Nằm dưới chân núi Cao Mô Xe, thôn Ba Dùi, xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) là nơi đồng bào dân Raglai sinh sống. Hiện họ còn lưu giữ bí quyết của một loại độc dược vô cùng lợi hại. Vùng đất Ba Dùi cũng sinh ra những xạ thủ nỏ nổi danh, cuộc thi nào cũng rinh giải về cho thôn, xã, huyện.
U cả huyền bí
Huyện Khánh Vĩnh là nơi có nhiều đồng bào dân tộc cư trú, trong đó dân tộc Raglai chiếm khoảng 50% dân số. Từ bao đời nay, người Raglai thường lập làng sinh sống ở dưới chân núi. Nơi đó địa hình xa xôi cách trở, họ thường đối mặt với thú dữ nên người Raglai tìm cách đối phó lại để tồn tại.
Hỏi về mũi tên tẩm độc dược, ông Y Giang, Phó Chủ tịch xã Khánh Bình, mách lối: Chú cứ về thôn Ba Dùi sẽ biết.
Có mặt tại đây, chúng tôi tìm đến nhà trưởng thôn Cao Văn Lương, được ông cho biết: “Trong thôn còn rất nhiều người biết và sử dụng, nhưng để hiểu kỹ thì tìm đến nhà Cao Văn Bương. Anh ấy là một xạ thủ nỏ, một “sát thủ” thú”.
Xạ thủ nỏ Cao Văn Bương |
Nói về mũi tên tẩm độc, Bương lên tiếng: Cứ ngồi xuống làm chén rượu đã rồi tính tiếp, đừng có vội. Qua mấy lượt “chào mâm”, Bương khoe: “Ở đây người Dao, Kinh, Ê Đê dùng súng săn bắn thú nhưng đều thua người Raglai hết. Chúng tôi chỉ dùng nỏ bắn nhưng chỉ cần mũi tên dính vào con thú làm nó trầy da chảy máu là chết. Như heo rừng, hoẵng là những con rất khỏe, vậy mà trúng mũi tên thì 5 phút sau lăn ra chết, còn như con chồn, chim… thì chết ngay tức khắc. Trong khi súng bắn trúng thì nó chạy một hồi lâu mới ngã gục. Tìm được con thú, thợ săn cũng kiệt sức luôn”.
Nói xong, Bương xách nỏ và một đống mũi tên với đủ chủng loại ra cho chúng tôi xem. Mũi tên đều làm bằng tre được vót nhọn hoắt, có loại được chế thêm sắt ở đầu nhọn. Thấy nơi cất nỏ và mũi tên ở nơi rất cao, tôi tò mò: Sao để cao vậy? Bương đáp: “Trong số các mũi tên có cái đã tẩm độc nên mình phải để trên cao, nếu sơ suất, mấy đứa nhỏ lấy xuống nghịch thì mất mạng luôn. Mũi tên làm trầy da chảy máu thì bệnh viện cũng không thể cứu chữa được”.
Bương cho biết: Độc dược dùng để tẩm vào mũi tên được người Raglai gọi với cái tên là u cả. Nó được chiết xuất từ một cây mọc trong rừng sâu, sau khi dùng dao chặt cây hoặc đẽo vỏ thì mủ chảy ra. Sau đó, người ta bỏ vào ống tre, nứa nhưng nay bỏ vào chai nhựa hoặc thủy tinh. Mủ lấy xong không cần chế thêm loại gì vào, ban đầu mủ màu trắng nhưng để vài ngày là chuyển qua màu nâu. Khi nào sử dụng thì bỏ đầu tên vào chai cho mủ dính vào. “Trông thì đơn giản nhưng bất cứ con gì, loài gì có máu mà u cả dính vào thì chết hết”, Bương cho biết.
