• Zalo

Hạ tầng hàng không cần 480 nghìn tỷ đồng

Đầu TưThứ Tư, 23/03/2022 07:10:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng sân bay giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 479,6 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội cần huy động là 204.615 tỷ đồng.

Thông tin được đưa ra tại quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, trong tổng số vốn trên, nhu cầu vốn đầu tư các công trình thiết yếu của cảng hàng không giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 403,1 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 76.500 tỷ đồng.

Hạ tầng hàng không cần 480 nghìn tỷ đồng - 1

Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD. 

Trong số này, ngoài 109 nghìn tỷ đồng đầu tư cho sân bay Long Thành thì số tiền đầu tư khu phía Bắc, nhà ga hành khách T3 và khu bay phía Nam của sân bay Nội Bài là hơn 96,5 nghìn tỷ đồng.

Những sân bay có nhu cầu đầu tư từ 10 nghìn tỷ đồng trở lên gồm: Tân Sơn Nhất (hơn 12,2 nghìn tỷ đồng), Cam Ranh (gần 20 nghìn tỷ đồng), Đà Nẵng (hơn 18,8 nghìn tỷ đồng), Cát Bi (hơn 10,6 nghìn tỷ đồng), Vinh (hơn 14,4 nghìn tỷ đồng), Phú Bài (hơn 13,3 nghìn tỷ đồng), Phú Quốc (hơn 12,6 nghìn tỷ đồng), Phan Thiết (gần 11 nghìn tỷ đồng). Khoản tiền đầu tư cho các sân bay trên chủ yếu tập trung vào đường lăn, sân đỗ, nhà ga. Riêng sân bay Phan Thiết là đầu tư mới.

Theo Nghị định 05 của Chính phủ, trừ các công trình thuộc khu bay (không bao gồm sân đỗ) do nhà nước trực tiếp đầu tư, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có trách nhiệm đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu tại 21 cảng hàng không do ACV đang quản lý và khai thác.

Trường hợp ACV không thực hiện việc đầu tư theo kế hoạch phát triển sân bay được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, Bộ sẽ đề xuất, kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp theo quy định của pháp luật.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn