(VTC News)- Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết dự toán kinh phí cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015 khoảng 34.275 tỷ đồng.
Kinh phí hơn 34.000 tỷ đồngSáng 14/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng chỉ ra những bất cập của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ cần khoảng gần 35.000 tỷ đồng để đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015 (Ảnh: Phạm Thịnh) |
Một số chủ đề còn nặng, khó, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh vùng khó khăn…
“Nội dung chương trình, sách giáo khoa bị “cắt khúc”, không thật đảm bảo tính liên thông, có trùng lặp một số nội dung giữa các lớp học, cấp học và giữa các môn học; chưa liên thông tốt giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để góp phần thực hiện có hiệu quả việc phân luồng sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận.
Hình thức tổ chức “phân ban kết hợp với tự chọn” ở cấp Trung học phổ thông còn cứng nhắc, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và khuynh hướng nghề nghiệp của học sinh, chưa đáp ứng được yêu cầu phân luồng đa dạng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng nêu ra thực thế theo thông lệ quốc tế, sau một thời gian (chu kỳ) nhất định, chương trình giáo dục cần được xem xét, thay đổi.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thông tin thêm, dự kiến đề án sẽ cần khoảng 34.275 tỷ đồng và chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được sử dụng ổn định đến năm 2030.
Bình luận về con số này, đại biểu Phan Xuân Dũng cho rằng nếu kinh phí hơn 34.000 tỷ đồng chỉ do ngân sách gánh thì là lớn nhưng nếu xã hội hóa thì con số đó lại không lớn.
Trong khi đó, đại biểu Phan Trung Lý bình luận với con số hơn 34.000 tỷ đồng phục vụ cho đề án là không hề nhỏ. Vì vậy, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần phải xin ý kiến thêm của nhiều chuyên gia giáo dục và cần đưa ra để dư luận xã hội thảo luận.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội – Tòng Thị Phóng cũng nhận định: “Kinh phí hơn 34.000 tỷ đồng cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa là tương đối lớn. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần phải làm rõ việc sử dụng kinh phí này như thế nào trong đề án”.
Một chương trình, nhiều bộ sách
GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội cho rằng phương thức dạy học phân hóa chương trình trung học phổ thông sau năm 2015 cần đổi mới theo hướng tăng cường các môn học, chuyên đề tự chọn.
Việc này sẽ dẫn đến việc đổi mới trong xây dựng chương trình và tổ chức lớp học và cần được quy định trong Nghị quyết mới của Quốc hội.
Việc dạy học tích hợp bước đầu đã được thực hiện ở bậc học phổ thông, nhưng ở mức thấp và thiếu tính hệ thống, nhất quán.
Đại biểu Trương Thị Mai đề nghị Bộ GD-ĐT cần làm rõ hơn nhiều nội dung trong đề án |
GS Đào Trọng Thi cũng đồng tình với quan điểm xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa hiện đại: một chương trình chuẩn, nhiều bộ sách giáo khoa.
Để thực hiện chủ trương này, cần có bộ chương trình chuẩn đủ chi tiết với những chuẩn kiến thức, kỹ năng cụ thể và những phẩm chất cần thiết khác; đồng thời cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa.
Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa và khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn một số sách giáo khoa khác cho các môn học. Bộ GD-ĐT thẩm định và cho phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Đồng tình với các nội dung cơ bản Bộ GD-ĐT đã trình bày, đại biểu Trương Thị Mai cho rằng nghị quyết này cần phải tổng kết nghị quyết 40 về đổi mới giáo dục phổ thông đã được Quốc hội thông qua năm 2000.
“Tính khả thi, điều kiện thực hiện chưa rõ, chưa cụ thể. Báo cáo đánh giá tác động Bộ GD-ĐT cần viết cụ thể hơn. Nếu chỉ dùng 2,5 trang thì đơn giản quá”, đại biểu Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Ksor Phước cũng đặt vấn đề : “Tính toàn diện lâu dài hay chỉ đến năm 2030. Cần làm rõ, 2015 bắt đầu làm hay làm từ bây giờ”.
Đại biểu Phan Trung Lý lại đề nghị Bộ GD-ĐT cần làm rõ tính tích hợp và kế thừa các thành tựu giáo dục của thế giới trong nghị quyết lần này.
Đồng tình với nhận xét của nhiều đại biểu, Chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nói: “Người ta cảm thấy nghị quyết này chưa có nội dung. Chỉ là tập hợp lại, sao lại, chép lại quan điểm của Đảng… Người dân muốn biết sách giáo khoa mới như thế nào thì chưa rõ”.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục xin ý kiến của các chuyên gia giáo dục để hoàn thiện nghị quyết và đề án để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong tháng 5/2014.
Phạm Thịnh
Bình luận