Kỳ 4: Tận mắt kho đồ cổ
Trong kỳ trước, VTC News đã nói về kho xương hóa thạch khổng lồ mà sư thầy Thích Diệu Mơ khai quật được trong hang Thánh Hóa, sau chùa Thánh Quang, còn gọi là chùa Nhẫm Dương (Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương).
Sự việc phát hiện kho hóa thạch này đã gây chấn động giới khảo cổ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, sư thầy Thích Diệu Mơ đã khai quật từ hang động này, cũng như một số hang động khác quanh chùa vô số cổ vật quý, có niên đại từ thời tiền sử đến tận thời Nguyễn.
Sư thầy Thích Diệu Mơ bảo: “Cổ vật mà tôi sở hữu thì nhiều lắm, không biết có bao nhiêu món, nhưng giá trị thế nào thì tôi không biết, vì tôi không bao giờ có ý định bán. Toi coi đây là tài sản của nhân dân, của Nhà nước. Tôi giữ những cổ vật này là giữ cho thế hệ sau”.
Đồ đá thời tiền sử |
Trong khi thầy Mơ thắp hương trên ban thờ Phật, tôi dạo một vòng quanh ngôi chùa Nhẫm Dương. Tôi đi để ý quan sát, nhưng tuyệt nhiên không thấy căn phòng bí mật, với cửa khóa im ỉm, với xích sắt, khóa to nào cả. Không rõ, với hàng ngàn, hàng vạn món cổ vật như nhà báo Phạm Chức (Đài PTTH Hải Dương) kể, thì thầy Mơ cất giữ ở đâu?
Đang lăn tăn với câu hỏi đó, thì nhà báo Phạm Chức gọi tôi lên xe. Hóa ra, những món cổ vật quý bà cất giấu ở nơi khác. Sư thầy Thích Diệu Mơ bảo, ước mong lớn nhất của bà là xây được một ngôi nhà truyền thống để đem các món cổ vật bày ra cho thiên hạ ngắm, cho các nhà khoa học nghiên cứu. Nhưng, ngôi chùa xây mãi chưa xong, thì không hiểu đến bao giờ ước mong đó mới thành hiện thực.
Thầy Mơ và cổ vật gốm thời Bắc thuộc |
Ông H. là một trong số ít Phật tử của chùa Nhẫm Dương. Ông đã được thầy Mơ hướng tâm theo Phật. Hiện ông sống một mình trong ngôi nhà 3 tầng rộng rãi.
Nhấp xong chén trà, ông H. dẫn chúng tôi lên tầng 2 của ngôi nhà. Tầng 2 có 2 phòng, đều khóa cửa im ỉm. Ông H. mở một căn phòng, tôi thực sự choáng ngợp với cơ man nào là cổ vật. Cả căn phòng rộng chừng 30 mét vuông, từng là phòng ngủ, chứa ăm ắp cổ vật.
Đồ sắt thời Đông Sơn |
Sư thầy Thích Diệu Mơ mở những cánh tủ kiểu cũ. Trong tủ cũng xếp chật kín các cổ vật, toàn là đồ gốm, sứ. Riêng đồ gốm ở căn phòng này cũng có đến cả ngàn món. Tôi có cảm giác, những chiếc tủ cổ như muốn sập xuống vì chứa quá nhiều đồ.
Sư thầy Mơ và nhà báo Phạm Chức lựa vài món đồ đặc trưng ra xem. Thầy Mơ bảo, bà không hiểu biết nhiều về cổ vật, nhưng hễ có món gì đẹp, có vẻ quý là bà liền mang đến gặp một số người hiểu biết về cổ vật, đặc biệt là các nhà khảo cổ ở Hải Dương hoặc trung ương. Do đó, bà cũng nắm được niên đại một số món đồ.
Chiếc nồi đồng cổ giống nồi đồ xôi |
Đặc biệt quý và cũng rất nhiều là các món gốm sứ Chu Đậu. Trong kho cổ vật gốm sứ này, có quá nhiều món cổ vật sứ ký kiểu mà nhìn vào đó, những người hiểu biết về cổ vật thấy được cả cuộc sống, văn hóa thời xưa.
Từ những hoa văn, họa tiết, người ta biết được cái nào dùng cho vua, chúa, quan lại, tầng lớp dân chúng. Thời Lê – Trịnh, trên các món đồ gốm có chữ Khánh xuân thị tả, Nội phủ thị trung, Nội phủ thị hữu, Nội phủ thị đoài, Nội phủ thị bắc, Nội phủ thị nam.
Đồ sứ |
Mặc dù những món đồ sứ này có niên đại chưa sâu lắm, nhưng mang tính thẩm mỹ cao, nên đều được giới sưu tầm săn lùng ráo riết, sẵn sàng trả giá hàng trăm triệu đồng cho một món đồ.
Quý hiếm nhất trong kho cổ vật gốm sứ cất giấu kỳ công của sư thầy Thích Diệu Mơ có lẽ là những món đồ có xuất xứ từ Trung Quốc, do các triều đại ở Việt Nam đặt.
Vô số chum, chóe, bát đĩa từ thời vua Ung Chính, Khang Hy, là những báu vật trong con mắt của giới sưu tầm cổ vật quốc tế. Bản thân tôi không thể định giá được những món cổ vật này, nhưng trong con mắt giới buôn bán cổ vật, nó có giá trị vô cùng lớn.
Nhìn những món đồ đá, tôi tưởng như lạc vào một bảo tàng tiền sử nào đó. Đủ các loại rìu đá, búa đá, cuốc đá, bàn mài, lưỡi dao, mũi tên… cùng vô vàn những món đồ trang sức của người thời đại đồ đá.
Hàng đống cổ vật bằng đồng, gồm đủ các loại bát, đĩa, rìu, dao, cuốc, mũi tên, mũi lao, vòng đeo tay. Lớn hơn nữa là những chum, chóe bằng đồng, khánh đồng, chuông đồng, lư hương, hạc đồng đạp lưng rùa…
Ngăn tủ nào cũng ăm ắp cổ vật |
Sư thầy Mơ luồn tay vào góc một chiếc tủ nhôm thấy ra một pho tượng Phật ngồi trên đài sen theo thế tọa thiền và bảo đây là món quý nhất trong đống đồ cổ kim loại. Pho tượng chỉ to bằng ấm pha trà nhưng nặng trĩu tay.
Theo thầy Mơ đây là bức tượng đồng đen (?!). Nếu bức tượng này làm bằng chất liệu đồng đen thật, thì cứ như lời đồn, nó có giá nhiều triệu USD. Tuy nhiên, đồng đen là thứ có lẽ chỉ có trong huyền thoại, mà đám lừa đảo thường mang cái cục ít phần thực nhiều phần hư đó ra lừa đảo người hám của.
Có thể, pho tượng này được làm từ chất liệu bằng đồng, do nằm dưới đất lâu ngày nên chuyển sang màu đen. Cũng có thể là tượng đồng, nhưng người xưa hun khói thành màu đen, như pho tượng khổng lồ ở đền Quán Thánh (Hà Nội). Cũng không loại trừ pho tượng được làm bởi loại hợp kim đặc biệt. Dù sao, đây cũng là một món cổ vật vô cùng giá trị.
Còn tiếp…
Phong Nguyệt
Bình luận