• Zalo

Đăng ảnh trẻ em lên mạng sẽ bị phạt: Lo ngại khó thực thi vì thói quen của cha mẹ Việt

Pháp luậtThứ Năm, 01/06/2017 07:35:00 +07:00Google News

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Kết nối, Hà Nội) lo ngại Luật Trẻ em sẽ không đi vào cuộc sống thực tế vì đại đa số người Việt Nam đều có thói quen đăng ảnh, thông tin con lên mạng.

Luật trẻ em có hiệu lực chính thức từ ngày 1/6/2017, nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ (từ 7 tuổi trở lên) và của cha, mẹ, người giám hộ trẻ.

IMG_3100

 Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Kết nối, Hà Nội) cho biết, trước khi Luật trẻ em 2016 được ban hành, tại điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định rất rõ về Quyền cá nhân đối với hình ảnh.

Cụ thể: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Luật sư Hùng cho rằng, Luật trẻ em năm 2016 chỉ là cụ thể hóa quy định tại Bộ luật Dân sự 2016 chứ không phải là quy định gì mới hay mang tính chất đột phá.

Người Việt Nam rất hay có thói quen đăng hình ảnh, thông tin của con lên mạng, điều này diễn ra như một thói quen, đặc quyền của bố mẹ. Như vậy, mục đích có thể là rất tốt, thể hiện sự quan tâm, tự hào đối với con cái. Tuy nhiên, việc làm này đã vô tình để bố mẹ đã vi phạm pháp luật mà không hề hay biết.

“Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn tới các hiện tượng như bắt cóc, tống tiền ... đối với trẻ nhỏ”, luật sư Hùng nói.

Để giảm thiểu việc đăng tải hình ảnh, thông tin con lên mạng xã hội, ngoài các quy định pháp luật hiện hành tạo hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em, cần mở rộng nhiều hình thức giáo dục, tuyên truyền pháp luật đối với bố mẹ trong việc bảo vệ quyền đối với hình ảnh, thông tin của con.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng bổ sung thêm thẩm quyền xử lý, xử phạt cho các cơ quan bảo vệ trẻ em khi họ phát hiện ra các hành vi vi phạm của bố mẹ.

Ở các nước Phương Tây, khi con cái lớn và phát hiện bố mẹ có hành vi xâm phạm hình ảnh, thông tin bí mật, họ sẵn sàng khởi kiện bố mẹ ra Tòa. Vậy nên, bố mẹ cũng có ý thức tôn trọng các quyền này của con cái nên ít khi vi phạm.

Luật sư Hùng lo ngại Luật Trẻ em sẽ không đi vào cuộc sống thực tế. Đại đa số người Việt Nam đều có thói quen đăng ảnh, thông tin con lên mạng. Sau này, khi con cái trưởng thành kiện cáo đòi bố mẹ phải xin lỗi, gỡ ảnh, thông tin xuống và bồi thường thiệt hại là điều rất khó xảy ra. Như vậy, bản thân con cái thực tế cũng hề phản đối hay khởi kiện bố mẹ.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng đưa ra lời khuyên: “Bố mẹ nên cẩn trọng hơn khi đăng hình ảnh, thông tin con cái lên mạng xã hội. Nếu đăng để lưu lại hình ảnh, bố mẹ nên để ở chế độ riêng tư chỉ những người thân trong gia đình được xem. Như vậy, tránh tiết lộ thông tin lên cộng đồng để kẻ xấu lợi dụng bắt cóc, tống tiến, hoặc ảnh hưởng tới tâm, sinh lý của trẻ nhỏ sau này”.

Về hệ quả của việc đưa hình ảnh, thông tin trẻ lên mạng, luật sư Hùng phân tích: Về mặt pháp luật, con cái có quyền khởi kiện bố mẹ khi đủ tuổi vị thành niên (18 tuổi) để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự. Ở đây, con cái có thể buộc bố mẹ xin lỗi công khai và tháo gỡ thông tin, hình ảnh đó xuống.

Về mặt xã hội có thể là cơ hội kẻ xấu sẽ lợi dụng bắt cóc, tống tiền, bôi nhọ danh dự con cái...

Video: Từ 1/6, đăng ảnh trẻ em lên mạng xã hội coi chừng bị hầu tòa

Thầy Trần Anh Sơn (giáo viên trường THPT Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh) cho rằng, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, lại không có khả năng hay kỹ năng tự vệ nên cần được gia đình, pháp luật và toàn xã hội bảo vệ.

Theo thầy, việc đưa hình ảnh, thông tin trẻ em lên mạng dễ dẫn đến việc trẻ cảm thấy bị tổn thương. Ngoài ra, chính điều này sẽ tạo cơ hội cho kẻ xấu bắt cóc, tống tiền hay xâm hại tình dục.

“Chúng ta cần hiểu và bảo vệ trẻ em bằng cách bảo mật thông tin của trẻ, hạn chế và thậm chí không được công khai trên mạng”, thầy Sơn nói.

Chị Nguyễn Thị Loan (một phụ huynh tại Thái Bình) đồng ý với Luật trẻ em được áp dụng từ ngày 1/6/2017.

Việc đưa hình ảnh, thông tin của trẻ em lên mạng, phần nào phụ huynh đã vô tình tiết lộ những thông tin cơ bản về đứa trẻ, gia đình, người thân. Từ đó, kẻ gian biết và tìm theo thông tin đến nhà hay trường học để thực hiện những hành vi xấu như bắt cóc tống tiền, bán trẻ em qua biên giới.

Vậy nên, việc áp dụng quyền trẻ em từ ngày 1/6/2017 là góp phần bảo vệ sự an toàn về tính mạng, chỗ ở, thân thể cho trẻ em nói chung và con mình nói riêng.

Từ ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực. Theo đó, luật nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Từ ngày 1/72017, Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều hướng dẫn thi hành Luật trẻ em cũng sẽ có hiệu lực.

Nghị định quy định rõ thông tin bí mật đời tư của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, địa chỉ thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em.

> > > Đọc thêm: Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017: Ba điểm 'gây bão'

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn