(VTC News) - "Chuyện này có vẻ hơi kỳ, quả nhiên như ai đó nói, “không tin được, dù đó là sự thật...”- TS Văn hóa Phan Quốc Linh lên tiếng từ Bungari.
Loạt bài trên VTC News bàn về nguyên nhân thất bại của người đẹp Việt tại các đấu trường nhan sắc quốc tế lớn đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thú vị từ các nhà chuyên môn cũng như độc giả tâm huyết. Sau đây là bài viết của vị TS Văn hóa học có cái tên đã khá quen với nhiều báo mạng Việt Nam, ông Phan Quốc Linh, hiện đang sống tại Bungari.
Thường thì người ta vẫn nghĩ chuyện copy chỉ xảy ra trong thi cử bình thường, ít ai nghĩ thi người đẹp quốc tế lại xảy ra chuyện này.
Hơn nữa, cuộc thi người đẹp nào mà chẳng công khai, “đánh bài ngửa” trước khán đài và trước ống kính truyền hình với triệu triệu khán giả, vậy thì copy thế nào được, và copy của ai, copy cái gì ở đây chứ?
Từ chuyện mái tóc "chẳng giống ai" của Ngọc Tình
Tôi xin được kể lại câu chuyện dưới đây.
Tôi đã từng có tâm trạng háo hức chờ đợi khi ở CH Bungari, nơi tôi định cư, tổ chức cuộc thi siêu mẫu thế giới (Best Model of the World, 2011), có hai thí sinh việt nam tham gia là Huyền Trang và Ngọc Tình.
Háo hức, chờ đợi, có phần tò mò nữa, vì xưa nay tôi vẫn nghĩ người Việt mình có thể làm được nhiều chuyện, nhưng xét về tầm vóc cơ thể (body) thì người Việt lại thuộc diện nhỏ con, dù gần đây lớp trẻ có được tăng chiều cao và cân nặng, nhưng chưa chắc có thể thi thố được với tầm vóc cao to của một số nước khác như người Âu - Mỹ chẳng hạn.
Thế rồi sự bất ngờ này với tôi thực sự mà nói, lại nằm ở... chuyện bất ngờ khác, chẳng thể nào ngờ!
Ấy là khi Đài Truyền hình quốc gia Bungari phát sóng hình ảnh các thí sinh thì tôi thấy tầm vóc (body) của người đẹp Việt chả thua kém gì tây, thậm chí còn có phần trội hơn một vài thí sinh của một số nước khác.
Có bất ngờ và mừng vì chuyện này nhưng tôi lại rơi vào sự bất ngờ đến thất vọng, hẫng hụt nếu không nói làbị sốc. Vì sao?
Vì Ngọc Tình đi thi siêu mẫu quốc tế với mái đầu sọc dưa, là model của người Châu Phi, không phải của người Việt, và nói chung là... chẳng giống ai!
Ở đây tôi không nói chuyện mái đầu sọc dưa này của người mẫu Ngọc Tình xấu hay đẹp. Tôi chỉ nói chắc chắn rằng đầu tóc đó không phải là mẫu tóc của người Việt, mà là mẫu tóc của cư dân Châu Phi, và cũng không phải là mẫu mới gì, thực ra là mốt cũ.Ngọc Tình với mái tóc sọc dưa tại Best Model of the world 2011. (Bên cạnh anh là đại diễn nữ của Việt Nam năm đó, Huyền Trang).
Mẫu tóc này chúng ta có thể thấy đâu đó ở một vài cầu thủ bóng đá quốc tế khi xem tivi, hay gặp đâu đó trên đường phố châu Âu một vài ba năm hay dăm bảy năm về trước.
Tại sao một người Việt đi thi người mẫu quốc tế lại mang đầu tóc không phải của người Việt mà là mẫu của dân tộc khác?
