Trong hai ngày 28-29/8 hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp liên tiếp đưa ra những thông điệp kêu gọi châu Âu hãy trở nên tự chủ hơn và ít phụ thuộc vào Mỹ. Thông điệp chung được cho là đã đến lúc để khẳng định quyền chủ động của châu Âu khi phải đối mặt với sự thất thường từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cụ thể, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều hối thúc châu Âu nhận trách nhiệm lớn hơn về quốc phòng toàn cầu, cân nhắc tạo ra một hệ thống tài chính riêng biệt, đảm bảo sự tự chủ của người châu Âu. Tuy nhiên trong khi bộ trưởng tài chính hai nước đưa vấn đề ra thảo luận trong các cuộc đối thoại ở Paris ngày 29/8, câu hỏi được đặt ra là liệu châu Âu có thể lấy lại quyền kiểm soát hay không khi "đã lún quá sâu vào mối liên kết với Mỹ".
“Chúng ta thấy người châu Âu đang điều chỉnh cái nhìn về vị thế của họ trong trường quốc tế.” – Kristine Berzina, chuyên gia từ Quỹ Marshall nhận định. “Sự kêu gọi về một châu Âu mạnh mẽ hơn, cả về thương mại và an ninh quốc phòng, phản ánh mong muốn vượt ra ngoài khuôn khổ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và những lo ngại về tương lai của EU, nhất là khi chủ nghĩa dân tộc ngày càng tăng lên trong các nước thành viên và vấn đề Brexit được đặt ra", bà Berzina nói thêm.
"Kẻ thù của Mỹ"
Kể từ khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã có những xung đột với những quốc gia trụ cột trong trật tự thế giới sau Thế chiến II, đặt câu hỏi về tầm quan trọng của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO, rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà các cường quốc châu Âu cố gắng đàm phán, nói giữa một cuộc chiến thương mại rằng EU là “kẻ thù” của Mỹ.
Điều đó khiến Đức, Pháp với tư cách các lãnh đạo EU phải xem xét tìm kiếm một sự sắp xếp mới, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, sự độc lập tài chính thực sự đối với EU phải bao gồm đưa đồng tiền chung Euro thay thế vai trò toàn cầu thiết yếu của đồng dollar, một khung tài chính có thể cạnh tranh với phố Wall – đây đều là những mục tiêu phải mất nhiều năm để đạt được, nếu có thể. Bên cạnh đó, khả năng quốc phòng cho phép châu Âu tự bảo vệ mình dường như cũng quá sức đối với một lục địa chỉ có 5 trong số 29 đồng minh NATO đáp ứng mục tiêu chi 2% trên tổng số GDP vào quốc phòng.
Một diễn biến góp phần thúc đẩy châu Âu thành lập cơ chế độc lập khỏi Mỹ là quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5 của Tổng thống Donald Trump, khiến các công ty châu Âu phải tìm cách tránh lệnh trừng phạt.
Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 27/8 gợi ý các nước EU thiết lập hệ thống thanh toán độc lập với Mỹ để tránh khỏi quy định mới. “Tôi muốn châu Âu trở thành một lục địa có chủ quyền chứ không phải một chư hầu, và điều đó có nghĩa là sở hữu công cụ tài chính độc lập hoàn toàn mà hiện tại chưa có được” – ông Le Maire nói.
Ông Mass đưa ra gợi ý tương tự với mục đích bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ. Thủ tướng Merkel cũng đồng ý rằng châu Âu cần phải mạnh mẽ trong vấn đề tự chủ vận mệnh của mình.
Những mô hình đang được xem xét bao gồm một hệ thống thay thế Swift - mạng lưới tài chính cung cấp dịch vụ giao dịch xuyên biên giới có trụ sở tại Bỉ, nhưng hội đồng quản trị bao gồm giám đốc điều hành từ các ngân hàng Mỹ với luật liên bang Mỹ cho phép chính quyền hành động chống lại các ngân hàng và nhà quản lý trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, một cơ chế có thể làm những việc như cho phép các hợp đồng được giải quyết bất chấp những thỏa thuận hạn chế của Mỹ cũng đang được xem xét, theo Bloomberg.
Ý tưởng hệ thống tài chính riêng của châu Âu là lời kêu gọi mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về việc EU có quyền tự chủ tài chính và tiền tệ - nhà phân tích Steven Blockmans tại Brussels, Bỉ nói. Nhưng những đề xuất này sẽ không dễ đạt được trước những quan điểm mâu thuẫn trong chính khu vực đồng Euro.
Lời cảnh báo đến Tổng thống Trump?
Sự kêu gọi "độc lập và tự chủ" của châu Âu đến trong thời điểm quan trọng: Các lãnh đạo Đông Âu đang thử nghiệm những giới hạn quy tắc của EU; Anh hoàn tất để rời khỏi khối và một cuộc đụng độ với Italia về vấn đề chi tiêu và nhập cư có khả năng tạo ra biến cố.
Trong khi Tổng thống Macron khẳng định động thái tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh của châu Âu không nhằm chống lại Mỹ, cách tiếp cận “Nước Mỹ hàng đầu” của Tổng thống Trump với hàng loạt vấn đề từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, Syria càng khiến châu Âu lo ngại.
Khi được hỏi về các động thái của châu Âu, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói: “Tổng thống Trump mong muốn duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với ông Macron và bà Merkel", nói thêm rằng Tổng thống mong chờ được làm sâu sắc hơn những quan hệ đối tác này khi tất cả các đồng minh và đối tác tăng cường tham gia giải quyết các thách thức toàn cầu.
“Mỹ đã từ lâu khuyến khích các đồng minh châu Âu cùng chia sẻ gánh nặng an ninh chung. Dù chúng tôi có thể không đồng ý hoàn toàn về cách giải quyết một số vấn đề – từ Nga tới Trung Quốc hay Iran, chúng tôi vẫn có sự ủng hộ chiến lược và quan điểm liên quan đến các vấn đề này.”
Nói về chiến lược tách rời châu Âu khỏi Mỹ được đề xuất bởi Đức và Pháp, nhà kinh tế học Schmieding nhận định: Việc châu Âu xem xét độc lập tài chính khỏi Mỹ không nên bị xem nhẹ, chỉ riêng dấu hiệu cho thấy châu Âu đang làm việc để tìm ra giải pháp bớt phụ thuộc vào Mỹ đã khiến mối quan hệ với Washington bị xấu đi thấy rõ.
Video: Chuyên gia nhận định về hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ
Bình luận