Ủy ban đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2021 cho Maria Ressa và Dmitry Muratov "vì những nỗ lực của họ trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, vốn là điều kiện tiên quyết cho dân chủ và hòa bình lâu dài".
Dmitry Muratov
Khi nhìn thấy số điện thoại từ Thụy Điển (thông báo trao giải Nobel), ông Muratov tưởng đó là cuộc gọi rác. Ông nói giải thưởng là sự công nhận áp lực ngày càng tăng đối với các nhà báo.
Theo The Moscow Times, Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov chúc mừng ông Muratov, nói ông "can đảm" và "dũng cảm".
Muratov sinh năm 1961 tại Kuybyshev, Liên Xô (nay là Samara, Nga). Theo Ủy ban Nobel, nhà báo này được cho là "nhiều thập kỷ đã bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Nga trong những điều kiện ngày càng thách thức".
Ông Muratov là người Nga thứ 3 được trao giải Nobel Hòa Bình. Hai người trước đó là nhà hoạt động nhân quyền Andrei Sakharov và Tổng thống đầu tiên của Liên bang Xô Viết (USSR), Mikhail Gorbachev.
Năm 1993, ông Muratov cùng với một số đồng nghiệp phóng viên ở báo Komsomolskaya Pravda tách ra sáng lập tờ Novaja Gazeta. Ông giữ chức vụ tổng biên tập của tờ báo từ 1995.
Ban đầu ông Mikhail Gorbachev sử dụng số tiền từ giải Nobel Hòa bình năm 1990 của mình để giúp tài trợ một phần cho Novaya. Báo cũng được một cổ đông của RT, Alexander Lebedev, hỗ trợ tài chính.
Novaja Gazeta đã xuất bản các bài báo về các vấn đề từ tham nhũng, bạo lực trong cảnh sát, bắt giữ trái pháp luật đến gian lận bầu cử. Trong những năm qua, nhiều nhà báo của Novaya Gazeta bị sát hại.
Giải Nobel Hòa bình không phải là giải thưởng đầu tiên của Muratov. Năm 2007, ông nhận được Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế từ Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ tại Mỹ) và năm 2010 được trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp.
Maria Ressa
Phát biểu trên trang Facebook Live của Rappler, bà Ressa cho biết bà hy vọng giải thưởng là sự “công nhận về việc ngày nay trở thành một nhà báo khó khăn như thế nào”. Nhà báo Philippines là người phụ nữ thứ 18 đạt giải Nobel Hòa Bình.
Theo Ủy ban Nobel, “Ressa đã thể hiện mình là một người bảo vệ quyền tự do ngôn luận không sợ hãi”.
Maria Ressa sinh ngày 2/10/1963 tại Manila, Philippines. Sau khi tốt nghiệp năm 1986, bà được trao học bổng Fulbright để theo học về chính trị tại Manila. Bà đồng sáng lập Rappler, một hãng truyền thông kỹ thuật số dành cho lĩnh vực báo chí điều tra năm 2012 ở Philippines.
Theo Rappler, trước khi thành lập tờ báo này, bà Ressa tập trung điều tra khủng bố ở Đông Nam Á. Bà đã mở và điều hành văn phòng CNN tại Manila trong gần một thập kỷ.
Là một nhà báo và là giám đốc điều hành của Rappler, Ressa thể hiện quan điểm với các vấn đề như chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Duterte, hay sự lan truyền tin giả trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Liên quan đến vấn đề chống "tin giả", bà được vinh danh là Nhân vật của năm 2018 của Tạp chí Time, nằm trong số 100 Người có ảnh hưởng nhất năm 2019 và cũng được vinh danh là một trong những Phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế kỷ của Tạp chí Time.
Bà cũng nhận được nhiều giải thưởng báo chí như giải Tự do Báo chí John Aubuchon, giải Tucholsky, giải thưởng từ Hiệp hội Báo chí và Nhà xuất bản Tin tức Thế giới, giải thưởng Sergei Magnitsky cho Báo chí điều tra.
Theo WSJ, năm ngoái, bà Ressa bị cáo buộc tội phỉ báng trên mạng vì một bài báo trên Rappler. Bài báo cho rằng một doanh nhân nổi tiếng đã bị chính phủ giám sát vì liên quan đến các hoạt động tội phạm, bao gồm buôn lậu ma túy và buôn người. Bà và người viết bài, Reynaldo Santos Jr., phải đối mặt với án tù lên đến sáu năm. Hai người hiện được tại ngoại trong khi chờ kháng cáo tại tòa án cấp cao hơn.
101 giải Nobel Hòa bình đã được trao kể từ năm 1901. Không có giải Nobel Hòa bình trong các năm 1914-1916, 1918, 1923, 1924, 1928, 1932, 1939-1943, 1948, 1955-1956, 1966-1967 và 1972.
Cho đến nay, người đoạt giải Nobel Hòa bình trẻ nhất là Malala Yousafzai, được trao giải năm 2014 khi mới 17 tuổi. Người đoạt giải lớn tuổi nhất cho đến nay là Joseph Rotblat, 87 tuổi khi ông được trao giải vào năm 1995.
Bình luận