Tôi gọi đây là hiện tượng copy của người đẹp Việt vì nó đã xẩy không riêng ở trường hợp Ngọc Tình mà có ở khá nhiều khi các người đẹp Việt tham gia cuộc thi quốc tế, lúc thì copy trang phục áo dài ở một nét tự nhận là "cải biên” nào đó, lúc thì copy kịch bản một màn biểu diễn nào đó.
Thậm chí còn nguy hại hơn nữa là đã chọn người đẹp Việt có những nét hao hao giống nét đẹp phụ nữ tây (cũng gọi được là sự copy), như mũi cao, mắt to, miệng rộng, v.v...
Xin được trở lại với hiện tượng "mái tóc sọc dưa” của siêu mẫu Ngọc tình.
“Cái răng,cái tóc góc con người”, nghĩa là từ những biểu hiện hình thể của răng, của tóc có sự tỏa rạng tâm thế của một con người. Điều đó cho thấy răng, tóc, tuy là các chi tiết không lớn nhưng chúng có giá trị định vị lớn - chiếm hẳn "một góc”, trong "bảng giá trị” thẩm mỹ, thể hiện "phác đồ” tinh thần (thần sắc) của một con người.
Và, theo cách nhìn rất chính xác này, được đúc kết từ ngàn xưa, thì chính Ngọc Tình dạo đó đã tự đánh trượt thi mình, vì sự thiếu cá tính, bản ngã của chính mình được lộ ra với mái đầu sọc dưa này. Cũng có thể nói được rằng chính Ngọc Tình đã tự lộ "gót chân Asin”, đằng sau câu chuyện này cho thấy sự thiếu một phông nền văn hóa cần thiết.
Dạo đó tôi đã tự hỏi: Dưới mái tóc của Ngọc Tình là cái đầu của Ngọc Tình, thế thì chả hiểu cái đầu Ngọc Tình nghĩ gì về chuyện đầu tóc đó?
Dưới mái tóc sọc dưa Châu Phi của Ngọc Tình là cái đầu của Ngọc Tình và cái đầu của các "ông bầu” Việt. Tôi nói vậy không theo nghĩa đen, mặc dù có thể các ông bầu này đứng thấp dưới đầu Ngọc Tình, mà theo nghĩa bóng, là vì họ đã phạm sai lầm có thể nói là sai lầm lớn khi đưa thí sinh này xuất hiện với mái tóc như vậy trong cuộc thi quốc tế.
Giả sử cứ cho là Ngọc Tình đoạt giải siêu mẫu quốc tế dạo đó đi (thực tế anh chỉ đạt giải trang phục dân tộc đẹp nhất), thì công chúng thế giới sẽ nói gì? Chắc chắn là công chúng cả thế giới sẽ phải ngạc nhiên đặt câu hỏi: tại sao anh chàng người Việt này lại mang cái đầu tóc theo kiểu của người châu Phi đi thi quốc tế được nhỉ?
Cái mà Ban giám khảo và công chúng thế giới cần ở một thí sinh, đại diện cho một quốc gia, là anh ta phải tự bộc lộ được mình, tạo được hình ảnh bản sắc, cá tính, chứ đâu cần một sự copy, bắt chước dưới bất cứ hình thức nào.
Trường hợp Ngọc Tình là sự copy, bắt chước đầu tóc sọc dưa kiểu châu Phi, quả nhiên là một sai lầm không hề nhỏ khi đặt vào trường hợp là cuộc thi tầm cỡ thế giới.
Sai từ quan niệm lựa chọn người đẹp ở trong nước
Trường hợp “copy”đầu tóc của Ngọc Tình chỉ là một ví dụ. Mầm móng cho chuyện sai lầm này, thậm chí, xuất hiện ngay trong quan niệm lựa chọn chọn người đẹp ở cuộc thi trong nước.
Tôi đang muốn nhắc đến quan điểm chọn người đẹp Việt theo tiêu chuẩn với những nét đẹp hơi giống người châu Âu, nói theo ngôn ngữ thông thường là hơi Tây như mũi cao, mắt to, miệng rộng, v.v...
