'Đầu khỉ mọc trên cây': Vừa làm thức ăn, vừa làm thuốc uống
Có hình cầu hoặc elip, mọc riêng rẽ hoặc thành chùm, có tua nấm dày đặc và rủ xuống như đầu khỉ, nấm đầu khỉ (hay còn gọi là nấm hầu thủ) có thể ăn được và được dùng làm nguồn dược liệu quý.
Nấm hầu thủ (hay còn gọi là nấm đầu khỉ) là một loại nấm ăn được và được sử dụng làm dược liệu quý bởi chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng.
Nấm có hình cầu, hoặc hình elip, màu trắng. Nấm thường mọc thành chùm lớn tạo thành khối quả thể, có những tua dày đặc, rủ xuống như đầu khỉ.
Các tua nấm có chiều dài trung bình từ 0,5 – 3cm. Đây cũng là lý do vì sao, loại nấm này được gọi là nấm đầu khỉ. Tuy nhiên, khi nấm già, các tua nấm dài và chuyển sang màu vàng như bờm sư tử.
Nấm khi non có màu trắng đến trắng ngà, thịt màu trắng, khi già nấm ngả sang màu vàng đến vàng sậm, các tua nấm chính là lớp bào tầng, dài từ 0,5–3 cm, trên bề mặt tua có các đảm màu trắng mang bào tử đảm hình cầu, giữa bào tử có một giọt nội chất tròn.
Nấm hầu thủ là loại nấm ôn đới, chỉ trồng được ở những vùng khí hậu mát mẻ, nhiệt độ thích hợp cho nấm sinh trưởng là 16-20 độ C, nhiệt độ cao nhất có thể trồng là 19-22 độ C. Hiện nay, loại nấm này được trồng nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nấm đầu khỉ tươi khi nấu có vị ngọt thơm; nấm khô có vị nhẫn đắng, hậu ngọt, có thể hãm thành một loại nước uống thay trà.
Loại nấm này mọc trên các loại cây gỗ: nhóm sồi dẻ, họăc các loại cây lá rộng đang sống hoặc đã mục nát cho đến tận vùng trong cùng của vỏ cây (lõi cây) do đó có thể làm chết cây.
Tại Trung Quốc, loại nấm này khi thể quả non có hình như đầu khỉ tay dài nên được gọi là Houtou (nấm Hầu thủ).
Nấm đầu khỉ khô có thể bán với giá 1 triệu đồng/kg, cao hơn hẳn 10 lần so với nấm tươi. Không những thế, thời gian bảo quản lại được lâu.
Đây còn là nguồn nguyên liệu để sản xuất một số loại dược phẩm phục vụ sức khỏe con người. Bởi nấm đầu khỉ có tác dụng ngăn cản quá trình lão hóa và phục hồi các nơ ron thần kinh, tăng cường hệ miễn dịch và đặc biệt hiệu quả với các bệnh nhân ung thư phổi di căn.
Khí hậu Việt Nam không thích hợp để trồng loại nấm này, tuy nhiên, hiện nay, đã có một số khu vực áp dụng thành công việc nuôi trồng loại nấm này trong điều kiện khí hậu nhân tạo.
Bình luận