Khoảng 2 tuần sau khi công bố giảm mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn từ 0,3%-0,5%/năm, nhiều ngân hàng (NH) thương mại quốc doanh đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên về mức tối đa 6%/năm.
Cụ thể, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và khởi nghiệp xuống còn 6%/năm (giảm 1%-2%/năm), NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm lãi suất cho vay 1%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên…
Lãi suất cho vay giảm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) giảm bớt chi phí tài chính. Thời điểm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn được một số NH điều chỉnh giảm, không ít NH cổ phần lại tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.
Hiện mức lãi suất huy động kỳ hạn 12-13 tháng tại nhiều NH cổ phần khá cao, từ 7,5% đến 8,3%/năm. Việc các NH tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài thu hút người gửi tiền là nhằm cân đối nguồn vốn và đáp ứng yêu cầu về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn theo quy định an toàn của NH Nhà nước. Với xu hướng tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài, lãi suất cho vay trung - dài hạn vì vậy cũng rất khó giảm thêm.
Thống kê của NH Nhà nước cho thấy hiện các NH quốc doanh áp dụng lãi suất cho vay trung - dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9%-10%/năm, trong khi đối với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường là 9,3%-11%/năm.
Tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm ở mức 11,24%, trong đó tín dụng trung - dài hạn hiện chiếm khoảng 55,9% tổng dư nợ tín dụng. Song, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng trung - dài hạn đã tăng chậm lại trong 8 tháng đầu năm 2016 khi chỉ tăng 11,1% (cùng kỳ năm ngoái tăng 18,7%).
Thời gian qua, lãi suất cho vay trung - dài hạn không giảm mạnh như ở các kỳ hạn ngắn. Trong khi đó, DN muốn nâng sức cạnh tranh, cần đầu tư thêm máy móc, công nghệ, mở rộng quy mô thì phải vay trung - dài hạn.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food (Saigon Food), cho biết Saigon Food đang vay trung - dài hạn tại một NH quốc doanh với lãi suất 8,5%/năm trong năm đầu, từ năm thứ hai trở đi tăng lên 10,1%/năm. Đây là điều gây khó khăn cho DN khi mức lãi suất này cao hơn nhiều so với những nước lân cận. Nhiều NH nước ngoài cho vay lãi suất USD chỉ 4,5%/năm nên DN các nước có lợi thế cạnh tranh hơn.
“Lãi suất vay bằng VNĐ cao và quan trọng hơn là không ổn định nên rất khó cho DN tính toán hiệu quả để đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ, mở rộng quy mô” - bà Lâm nhận xét.
Tổng giám đốc một DN kinh doanh thực phẩm tại TP HCM cho biết DN ông đang mở rộng đầu tư thêm một nhà máy trong KCN ở Sóc Trăng nhưng chưa dám vay vốn trung - dài hạn. Mức lãi suất vay ngắn hạn mà DN này đang trả khoảng 6,2%/năm là không quá cao nhưng khi được hỏi tại sao không vay trung - dài hạn để xây dựng nhà máy, vị tổng giám đốc lại lắc đầu.
“Vốn đầu tư không nhỏ nên chúng tôi đang cân nhắc các nguồn, trong đó ưu tiên huy động từ cổ đông, chứ không dám vay NH vì sợ lãi suất cho vay tăng trở lại như vài năm trước thì DN sẽ rất khó khăn. Chỉ cần trả lãi vay vượt mức 10%/năm là kinh doanh đã không có lãi, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay” - vị tổng giám đốc này giải thích.
Bình luận