(VTC News) – Đến năm 2020, nhu cầu quỹ đất bổ sung để xây dựng các công trình hạ tầng thương mại là 2.260,42 ha.
Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và được UBND TP Hà Nội trình HĐND TP Hà Nội xem xét tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XIV (3-5/4/2012).
Theo đề án này, đến năm 2020 nhu cầu quỹ đất bổ sung để xây dựng các công trình hạ tầng thương mại là 2.260,42 ha, trong đó, riêng quỹ đất cho Trung tâm thương mại và siêu thị là 1.920,30 ha; Từ nay đến năm 2020, TP Hà Nội đầu tư xây dựng hơn 900 siêu thị (Ảnh: VC).
Ngoài ra, chợ đầu mối nông sản, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh 200,50 ha; cửa hàng kinh doanh xăng dầu 51,67 ha và cơ sở giết mổ gia súc gia cầm 87,95 ha.
Cũng theo đề án này, từ nay đến năm 2020 Hà Nội sẽ có thêm 946 siêu thị, 35 trung tâm thương mại, 45 trung tâm mua sắm.
Cùng với đó, trong danh mục các dự án đầu tư trọng điểm của TP đến 2020 có thêm 5 chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng tại các khu vực KĐT Long Biên - Gia Lâm, KĐT Mê Linh, ĐT Phú Xuyên, huyện Quốc Oai, thị xã Sơn Tây với diện tích từ 20-30ha/chợ; 8 trung tâm bán buôn cấp vùng tại các khu vực KĐT Long Biên - Gia Lâm, Hòa Lạc, Phú Xuyên, huyện Sóc Sơn, thị trấn Chúc Sơn - huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ, Quốc Oai, TX Sơn Tây với diện tích 20ha/dự án;
TP cũng dành quỹ đất để xây dựng 1 trung tâm tài chính, ngân hàng tín dụng; 1 trung tâm thương mại cấp vùng; 2 trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; 2 trung tâm mua sắm cấp vùng, 4 trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, 3 trung tâm dịch vụ quốc tế (thương mại, tổng kho, vui chơi giải trí, du lịch);1 trung tâm logistics; 2 trung tâm thương mại tổng hợp cấp TP.
Tổng mức đầu tư xây dựng các công trình thương mại của TP đến năm 2030 là 521.187 tỷ đồng.
Theo định hướng phân bố cơ cấu bán buôn, bán lẻ thì có 4 vành đai, trong đó vành đai 1 là các cửa hàng tiện lợi, siêu thị hạng 2 và hạng 3, cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm nhỏ, chợ bán lẻ, đường phố thương mại; Vành đai 2 là siêu thị hạng 1 và hạng 2, trung tâm mua sắm quy mô vừa, trung tâm thương mại vừa, chợ trung tâm; Vành đai 3-4 là đại siêu thị, các khu trung tâm thương mại lớn, trung tâm mua sắm lớn, kho bán buôn, trung tâm logistics, chợ bán buôn nông sản, sàn giao dịch, trung tâm hội chợ triển lãm.
UBND TP Hà Nội cho biết, mục tiêu đề án nhằm đưa Hà Nội trở thành trung tâm thương mại lớn (bao gồm cả bán buôn và bán lẻ), trung tâm về giao thương và kinh tế của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Thảo luận về đề án này chiều 3/4 một số ý kiến ĐB HĐND TP Hà Nội cho rằng không nên “biến” Hà Nội thành nơi bán buôn vì như thế sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, theo đó, nên để Hà Nội là nơi gặp gỡ, trao đổi, ký kết các hợp đồng thương mại. Có ĐB đề nghị không nên đưa đại siêu thị vào nội thành mà nên bố trí ra ngoại thành để không kéo đông người vào TP, gây bức xúc về giao thông.
Kiều Minh
Bình luận