• Zalo

Lãi suất cho vay cần tiếp tục giảm thêm

Kinh tếThứ Năm, 27/06/2013 03:13:00 +07:00Google News

(VTC News) – Tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận được nguồn vốn.

(VTC News) – Tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận được nguồn vốn.

Đó là những ý kiến đề xuất được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013 diễn ra sáng 27/6.

Vẫn khó vay tiền

Đánh giá chung về thị trường Tiền tệ, tín dụng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, lãi suất giảm mạnh, thanh khoản thị trường liên ngân hàng khá ổn định; tăng trưởng tín dụng đã cải thiện

lãi suất, ngân hàng
Lãi suất cần tiếp tục giảm thêm. Ảnh: internet 
Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng nước đã thực hiện cắt giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ; thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào một lượng lớn ngoại tệ góp phần tăng quỹ dự trữ ngoại hối của Nhà nước đáp ứng nhu cầu ngoại tệ 12 tuần nhập khẩu; kinh doanh vàng đang dần đi vào hoạt động ổn định hơn so với trước.

Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách bình ổn thị trường vàng vẫn còn hạn chế, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở mức cao (khoảng 5-6 triệu đồng/lượng) và chưa có dấu hiệu giảm.

Lãi suất tuy có giảm nhưng chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay vẫn chưa giảm nhiều, việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại. Tín dụng đối với nền kinh tế có cải thiện song tốc độ tăng vẫn ở mức thấp so với nhu cầu phát triển.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cần tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với diễn biến của lạm phát và nền kinh tế vĩ mô; tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn, hướng dòng vốn vào sản xuất; có giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp còn triển vọng tiếp tục vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Ưu tiên cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu. Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với mục tiêu cả năm; tích cực triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đối với người có thu nhập thấp.

Tháo gỡ khó khăn đối với các hộ nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, xem xét phương án cơ cấu lại nợ và duy trì cho vay nếu bảo đảm khâu tiêu thụ. Nhất quản thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá nhằm bảo đảm giá trị VND, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Sớm kiện toàn các quy định, quy trình về mua - bán, xuất - nhập khẩu vàng.

Khẩn trương triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015. Thúc đẩy hoạt động của Công ty quản lý tài sản (VAMC), góp phần xử lý nợ xấu, khai thông dòng vốn tín dụng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển; kiểm soát chặt chẽ tỷ giá, thị trường vàng theo mục tiêu, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế. Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; điều hành ngân sách chủ động, bảo đảm cân đối, giữ bội chi trong phạm vi Quốc hội quyết định; tăng cường công khai thông tin về giá và Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Xuất khẩu tăng, hàng tồn kho giảm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2013 tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2012 và mức tăng trong 6 tháng đầu năm cao hơn khá nhiều so với mức 4,5% trong quý I/2013, thể hiện rõ nhất là trong công nghiệp chế biến, chế tạo và cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải.

Đặc biệt, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến có xu hướng giảm dần kể từ đầu năm. So với cùng thời điểm năm trước, tính từ 1/1/2013 đến 1/6/2013 chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến lần lượt là 21,5%; 19,9%; 16,5%; 13,1%; 12,3% và 9,7%. Điều này cho thấy, đa số các ngành có mức dự trữ hợp lý, cơ bản dần dần trở về trạng thái bình thường, tuy nhiên vẫn còn tồn kho.

Xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm liên tục duy trì tăng trưởng cao, cao hơn con số Quốc hội đề ra là 10%. Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 năm 2013 ước đạt 11,4 tỷ USD, giảm 2,4% so với tháng 5/2013.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 62,053 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.

Liên quan đến những con số về kim ngạch xuất khẩu này, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM cho rằng, cần phải làm rõ có bao nhiêu hàng là sản xuất của doanh nghiệp FDI để biết năng lực thực tế của các doanh nghiệp này.

Trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 37,4 tỷ USD, chiếm hơn 60,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 28,3%; khu vực trong nước tăng 2,2%.

Theo ông Quân, phải xem lại bao nhiêu trong số này là hàng gia công và phải biết rõ để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

“Phải nhìn lại để biết cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thế nào. Nếu không hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thì sẽ không đầu tư phát triển được theo chiều sâu”, ông Quân nói.

Đánh giá chung lại, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, 6 tháng đầu năm 2013, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên tốc độ phục hồi còn chậm, tính ổn định và bền vững chưa cao, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.
Chỉ số CPI tháng 6 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 6,69% so với cùng kỳ năm 2012. Tính ra CPI 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,4% và tăng 6,73% so với sáu tháng đầu năm 2012. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn