• Zalo

Kỳ lạ người ăn ngủ với hàng ngàn chiếc ấm

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 25/04/2013 06:51:00 +07:00Google News

(VTC News) - Hơn 40 năm tìm kiếm và lưu giữ, đến nay ông Lê Hạc đã có khoảng 1.500 chiếc ấm.

(VTC News) - Hơn 40 năm tìm kiếm và lưu giữ, đến nay ông Lê Hạc đã có khoảng 1.500 chiếc ấm.

“Bỏ công sức tiền của sưu tập cả ngàn chiếc ấm cổ kim, lớn nhỏ, với tôi thực ra chỉ để thỏa mãn niềm đam mê.Bởi đã gắn bó với những chiếc ấm dễ cũng đến hơn 40 năm rồi, nên tôi cũng chẳng nhớ nổi chiếc ấm đầu tiên đem về nhà là chiếc nào” – ông Lê Hạc (78 tuổi, TP Thanh Hóa) vui vẻ cho biết.

Chủ nhân của bộ sưu tập độc đáo này vốn là một nghệ sỹ nhiếp ảnh, thường xách máy lang thang khắp các vùng miền để tìm những khoảnh khắc đẹp. Mỗi lần dừng chân ở quán vắng hay ngôi nhà nhỏ ở các miền quê, lúc nhấm ngụm trà, ông thường nâng chiếc ấm nhỏ của gia chủ lên ngắm nghía.

“Chẳng biết tự khi nào tôi bị những đường nét của chiếc ấm quyến rũ. Ấm là đồ có nhiều kiểu dáng, chất liệu phong phú. Mỗi chiếc lại có nhiều bộ phận như vòi, nắp, thân, quai được chế tác đa dạng và tinh xảo chứ không đơn giản như chiếc đĩa, chiếc bát, lục bình”.

 
Một góc bộ sưu tập hơn 1.500 chiếc ấm của ông Lê Hạc 
Đi quanh ngôi nhà ngói ba gian chật hẹp, ngắm nhìn nhiều lần những chiếc tủ kính chứa ấm của ông Lê Hạc, quả thực không thấy một chiếc ấm nào giống chiếc nào. Có khi cùng chất liệu, màu sắc thì lại khác hoa văn, họa tiết, cùng kiểu dáng thì lại khác quai, khác kích thước, đường nét.

Chỉ vào một chiếc ấm có màu sắc vàng và nâu sậm khá đẹp, ông Lê Hạc cho biết: “Đây là chiếc ấm do một anh bộ đội Trường Sơn chế tác mấy chục năm trước. Nó làm bằng gỗ cẩm lai, khá lạ trong bộ sưu tập của tôi, nhưng tôi có được do một người bạn tặng lại”.
Những chiếc ấm gốm sứ thời Lý chỉ bé như quả cau 
Rồi chỉ vào những chiếc ấm đất bé như quả cau màu nâu và trắng, ông nói thêm: “Đồ gốm sứ thời Lý đấy. Những thứ này có lẽ không dùng pha trà được, chỉ để ngắm chơi thôi vì kích thước quá bé. Nhưng nó cũng có đủ các bộ phận của chiếc ấm bình thường”.

Thông thường, người có thú chơi lạ thường đam mê đặc biệt một món đồ nào đó, ưu ái hơn những thứ khác, có thể vì sự độc đáo, vẻ đẹp, cổ kính, quý báu, hay đơn thuần là gắn với kỷ niệm của mình. Ông Lê Hạc thì hơi ngạc nhiên khi khách hỏi mình quý chiếc ấm nào nhất:
Những chiếc ấm quý của ông Lê Hạc 
“Với tôi chúng đều như nhau cả. Những chiếc mà mọi người cho là rất quý, rất cổ thì tôi thấy cũng giống chiếc ấm Bát Tràng mới đưa về. Có những chiếc ấm mọi người nhìn lướt qua thờ ơ, nhưng tôi có thể ngồi hàng giờ mân mê nó vì một vẻ đẹp bí ẩn nào đó.

Có nhiều lần, tôi thấy một chiếc ấm thường, sứt quai trong nhà người dân, do trong bộ sưu tập của mình chưa có nên hỏi mua lại. Càng nằn nì thì họ càng từ chối, vì ngỡ chiếc ấm có ẩn chứa giá trị quý báu nào bên trong. Quyết mua không được, lâu lâu tôi quay lại đã thấy họ vứt chỏng chơ, vỡ hết nắp hết quai rồi.

Nhưng cũng có những chiếc ấm tôi được mọi người cho, tặng. Hoặc có những chiếc với giới chơi đồ cổ thì rất giá trị, nhưng tôi lại mua được với giá mua một đồ dùng. Nhiều lúc chiếc ấm Giang Tây của Trung Quốc mới sản xuất tôi lại phải mua với giá trên trời, vì cứ ngỡ họ “Xả hàng, sáng mai về nước ăn Tết” thì hết cơ hội mua”.

Nghệ sỹ Lê Hạc, chủ nhân bộ sưu tập ấm độc đáo 
Ông Lê Hạc cũng thẳng thừng bác bỏ “truyền kỳ” quen thuộc về mánh lới mua bán ấm của giới chơi đồ cổ. Họ hay kháo nhau, gia chủ có bộ ấm quý, nhưng khi bán đi thì giữ chiếc nắp lại (hoặc một chiếc chén). Người mua sau đó sẽ phải mua chiếc nắp với giá khá cao, có khi gấp đôi giá chiếc ấm, cho đủ bộ.

“Tôi không thạo chuyện kinh doanh, mua bán, nên không rõ những mánh khóe đó. Người bán cho tôi là người dân, cứ ưng thuận là họ bán cả chứ chẳng cố tình giữ lại thứ gì vì giữ lại cũng bỏ đi thôi. Tôi thích thì mua chơi thôi, không quá yêu, quá chuộng một món đồ nào”.

Nói như vậy, nhưng ông Lê Hạc cũng thú nhận, ông đã tốn rất nhiều thời gian, tiền của và công sức cho hơn 1.500 chiếc ấm của mình. Loại ấm nào ông cũng cần một chiếc, nên mỗi lần đem được chiếc ấm độc đáo về nhà là cả một câu chuyện dài.

Nghề nhiếp ảnh không đem lại cho ông nhiều tiền, nên khi gặp thứ mình yêu thích, thường thì ông phải lộn hết túi ra để cố mua cho được những chiếc ấm. Những thứ mà gia chủ cho là quý thì càng kỳ công hơn.

Chiếc ấm tích có hai lòng độc đáo 
Như những chiếc ấm có hai lòng vừa để hãm trà, vừa để giữ nhiệt, nguyên chế tác đã công phu chứ chưa kể nó khá hiếm. Hoặc những chiếc ấm trông như trái đào tiên, không có nắp, chỉ khi dốc ngược lên mới có chỗ cho nước vào, nhưng đặt xuống thì nước không chảy ra được…
Chiếc ấm chuyên đất nung có hai lòng 
Những người bạn của ông thỉnh thoảng qua chơi lại thấy “bắt mắt” với một vài chiếc ấm nào đó, ngỏ ý cùng ông “giao dịch”. Lúc ấy, ông Lê Hạc chỉ cười cười mà bảo bạn tự định giá rồi đưa tiền cho ông. Ngẫm nghĩ gần xa, những người bạn ông lại thôi, vì họ biết, với ông những chiếc ấm dù đẹp xấu cũ mới gì cũng đều không phải để bán.

Tôi hỏi: “Đã có ai thử định giá bộ sưu tập ấm của bác chưa? Nghe nó có người đã trả đến cả chục tỷ đồng?”. Ông Lê Hạc lắc đầu, cười: “Một số khách ngoại quốc nằng nặc đòi khiêng cả đống ấm này đi để đem về trải thảm nhung, cho từng chiếc vào tủ kính, nhưng tôi không tin lắm.
Chiếc ấm hình quả đào tiên, đổ nước và chè vào từ đáy ấm 
Tôi nhớ thời trẻ, có anh bạn làm cùng nghề cơ khí với tôi. Cứ mỗi ngày đi làm về anh lại nhặt và buộc phía sau xe đạp hai viên gạch. Chỉ hai viên, không hơn. Nhưng đều đặn như vậy, ba năm sau anh ấy đủ gạch xây một ngôi nhà ở quê.

Có lẽ các bạn già của tôi cũng nghĩ đến công sức suốt mấy mươi năm trời ky cóp sưu tập ấm, nên họ không định giá. Họ cứ gọi vui tôi là ông Vua Ấm trong ngôi nhà cấp bốn này thôi”.

Rót chén trà thơm từ chiếc ấm đất cổ, ông Lê Hạc cười lớn: “Tôi vẫn còn tự mình đi xe máy hàng trăm cây số để chụp ảnh, nghĩa là còn đủ thời gian để làm phong phú thêm bộ sưu tập của mình. Các con tôi khá ủng hộ cho đam mê của bố”.

Gia Linh

Bình luận
vtcnews.vn