Những mũi tên đã tẩm độc u cả |
Bương nói tiếp: Ngày trước, trên những cánh rừng thú dữ còn nhiều lắm. Người dân ngủ ở nhà ngoài nương bắt gặp hổ, báo về tận bản bắt trâu, bắt bò là chuyện không hiếm. Heo rừng về cắn phá mì, ngô thường xuyên. Cứ mỗi lần như vậy, tất cả những chàng trai trong thôn được phân công giữ nhiệm vụ bảo vệ và ai cũng mang luôn bên mình nỏ và tên độc.
Để biết thêm thông tin về độc dược u cả, chúng tôi tìm gặp cụ Pi Măng La Cươi (70 tuổi), người lớn tuổi nhất thôn Ba Dùi. Theo cụ Cươi, ngày cụ còn nhỏ, khắp dãy Cao Mô Xê này rừng núi còn rậm rạp nên hổ, báo còn nhiều và thường xuyên tấn công con người. Mỗi chuyến đi rừng phải thủ sẵn mũi tên tẩm độc, nếu thú tấn công thì dùng nỏ đối phó lại. Người Raglai sống qua ngày trông chờ rau, củ rừng và thịt thú. Cũng vì thế, trẻ con sinh ra, thế hệ cha ông người Raglai đã huấn luyện cho bọn trẻ bắn nỏ, chiết xuất độc u cả.
Cụ Cươi cho biết, theo truyền thuyết của người Raglai thì từ ngày lập làng, lúc đó có một con gấu thường xuyên tấn công người. Ở thôn có không ít người bị gấu giày xéo và móc mắt, nhưng không có cách này để tiêu diệt nó. Có hôm đàn ông trong thôn phục kích tập trung bắn tên nhưng gấu cũng không chết, nó còn tấn công lại người. Cũng vì căm thù nên mỗi người trong thôn tìm cho mình một cách để giết gấu, trong số đó có một người đã dùng mủ cây u cả tẩm vào mũi tên và bắn chết gấu.
Xạ thủ nỏ tài ba
Bố của Bương là ông Cao La Mang có tài bắn nỏ nhất nhì trong vùng. Từ lúc nhỏ, Bương đã theo cha lên rừng săn thú, Bương được bố bày cho cách chiết xuất và sử dụng độc dược. Khi trưởng thành, Bương đủ sức kéo nỏ thì ông Mang dạy cho con bắn tên và hằng ngày vào rừng vào rừng săn bắn thú cung cấp nguồn thức ăn cho gia đình. Còn bây giờ, thú không còn nhiều nên Bương cũng ít lên rừng.
Ngoài việc tẩm độc mũi tên được chế thêm sắt |
Làm quen với nỏ vào rừng săn bắn nhưng nay thú đã khan hiếm nên Bương ít vào rừng. Trong khi các ngày lễ lớn của xã, huyện tổ chức các trò thi đấu, cũng là lúc Bương vót mũi tên đi tham dự. Những cuộc thi đó, Bương đại diện cho thôn tham gia môn bắn nỏ. Kết quả, Bương luôn là người dành được giải cao và được chọn đi thi cấp tỉnh, cấp khu vực.
Thành tích bắn nỏ Bương không nhớ hết, bởi lần nào diễn ra, Bương đều mang giải về. Bương chỉ nhớ nhất là lần đầu tiên trong đời được đi xa nhất là ra Bình Định tham gia hội thao quốc phòng dân quân tự vệ Quân khu 5, năm 2011. Lần đó, Bương dành giải nhất cá nhân môn bắn nỏ.
“Dùng nỏ bắn thì thú bị diệt không nhiều nhưng những năm gần đây, có nhiều loại bẫy được sử dụng. Có nhiều người mua hàng trăm cái bẫy vào rừng đặt, từ những con thú lớn như heo rừng, cho đến con chim đều dính bẫy hết. Cũng vì thế mà thú ngày càng cạn kiệt”, Cao Văn Bương cho biết.
Theo Đắc Thành - NNVN
Bình luận