Quả nhiên có một xu hướng thẩm mỹ như vậy trong xã hội phương Đông nói chung và trong cộng đồng người Việt nói riêng. Nhưng nếu đem quan điểm này áp dụng trong việc chọn người đẹp để rồi đưa người đẹp đó đi thi quốc tế thì lại là một sai lầm.Hoa hậu Ngọc Khánh với vẻ đẹp khá Tây, được so sánh là có nét giống diễn viên Julia Robert.
Có thể coi đây cũng là một dạng copy tiêu chuẩn người đẹp ngoại, không đúng “nguyên mẫu” người đẹp Việt. Và, với kiểu dạng "copy", sẽ sinh ra những hệ lụy, dễ dẫn đến thất bại của mẫu thí sinh này trên đấu trường sắc đẹp quốc tế. Vì sao?
Mỗi dân tộc, tộc người có một vẻ đẹp riêng, đặc thù. Nguyên tắc phổ quát này không loại trừ bất cứ dân tộc nào quốc gia nào.
Đồng nghĩa là nếu chúng ta không đem được nét đẹp đặc thù Việt đi thi, ngược lại, dựa theo tiêu chuẩn (về cái đẹp) của ai đó, tức là chúng ta phải trực tiếp cạnh tranh với chính "mẫu hình” mà mình lựa chọn, bên cạnh việc canh tranh bình đẳng với tất cả các thí sinh còn lại. Điều đó cho thấy cơ hội của chúng ta là quá khó khăn, nếu không nói là không thể.
Sự cạnh tranh đối đầu, trực tiếp này với "cặp bài trùng” với chính thí sinh của chúng ta, theo tôi, là quá khó, vì khi đó thí sinh của chúng ta, may lắm chỉ là bản sao của họ mà thôi, làm sao đạt được vẻ đẹp tự nhiên, trời phú như họ.
Đồng nghĩa là chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội của sắc đẹp của chính chúng ta - sắc đẹp Việt, gắn với đặc thù riêng về chủng tộc và văn hóa Việt.
Xin được nói rõ hơn một chút về điều tôi nêu ngay trên đây: giới trẻ Việt hiện nay tuy có nâng mức chiều cao đáng kể, nhưng xét về hình thể người Việt khác với người Âu-Mỹ về cấu tạo thể hình, mà như nhiều nhà chuyên môn nhận xét là hình thể phụ nữ chúng ta mảnh mai hơn phụ nữ họ. Đấu trường sắc đẹp quốc tế thực chất là một hoạt động văn hóa thu nhỏ của cộng đồng quốc tế, vì thế nó không thể có hành vi đối lập là tạo ra các bản sao, các phiên bản copy
Theo đó, phụ nữ Âu-Mỹ vốn được thừa nhận là sexy, vì họ có số đo đặc biệt là vòng một đầy đặn, còn phụ nữ phương Đông, trong đó có Việt nam sexy theo cách riêng, ở những yếu tố văn hóa khác như sự uyển chuyển, dịu dàng, kín đáo mà hấp dẫn, v.v... Tóm lại, phụ nữ ta có nét đẹp tinh tế, nhẹ nhàng, có sức lôi cuốn riêng.
Vậy, tại sao chúng ta không chọn con đường thi trực tuyến, như cần phải thi, là bộc lộ chính mình, không phải cạnh tranh với "anh em đồng hao” do chúng ta tự "nhận vơ” vào? Ý tôi muốn nói là chúng ta nên tìm đến vẻ đẹp của chính người Việt, chứ không nên tìm vẻ đẹp hao hao gần với vẻ đẹp nào đó của dân tộc khác.
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”
Đấu trường sắc đẹp quốc tế hẳn nhiên là một sân chơi đòi hỏi phải nỗ lực hết mình. Cần phải dứt khoát loại trừ khả năng chiến thắng theo kiểu ăn may, chờ đợi cơ hội một cách thụ động.
