Học sinh cần phải học toàn diện để hướng tới một kỳ thi quốc gia chung
Nhà giáo Nhân dân, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng thí sinh muốn vào đại học, cao đẳng, bên cạnh bằng tốt nghiệp THPT, phải có thêm “chứng chỉ trình độ sẵn sàng”
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học cũng khẳng định việc tiến tới kỳ thi quốc gia chung và học sinh có thể tham gia dự thi từ 2 lần/ năm đến 4 lần/ năm.
Ngày 13/2, trong Hội nghị quán triệt Nghị Quyết Trung ương 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ năm học 2013 -2014 khối các Sở GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong tương lai ngành giáo dục phải tiến tới mô hình một kỳ thi, một bài thi nhưng vẫn đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Sau đó, các chuyên gia giáo dục tiếp tục khẳng định phải tiến hành bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng ngay trong năm 2014 không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học.
Tiếp tục khẳng định tính tất yếu cần phải tiến tới một kỳ thi quốc gia chung, nhiều chuyên gia còn đưa ra nhiều phải pháp đồng bộ cho giáo dục Việt Nam.
VTC News xin tổng hợp các ý kiến của chuyên gia, độc giả để Bộ GD-ĐT có căn cứ để tham khảo, hoàn thiện các chính sách trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 và trong các năm tiếp theo.
Cần 1 kỳ thi quốc gia chung
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng đổi mới giáo dục cần sự đồng bộ trong dạy, học và thi cử, trong đó thi cử được xem là bước đột phá đầu tiên. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của ngay lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Có nên tổ chức một kỳ thi quốc gia chung?
Khảo sát trên báo điện tử VTC News cho kết quả 71% độc giả ủng hộ phương án tiến tới 1 kỳ thi quốc gia chung với 1 bài thi. Trong đó, 1 bài thi này phải làm được 2 nhiệm vụ là đánh giá xếp loại tốt nghiệp (với những câu hỏi cơ bản) và phân loại được năng lực thí sinh ( với những câu hỏi nâng cao).
Các chuyên gia đều cho rằng, do tâm lý muốn tạo cơ hội tối đa cho học sinh ở địa phương mình được thi và học đại học nên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm trên cả nước là gần như tuyệt đối (98%).
Vì vậy, các ý kiến cho rằng cần phải có kỳ thi quốc gia chung để đánh giá khách quan trình độ của từng học sinh ở tất cả các môn học để các em nắm được kiến thức cơ bản, toàn diện, tránh tình trạng học lệch.
Kết quả kỳ thi quốc gia được sử dụng làm căn cứ quan trọng xét tuyển vào các trường đại học.
Bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng từ 2014
Đa số các chuyên gia đều cho rằng, Bộ GD-ĐT cần mạnh dạn bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng 2014. Việc bỏ điểm sàn sẽ không làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học.
Chia sẻ về điều này, TS Lê Trường Tùng, hiệu trưởng đại học FPT cho rằng: “Việc bỏ điểm sàn cần thực hiện đồng bộ với giải pháp khống chế chỉ tiêu theo nguồn lực từng trường căn cứ theo lực lượng giảng viên, cơ sở vật chất và suất đầu tư/đầu sinh viên”.Bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng từ 2014 có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục?
Khảo sát trên báo điện tử VTC News cho thấy, 49% độc giả cho rằng việc bỏ điểm sàn năm 2014 không làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học. Thậm chí, 22% độc giả cho rằng việc bỏ điểm sàn còn khiến các trường tuyển sinh có chất lượng hơn. Bên cạnh đó, 29% độc giả còn băn khoăn và đưa ra nhận định không nên bỏ điểm sàn năm 2014.
4 môn thi thành 4 bài thi
Vừa qua, phương án thi tốt nghiệp THPT 2014 của Bộ GD-ĐT theo hướng nhẹ đi được dư luận đồng tình. Cục khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cũng vừa đưa ra con số 88% ý kiến đồng tình ủng hộ thi 4 môn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia băn khoăn trong thực tế học sinh sẽ không học những môn không thi dẫn đến việc học lệch, học tủ.
Thậm chí, tại hội nghị quán triệt Nghị Quyết Trung ương 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ năm học 2013 -2014 khối các Sở GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đổi mới để không nên và không để dẫn đến tình trạng sau một thời gian phân loại giáo viên thành hai hạng”.
Hạng thứ nhất là giáo viên loại A dạy các môn chắc chắn được thi tốt nghiệp và loại giáo viên dạy các môn không được thi hoặc rất ít thi.
Những giáo viên dạy các môn không được thi tốt nghiệp cũng rất ít động lực để phấn đấu. Không cẩn thận thì ngay trong ngành giáo dục cũng phân hóa thành 2 hạng giáo viên. Vì vậy, đổi mới thi nên phải xem xét rất cẩn trọng.
Góp ý đến Bộ GD-ĐT, một độc giả của VTC News đưa ra gợi ý: “ Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố theo hướng giảm số lượng môn thi tốt nghiệp THPT và nhận được sự đồng tình của dư luận. Vì vậy, năm 2014 Bộ GD-ĐT nên tổ chức 4 môn thi, trong đó có môn Ngoại ngữ là tự chọn chứ không phải là môn khuyến khích cộng điểm”.
Các bài thi sẽ được thiết kế theo hướng tích hợp nhiều môn để đánh giá năng lực toàn diện của học sinh
Tuy nhiên, sẽ có một kỳ thi quốc gia chung nhằm đánh giá chính xác kiến thức, tư duy của thí sinh. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các trường tự chủ tuyển sinh.
Có thể áp dụng 2 kỳ thi (tốt nghiệp THPT và thi quốc gia chung) song song hoặc chỉ áp dụng năm đầu đổi mới (2015) rồi sau đó chỉ còn lại một kỳ thi quốc gia duy nhất.
Ở kỳ thi quốc gia chung, các bài thi sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong các năm tiếp theo và hướng tới một 1 kỳ thi với 1 bài thi và cách thức tổ chức tương tự như thi SAT ở Mỹ. Một bài thi này có kiến thức tổng hợp tất cả các môn học ở cấp học THPT.
Đăng ký nguyện vọng sau thi
Các mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng trong những năm gần đây tồn tại một thực tế lượng thí sinh ảo luôn rất lớn gây khó khăn cho công tác tổ chức của các trường, gây tốn kém cho xã hội.
Vì vậy, PGS- TS Trần Xuân Nhĩ cũng đưa ra đề xuất có kết quả thi rồi các trường mới công bố điểm và các tiêu chí khác phù hợp để tuyển sinh. Thí sinh chỉ phải đăng ký nguyện vọng sau khi có kết quả thi.
Chia sẻ về những ý kiến đóng góp cho dự thảo đổi mới thi và xét công nhận tốt nghiệp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, sẽ có tiếp thu và xử lý nghiêm túc.Độc giả có đồng ý với quan điểm của tác giả? Hãy gửi ý kiến bình luận cho chúng tôi theo ô thảo luận cuối bài viết để làm sáng tỏ vấn đề rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai đất nước này.“Bộ sẽ sẵn sàng từ bỏ ý kiến của mình nếu các ý kiến khác tốt hơn, đúng hơn, hiệu quả hơn” Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.Dự kiến, trong tuần này Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức công bố chính thức về phương án thi và xét tốt nghiệp THPT trên cơ sở phân tích và điều chỉnh theo những ý kiến góp ý.
Bình luận