Hầu hết ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng, đa số các giải pháp mà Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đề xuất nhằm hạn chế số lượng phương tiện đăng ký mới thiếu thực tế và khó khả thi.
Cấp hạn ngạch ôtô, xe máy?
Với đề xuất cấp hạn ngạch, trong đó chỉ cấp đăng ký phương tiện ở số lượng giới hạn mỗi năm. Người muốn mua xe phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe, cùng với đó là thu phí ra vào khu vực trung tâm thành phố.
Trên thế giới đã có một số thành phố như Singapore, London (Anh), Stockholm (Thụy Điển) áp dụng thành công giải pháp đấu giá quyền lưu hành xe. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không thể nói Singapore hay London... triển khai hiệu quả thì áp dụng tại Việt Nam được bởi mỗi nơi có những đặc thù giao thông riêng.
Ở Singapore, London, Stockholm từ lâu đã có một hệ thống vận tải hành khách công cộng phát triển mạnh, chất lượng tốt đáp ứng hầu hết nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, hạn chế phương tiện cá nhân rất dễ dàng, không làm xáo trộn đời sống kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, các phương tiện cá nhân tại những quốc gia trên đều đứng tên chính chủ, không có chuyện người khác đứng thay, hay mua xe đang sử dụng mà không cần phải sang tên đổi chủ như tại Việt Nam.
Ở Việt Nam áp dụng các giải pháp trên rất khó thành công. Nếu Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thực hiện đấu giá quyền mua xe, chỉ những người trả giá cao mới được mua, thì sẽ chẳng có ai tham gia đấu giá, mà người ta sẽ làm theo cách khác. Đó là nhờ người ở các địa phương khác đứng tên đăng ký xe hoặc mua xe cũ nhưng không sang tên đổi chủ và đưa về thành phố lưu thông.
Tình trạng tắc đường ở Việt Nam mãi vẫn không giải quyết được. |
Thực tế, điều đó đã xảy ra tại Hà Nội năm 2004, khi áp dụng giải pháp tạm ngừng đăng ký xe gắn máy tại các quận nội thành. Khi đó xuất hiện dịch vụ đứng ra đăng ký thuê. Người mua cứ bỏ tiền mua xe, sau đó cò mồi sẽ nhờ người tại các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận như Hà Tây, Vĩnh phúc, Nam Định... đứng tên đăng ký với 1 khoản chi phí khoảng 500.000 đồng/xe.
Khi đó Hà Nội tràn ngập xe máy mang biển ngoại tỉnh và tắc đường vẫn không giải quyết được, còn dân thì mua xe mà không được đứng tên mình.
Thu phí
Với giải pháp thu phí xe vào trung tâm, TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng đã có dự án và dự kiến áp dụng thử nghiệm, nhưng sau đó lại rơi vào quên lãng.
Cách đây 3 năm chính TP. Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất áp dụng thu phí ô tô vào trung tâm. Sẽ xây dựng 36 cổng thu phí tự động xung quanh khu vực hạn chế trên các tuyến đường bao quanh quận 1 và quận 3 và vùng giáp ranh với quận 5, 10. Lắp đặt các thiết bị tính phí và camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe.
TP.HCM và Hà Nội cũng đã có dự án và dự kiến áp dụng giải pháp thu phí xe vào trung tâm. |
Tổng mức đầu tư của toàn dự án khoảng 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp khi chưa có quy định về thu phí lưu thông vào trung tâm thành phố và xử phạt xe không đóng phí, do đó công an không thể xử lý được. Muốn thực hiện cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung phí này vào danh mục sau đó, Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung, hướng dẫn triển khai...
Việc thu phí hiện tại mới chỉ sử dụng các phương pháp thủ công, chưa có điều kiện thu phí tự động dẫn tới việc phải tăng cường lực lượng Thanh tra giao thông, cảnh sát mới có thể thu được.
Hệ quả là rất dễ dẫn tới ùn tắc cục bộ tại các chốt thu phí. Còn nếu thu phí tự động thì phải đầu tư kinh phí rất lớn, bao gồm trang thiết bị tại các chốt và thiết bị gắn trên xe ô tô mà hiện tại ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn cả về quy định pháp lý và cần có lộ trình để thực hiện.
Ngoài ra, giải pháp này còn tạo ra những tác động khác như làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa vào khu vực nội thành. Ở Q.1 và 3, có nhiều siêu thị, cửa hàng... Cứ mỗi lần xe vận chuyển hàng hóa đến lại bị thu phí, thì chi phí vận chuyển sẽ tăng cao, kéo giá cả hàng hóa tăng theo.
Mặt khác, thành phố cũng chưa có nhiều bãi đậu xe cả trong trung tâm và phía ngoài nội thành nên khi triển khai dự án người dân sẽ không biết phải để xe ở đâu.
Không những thế, hạn chế ô tô, trong khi giao thông công cộng không đáp ứng được nhu cầu đi lại, sẽ làm tăng các phương tiện giao thông cá nhân khác như xe máy, xe 3 bánh...càng làm rối thêm.
Vì vậy, các giải pháp này đã không đưa ra áp dụng thử nghiệm. Hơn ai hết, Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh hiểu rõ vấn đề này, không hiểu vì sao lại tiếp tục đề xuất giải pháp này thêm lần nữa?
Ngay cả đề nghị ban hành quy định niên hạn sử dụng đối với xe gắn máy, cũng được cho là khó thực hiện. Trước đây, các cơ quan chức năng cũng đã có đề xuất quy định niên hạn với xe máy là 8 năm hoặc 100.000 km, nhưng gặp rất nhiều sự phản đối.
Video tắc đường kinh hoàng ở khu du lịch Đại Nam
Có ý kiến cho rằng nước ta có nhiều gia đình nghèo sử dụng xe cũ làm phương tiện đi lại, làm ăn, nếu áp dụng niên hạn xe máy đối tượng này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì vậy cần xem xét kỹ lưỡng. Ngược lại, có ý kiến không đồng tình, cho rằng không nên quy định niên hạn, chỉ nên quy định tiêu chuẩn khí thải và thu phí khí thải. Xe càng cũ thu phí khí thải càng cao để hạn chế người dân sử dụng, giống như nhiều nước trên thế giới đang áp dụng...
Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang tiếp tục nghiên cứu kỹ vấn đề này, chưa biết khi nào sẽ áp dụng và có áp dụng được không?
Theo VNN
Bình luận