Tôi đến tìm Hồng Sơn tại Trung tâm huấn luyện thể thao Viettel vào một ngày mưa phùn, dường như sợ khách không nhận ra cựu ngôi sao của đội bóng huyền thoại Thể Công, cậu bảo vệ dẫn tôi vào tận phòng và chỉ: Hồng Sơn đấy. Quên sao được, dẫu nước da trắng trẻo đã sạm đi đôi chút, nhưng nụ cười bẽn lẽn cộng chiếc má lúm đồng tiền của Sơn “công chúa” vẫn duyên như cách đây hơn 15 năm.
Tìm lại tuổi thơ
Hồng Sơn vừa trở về sau chuyến đi huấn luyện ở các tỉnh. Cứ một tháng, anh lại có đôi ba lần đi như thế. Đồng đội cũ của anh, những Huỳnh Đức, Hoàng Bửu, Hữu Thắng… đều đã vững vàng với ghế HLV ở các câu lạc bộ lớn. Nhưng Hồng Sơn vẫn bằng lòng với việc dìu dắt tuyển U.19, và bây giờ là U.15 của Viettel. Không hiếm những lời mời hấp dẫn, nhưng với anh: “Càng vào câu lạc bộ lớn, áp lực, thị phi càng nhiều. Giờ tôi chỉ muốn một cuộc sống bình lặng, không va chạm”.
Gia đình nhỏ của Hồng Sơn |
Huấn luyện đội trẻ, Hồng Sơn cũng như tìm lại được chính mình trong sự hồn nhiên của các cầu thủ nhí. “Bọn nhóc còn ngây thơ lắm, niềm đam mê bóng đá vẫn còn trong trẻo, chưa biết tính toán, vụ lợi. Ở gần chúng, mình như cũng được trẻ ra”.
Nhưng bên cạnh đó cũng là nỗi lo. Nhiều cầu thủ trẻ hết giờ tập là mải mê chơi điện tử, xem ti vi, ít chịu tập luyện thêm. Không giống các anh hồi xưa, 5 giờ chiều kết thúc buổi tập, nhưng hầu như ai cũng nán lại mấy chục phút. Mà hồi đó sân bóng lầy như ruộng, chỗ xanh cỏ, chỗ không. Bóng điện thì tù mù như đom đóm.
Biết điểm yếu của mình là hình thể nhỏ, Sơn thường tập tạ, cơ bụng, cơ lưng... kế đến là nhảy dây, đá dây thun, tâng, chuyền bóng cho đôi chân dẻo dai, linh hoạt, tăng tốc độ bứt phá, luồn lách. Những bài tập ấy cũng góp phần đưa Hồng Sơn trở thành tiền vệ có lối chơi kỹ thuật hay nhất mà bóng đá Việt Nam đến giờ vẫn chưa có ai thay thế.
Cứ mỗi lần nghe ngóng ở phường nào, khu phố nào có đội bóng hay, Sơn lại rủ bạn bè xách giày đến thi đấu. Chỉ là đá vỉa hè, nhưng sự cọ xát khiến anh trưởng thành lên không ít. Theo anh, các cầu thủ bây giờ ít ai nổi trội về kỹ thuật, một phần vì thiếu sự khổ luyện, một phần vì danh tiếng, tiền bạc đến quá sớm khiến các cầu thủ dễ ỉ lại, tự mãn về mình.
Hào hoa nhưng chung thủy
Chàng tiền vệ đẹp trai Hồng Sơn hào hoa trên sân cỏ và cả ở ngoài đời. Mỗi cuối tuần, nhà anh luôn đầy ắp những thứ đặc sản: bưởi Diễn, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn... do các cô gái hâm mộ anh mang đến tặng. Đến giờ, thư từ vẫn chất đầy 3 bao tải. Quà lưu niệm cũng nhiều, nhưng anh nhớ nhất là ba cuốn sách được kỳ công dán nên bằng chính những bức ảnh, bài báo viết về anh suốt nhiều năm, mà người tặng là ba cô gái trẻ.
Hồng Sơn đi chợ giúp vợ |
Hào hoa thường gắn với đa tình, nhưng với Hồng Sơn có vẻ không đúng lắm. Suốt câu chuyện về những cô gái hâm mộ anh, thể nào Sơn cũng nhắc một câu về vợ với giọng trìu mến: “Hải nhà anh”, “bà xã anh”. Vợ Hồng Sơn vốn là cựu sinh viên Phân viện Báo chí khóa 20. Con gái báo chí vốn cá tính và “ương”, nhưng chẳng hiểu chàng tiền vệ thuyết phục thế nào mà đám cưới được tổ chức ngay khi cô dâu bước vào năm thứ tư đại học.
Tốt nghiệp, cũng là lúc mang bầu bé Gia Khánh, cô tân cử nhân báo chí nghe theo lời chồng, ở nhà sinh con, chăm sóc gia đình.
Nhưng điều khiến Hồng Sơn nhớ nhất trong thời gian yêu nhau, đó là khi anh bị gãy chân, vợ anh đưa đón anh bằng xe máy đến phòng khám trị liệu ròng rã cả tháng trời. “Tới nơi, người hâm mộ xúm xít quanh mình, cô ấy lặng lẽ ngồi một góc bên ngoài, trông thương lắm”.
Con trai Nguyễn Sỹ Gia Khánh (áo xanh) |
Đến giờ, đã hơn 10 năm bà xã của Hồng Sơn ở nhà làm nội tướng để chồng yên tâm thi đấu và huấn luyện. Hồng Sơn đi xa nhiều, nên hai con của anh thường quấn mẹ hơn là bố. Cậu cả Nguyễn Sỹ Gia Khánh năm nay 11 tuổi còn cô gái út Nguyễn Khánh Vi 9 tuổi.
Mỗi ngày, Hồng Sơn phóng xe máy từ Hàng Bông đến Phương Liệt cho buổi tập sáng từ 8 -10 giờ. Buổi trưa, anh ăn luôn ở nhà ăn đơn vị với anh em. Buổi chiều lại tập từ 2 - 3 giờ 30. Nhưng có những đợt vào mùa giải, anh ăn ngủ ngay tại đơn vị vì phải huấn luyện cả ban đêm. Cuối tuần rảnh rỗi, Hồng Sơn lại cùng bạn bè làm vài ván cầu lông, quần vợt hoặc đưa cả nhà về quê. Quê anh là làng pháo Bình Đà của Thanh Oai, Hà Tây cũ.
Hỏi Hồng Sơn bây giờ còn đầy chất “nghệ” như xưa nữa không, anh cười: “Già rồi, cái hào hoa cũng lặn bớt vào trong”. Không còn nhận được hàng trăm lá thư mỗi ngày nữa, nhưng trên trang Facebook mà anh mới mày mò lập, hằng ngày vẫn có những “comment” trìu mến của người hâm mộ. Có lẽ với họ, Sơn “công chúa” dù đã 43 tuổi vẫn chưa bao giờ thôi hào hoa, nghệ sĩ.
Tiễn tôi ra cửa, Sơn vừa đi vừa khẽ nhăn mặt. Anh bảo: “Ba lần mổ chấn thương đầu gối, một lần mổ chấn thương mũi, cứ trời lạnh là lại đau...”. Tôi thầm nghĩ, phải chăng trong những ký ức của Hồng Sơn, ngoài ba bao tải thư đầy ắp, ngoài biệt danh Sơn “công chúa”, còn là những vết thương mà mỗi lần đau lại nhắc cho anh nhớ về một thời “xả thân” vì màu cờ, sắc áo.
Theo Thanhnien
Bình luận