“Sáng ngày 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 03 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 01 đối tượng chống đối chết, 01 đối tượng bị thương…”.
Thông tin ngắn gọn trên từ Bộ Công an hôm qua gây bàng hoàng dư luận. Điểm nóng đất đai Đồng Tâm, sau nhiều lần tưởng đã lên đến đỉnh điểm, một lần nữa lại đạt điểm đỉnh với nhiều cái chết thật đau buồn, xót thương.
Trên VTV, Nguyễn Văn Tuyển, một người Đồng Tâm bị bắt giữ trong những người được cho đã tham gia vào nhóm chống đối lực lượng chức năng khai về kế hoạch tấn công: người cầm đầu còn đưa ra “chỉ thị” “cứ cho 3 “thằng” chết”, “không cần phải bàn cãi nhiều, cứ vào là chiến”.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 8 quả lựu đạn, hàng chục dao phóng, 20 chai bom xăng chưa sử dụng và nhiều pháo nổ.
Trong thông báo, Bộ Công an đã dùng từ “hy sinh” khi nói về 3 chiến sỹ công an, những người đã lâm nạn khi thực thi nhiệm vụ. Đó là thực tế.
Những dao phóng dài cả mét, những quả lựu đạn, những chai bom xăng tự chế,…để chống đối lại cảnh sát, liệu những người chuẩn bị những vũ khí giết người man rợ đó có còn là nhân dân? Nghe mô tả lại những cái chết của các chiến sỹ công an thật không thể tưởng tượng cái ác lại đến mức kinh hoàng như vậy. Những kẻ chống đối, giết người như vậy không thể gọi là dân lành!
Điểm nóng Đồng Tâm, lẽ ra phải có một kết cục khác, nếu hóa giải được một điểm then chốt: đất đai ở đây là đất dùng cho mục đích quốc phòng chứ không phải đất thu hồi cho doanh nghiệp làm ăn kinh doanh như ở một số điểm nóng đất đai từng diễn ra. Đất cho an ninh, quốc phòng, như nhiều văn bản quy định, phải được ưu tiên cao nhất.
Biến cố ở Đồng Tâm có thể coi bắt nguồn từ năm 1980 khi Bộ Quốc phòng được giao xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn 3 xã của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm.
Đến năm 2014, Bộ Quốc Phòng có quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tiếp nhận, quản lý, sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó có 46ha thuộc xã Đồng Tâm. Đây là khu đất đồng Sênh, nơi người dân canh tác hàng chục năm qua. Dân muốn thành phố làm rõ trắng, đen ranh giới đâu là đất nông nghiệp, đâu là đất quốc phòng và khi thu hồi cần có giấy tờ cụ thể.
Vụ việc lên đến đỉnh điểm vào ngày 15/4/2017, khi 4 người, trong đó có ông Lê Đình Kình, nguyên là Bí thư đảng ủy xã, bị bắt để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở xã Đồng Tâm. Một số công dân Đồng Tâm đã đập phá ôtô và bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, chiến sĩ công an, cảnh sát cơ động và giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành.
Sau đó, có rất nhiều kết luận về nguồn gốc đất. Chánh Thanh tra TP. Hà Nội Nguyễn An Huy khẳng định, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, cắm mốc giới bê tông cốt thép, lập các sơ đồ, bản đồ quản lý đất sân bay với 16 mốc giới, trong quá trình quản lý đã cắm dày thêm 41 mốc thành 57 mốc có tọa độ theo quy chuẩn. Việc ông Lê Đình Kình và một số công dân cho rằng phần diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là 106 ha (có đơn nêu là 96 ha) là không đúng. Theo hồ sơ quản lý đất nông nghiệp của UBND xã Đồng Tâm, xã không có đất nông nghiệp diện tích 59 ha hoặc 49 ha xứ đồng Sênh như ông Lê Đình Kình và một số công dân nêu.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra cho biết, năm 1980 chỉ có 5 hộ, sau đó mua bán chuyển nhượng trái phép thành 14 hộ. Trong số những hộ này không có hộ của ông Lê Đình Kình và những người đồng quan điểm với ông Kình. Gia đình ông Kình ở hoàn toàn cách xa diện tích sân bay. “Theo quy định của pháp luật Việt Nam, ông Kình là người không có quyền và lợi ích hợp pháp tại khu vực sân bay Miếu Môn. Vì vậy, ông không có quyền khiếu nại kết luận của thanh tra vì không phải đối tượng của cuộc thanh tra. Đối tượng của thanh tra là chính quyền các cấp TP Hà Nội, hộ sử dụng đất”, ông Thanh nói. Phó Tổng Thanh tra khẳng định, ý kiến của ông Lê Đình Kình không đúng sự thật khách quan, khiếu nại không có cơ sở. Còn 14 hộ dân đang sinh sống có đồng thuận cao phương án mới và sẵn sàng di dời ra khu đất sân bay.
Thanh tra Chính phủ là cơ quan pháp luật cao nhất phán xét tính đúng sai cũng đã có kết luận đây là đất quốc phòng. Rất tiếc, việc xử lý trước đây không rốt ráo, nhất là việc tổ chức chống đối, bắt giữ hàng chục cảnh sát cơ động là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Người dân vị phạm pháp luật như thế lẽ ra bị trừng trị, xử lý thì mới giữ được kỷ cương, phép nước và rất có thể sẽ không dẫn đến hậu quả bi thảm lần này.
Bình luận