Trong chương trình Phía sau màn nhung, những tâm sự của NSND Lê Khanh cho khán giả thấy được những góc khác đằng sau sự nổi tiếng của chị. Khán giả cũng thấy ngoài những vai chính kịch, chị cũng diễn hài đầy duyên dáng.
NSND Lê Khanh chia sẻ, 7 tuổi chị đã không để tâm với học văn hoá, lúc nào đầu óc cũng như "trên mây trên gió" nghĩ về các vai diễn. Khi đoàn của bố và mẹ NSND Lê Khanh (nghệ sĩ Lê Mai và Trần Tiến - PV) có buổi biểu diễn, nhất là vở diễn nào có cảnh các em bé, kiểu như vẫy cờ chào mừng thì chị sẽ được tham gia.
Những lần như thế, NSND đều ăn cơm rất nhanh, giữ sức khoẻ thật tốt và phải thật là ngoan mới được diễn. NSND Lê Khanh bảo chị không được ốm vì nếu ốm sẽ có người khác thay. Bé như thế nhưng NSND Lê Khanh đã có tình yêu với diễn xuất. "Mê mẩn, trên cả yêu, lạ lùng và ám ảnh", NSND Lê Khanh chia sẻ.
Có bệ đỡ là cả bố và mẹ đều làm nghệ thuật, lại làm trong Nhà hát Kịch Trung ương (Nhà hát Kịch Việt Nam) và Nhà hát Kịch Hà Nội nên dường như thành công tới với NSND Lê Khanh là tất yếu. Nhưng nữ nghệ sĩ bảo "oan lắm, thất bại thường xuyên, thất bại hàng ngày".
"Hàng ngày tôi phải vượt qua toàn những đỉnh rất khắc nghiệt. Hiếm người nào biết được sự khắc nghiệt, trắc trở, gập ghềnh và gian khó thực sự. Mọi người cứ tưởng mọi thứ tới với tôi dễ dàng. Chỉ có tôi và người thân mới biết nó thực sự như thế nào. Thật ra cuộc sống của những người nghệ sĩ nó cực ở chỗ, chúng tôi không có đỉnh cao. Thành công của ngày hôm nay thì ngày mai lại mất rồi, lại vào một cái gì đó mới, sểnh tay một tí, mệt mỏi một tí, lười một tí, thất bại luôn", NSND Lê Khanh chia sẻ.
NSND Lê Khanh kể, có vai diễn mà đã khiến chị từ kỳ vọng trở nên thất vọng. Đó là năm 1986, khi Nhà hát Tuổi trẻ có dự án hợp tác giao lưu văn hoá với Pháp. Lê Khanh được phân vào vai Janda trong vở Chim sơn ca. Khi đọc kịch bản chị vô cùng ngưỡng mộ bởi tại sao trên thế giới này lại có người con gái anh hùng đến như thế.
"Tất cả đam mê của tôi dồn vào vai đó nhưng tới ngày đạo diễn người Pháp sang để nghiệm thu vở diễn thì ông ấy lặng người đi vì không phải Janda mà ông ấy mong muốn. Trên cả sốc, tôi còn không nghe được chính mình nói gì. Mọi người có thể hình dung mọi cố gắng của tôi dồn vào vai đó, mà giờ như gáo nước lạnh đổ vào người. Tôi lúc đó mặt đỏ bừng, run nữa. Sau tôi tự nhủ dù gì mình ở Việt Nam, còn ông ấy tận Pháp, có ai biết mình là ai đâu, tại sao mình lại kiêu căng, mình ngộ nhận về mình như thế được.
Tôi ngồi lặng lẽ cuối rạp, nơi tối nhất để không ai nhìn thấy mình hàng ngày theo dõi mọi người tập. Chắc ông đạo diễn thương, thấy con bé này cũng ngoan nên bảo tôi có muốn diễn một đoạn ngẫu hứng này không? Bình thường tôi nhát nhưng lúc đó không hiểu sao táo tợn gật đầu luôn. Có hai phút và tôi cứ thế băng băng diễn như thể đã nhuần nhuyễn cả 100 đêm rồi", NSND Lê Khanh chia sẻ.
Sau đó, vở diễn đã gây tiếng vang như làm một hiện tượng của sân khấu. Đây cũng là vai diễn bản lề trong sự nghiệp của NSND Lê Khanh. Nếu không hoá thân vào Janda, NSND Lê Khanh bảo chị không có biên độ nhân vật nhiều tính cách như bây giờ. "Nó là một bước chuyển và trong đào tạo, tôi cũng nói khá nhiều với sinh viên khi giảng dạy bởi phải vượt qua chính mình, kiên trì và nhẫn nại".
Suốt chặng đường nghệ thuật đầy vinh quang và gặt hái được nhiều huy chương, NSND bảo, huy chương mà chị coi trọng, hồi hộp nhất, căng thẳng nhất là huy chương tình cảm để lại trong lòng khán giả. "Chỉ khán giả mới biết được vai này thực sự thành công hay thất bại. Có nhiều vai có huy chương nhưng không thành công lắm", NSND Lê Khanh nói.
Chị kể về khó khăn khi vào vai Đan Thiềm trong vở Vũ Như Tô của cố tác giả Nguyễn Huy Tưởng. Vũ Như Tô là kiến trúc sư của Thành Thăng Long xuất hiện, bị cùm đưa vào tù chỉ vì lý do kiêu ngạo. Nhưng chỉ có Đan Thiềm - một cung nữ bị bỏ quên mới biết được Vũ Như Tô có tài như thế nào để giúp đất nước.
"Tác phẩm văn học đó đã gây tiếng vang lớn, tôi được phân vào vai đó - nhân vật có ảnh hưởng lớn trong văn đàn. Thêm nữa, bao nhiêu năm vở Vũ Như Tô không được lên sân khấu bởi vì không tìm được vai Đan Thiềm. Nhưng khi đọc kịch bản lời thoại có vài lời, tôi thực sự không biết diễn thế nào. Tôi tìm tới đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi tâm sự nhưng ông cũng bảo 'con cứ nghĩ đi, con làm được'. Đến NSND Phạm Thị Thành cũng nói tôi như thế.
Mọi thứ như treo trên đầu tôi. Tôi nhủ, bây giờ mình phải diễn một nhân vật tư tưởng. Nhưng trên sân khấu không ai chấp nhận một nhân vật tư tưởng. Tôi phải nói ra đó là lời nói của Đan Thiềm bằng xương bằng thịt, phải có sự xúc động về tâm linh. Tôi phải truy tìm xuất thân của nhân vật, dựng lên một lý lịch căn cơ,... Nói chung người nghệ sĩ muốn hoá thân vào nhân vật phải kỳ công như thế", NSND Lê Khanh nói.
Bình luận