"Chiếc áo không làm nên thầy tu”, không thể dùng những "chiêu, trò, mảng, miếng” nào đó không thực chất cho công việc mà mong có thành quả được.
Thi sắc đẹp quốc tế, thực chất là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng thế giới thu nhỏ. Thí sinh, theo đó, phải đem đến cuộc thi những nét đặc thù, cá tính của cái văn hóa có địa chỉ của nơi mà mình là đại diện. Nói theo cách ví von thì thí sinh đó là phần nổi của tảng băng chìm là văn hóa cộng đồng, quốc gia mà mình đại diện.
Tình cờ một lần tôi đọc được một bài viết, tác giả có một quan niệm tệ hại, đến mức không thể tệ hại hơn, xin trích một đoạn như sau:
"Và nếu như cái quan điểm là hoa hậu VN khi thi Quốc tế là phải giới thiệu văn hóa, bản sắc dân tộc VN, đề cao những giá trị truyền thống thì đừng nên kêu ca về thành tích kém cỏi vì nếu đã xác định là muốn có thành tích cao ở các giải quốc tế thì chúng ta phải chấp nhận” đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”.
(Trích bài viết nhan đề ”Nhan sắc Việt thất bại vì quá... thuần Việt?" - tác giả Donald Nguyễn, đăng trên 2Sao, ngày 21/9/2011).
Đây là một nhận định phản văn hóa và thiếu logic.Vì sao tôi nói như vậy?
1. Theo logic thông thường,nếu vứt bỏ những gì là bản sắc, truyền thống dân tộc để chạy theo một nguyên mẫu nào đó (đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy), thì liệu chúng ta có chiến thắng được chính nguyên mẫu của chúng ta không, chưa kể là cần phải đọ với các thí sinh khác trong cuộc thi.
Câu trả lời của tôi là không, như tôi đã phân tích trên đây, vì lúc đó chúng ta chỉ là bản sao của họ (nguyên mẫu), kẻ chiến thắng trong cuộc thi, do vậy, sẽ là họ (nguyên mẫu) chứ không phải chúng ta - bản sao của họ.
2. Con người sinh ra đã có nét riêng biệt, đặc thù của giống nòi, dân tộc từ hình hài bố mẹ ban cho, lớn lên thì tiếng nói, ngữ điệu, phong thái, các biểu hiện mang dấu ấn, bản sắc văn hóa cộng đồng, tộc người... Trường hợp nếu người đó là hoa hậu, về nguyên tắc, phải hội tụ tất cả những nét đẹp văn hóa đặc thù của con người dân tộc đó, quốc gia đó.
Những nét đặc thù này gắn kết với con người như hình với bóng, đâu có thể bỏ được, để rồi đi với ”bụt”, với ”ma” nào đó.Ý tôi muốn nói là việc tất yếu của thí sinh của chúng ta đi thi sắc đẹp quốc tế, là phải giới thiệu văn hóa, bản sắc dân tộc VN, đề cao những giá trị truyền thống là chuyện bình thường, tự nhiên.
3. Đấu trường sắc đẹp quốc tế thực chất là một hoạt động văn hóa thu nhỏ của cộng đồng quốc tế, vì thế nó không thể có hành vi đối lập là tạo ra các bản sao, các phiên bản copy, vì điều đó đi ngược lại quy luật phát triển văn hóa luôn luôn đòi hỏi cá tính sáng tạo, sự phong phú, đa dạng của các hiện tượng văn hóa và các giá trị văn hóa.
Nếu thí sinh của chúng ta rập khuôn theo một nguyên mẫu nào đó, và giả sử tất cả các thí sinh khác cũng chỉ làm theo một nguyên mẫu, chẳng hạn là giống chúng ta, lúc đó cuộc thi cũng bị triệt tiêu luôn.
TS Phan Quốc Linh
Bình luận