súng, ta đã vượt qua ngã tư Thủ Đức và 6h sáng thì đến cầu Sài Gòn. Tại đây, địch trấn thủ rất quyết liệt, đạn pháo, xe tăng nã liên hồi về phía ta, khiến ta không thể tiến lên được.

Đứng bên này cầu Sài Gòn, nhìn sang bên kia thành phố hoa lệ, Đại úy Thệ thấy lòng xốn xang khó tả. Chỉ một bước qua sông, coi như ta đã găm viên đạn vào não quân thù. Nhưng tiến lên thế nào, khi chỉ có cây cầu hẹp, mà bên kia là những nòng súng liên hồi khạc lửa?

Trong tình huống khó khăn đó, lời của Đại tướng lại văng vẳng bên tai: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Đại úy Thệ nhận định, nếu không “thần tốc” và “xốc tới”, nếu địch cho nổ tung cầu Sài Gòn thì ta sẽ hết đường tiến. Như vậy, địch sẽ có thời gian, sắp xếp đội hình để phòng thủ chặt chẽ, và phản công lại quân ta.

Còn tiếp…


Duy Phong

Bình luận
vtcnews.vn