Workshop “Sức sống mới cho không gian xưa cũ” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức ngày 28/12 tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội.
Workshop nằm trong khuôn khổ Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo” (từ 24/21 đến hết 31/12/2021) do UBND TP Hà Nội, Hội KTS Việt Nam chỉ đạo Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc - Hội KTS Việt Nam phối hợp cùng Unesco, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo 2021 nhằm tạo nên một cuộc đối thoại đa chiều, hấp dẫn giữa các ngành nghệ thuật sáng tạo với một không gian thấm đẫm tính giao thoa văn hoá và nghệ thuật.
Workshop quy tụ hơn 40 sinh viên tiêu biểu, đến từ 7 Xưởng học Thiết kế của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Các nhóm đề xuất ý tưởng sáng tạo về chức năng, thành phần kiến trúc bổ sung, cảnh quan, điêu khắc … nhằm giúp Trung tâm văn hóa nghệ thuật Hà Nội sống động nhưng không làm mất đi giá trị lịch sự.
Đây là một trong số rất ít các địa điểm cổ có kiến trúc đẹp, không gian trống phía trước và xung quanh. Tuy nhiên do mới được trùng tu nên công trình chưa có các hoạt động đi kèm và các không gian nội, ngoại thất còn sơ sài. Vì thế, thiếu đi sức sống của một công trình mang tính cộng đồng.
Rất nhiều ý tưởng hội tụ, kết nối, liên kết hệ thống công trình văn hoá trong khu phố cổ, sáng tạo dựa trên tôn trọng lịch sử, bản sắc văn hoá … đã được các nhóm đề xuất trong Workshop. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 1 Giải Nhất, 1 Giải Nhì, 1 Giải Ba và 4 Giải Khuyến khích cho các nhóm.
Trước đó, ngày 13/12, các nhóm có buổi tham quan thực tiễn công trình. Tìm hiểu, phân tích kỹ lưỡng và sâu sắc từng thời kỳ lịch sử gắn với công trình. Những kiến trúc cổ, kiến trúc phục chế theo các giai đoạn. Điều này chứng minh tính chuẩn xác khoa học và tinh thần đào sâu nghiên cứu của thế hệ “kiến trúc sư – sinh viên”.
Năm 2020, UBND TP Hà Nội, Hội KTS Việt Nam đã chỉ đạo Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam phối hợp với Tổ chức Vì một Hà Nội đáng sống (ECUE), UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Cuộc thi thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội. Sau 18 tháng phát động, Cuộc thi nhận được 93 phương án của 3 hạng mục, hạng mục dự thi: Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo; Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng; Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống. Hội đồng Giám khảo đã chọn được 18 giải trong sự trao đổi về chuyên môn sâu sắc nhất.
Với mong muốn tôn vinh kết quả của Cuộc thi, đồng thời, tạo nên sự kiện văn hoá nghệ thuật khơi nguồn, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo cộng đồng, Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo 2021”được tổ chức với kỳ vọng sẽ tạo nên một cuộc đối thoại đa chiều hấp dẫn giữa các ngành nghệ thuật sáng tạo.
Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo 2021 bao gồm không gian triển lãm và trình diễn từ thiết kế thời trang, nghệ thuật thư pháp, ký họa, âm nhạc thử nghiệm, sắp đặt trình diễn video art, nghệ thuật sân khấu truyền thống thử nghiệm… tới điểm nhấn trưng bày các giải pháp ý tưởng kiến trúc tại cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội.
BTC mong muốn thế hệ trẻ, đặc biệt các bạn sinh viên Kiến trúc “thổi luồng gió mới” cho di sản Hà Nội, đề xuất ý tưởng sáng tạo kiến trúc, bằng trí tuệ và tình yêu, mang vào những công trình cổ “linh hồn” mới, sống động cho Thủ đô.
Trong khuôn khổ sự kiện, còn có các buổi tọa đàm, chia sẻ của các nghệ sĩ, kiến trúc sư, chuyên gia về các chủ đề xuyên suốt liên quan đến sáng tạo lấy cảm hứng từ các giá trị di sản truyền thống và bản địa trong đời sống đương đại và công nghệ…
Khơi nguồn sáng tạo 2021 còn là cuộc trao đổi cởi mở của các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư, nhằm đánh giá một cách khách quan các tiềm năng, lợi thế, các cơ hội, thách thức; thúc đẩy việc hình thành các cộng đồng sáng tạo, tìm kiếm các ý tưởng thiết kế và khai thác các không gian sáng tạo của Thủ đô Hà Nội, nâng cao vị thế cạnh tranh của Hà Nội với các đô thị trong vùng và trong khu vực.
Các hoạt động Workshop, tọa đàm sinh viên Kiến trúc là “mắt xích” quan trọng giúp kết nối giới trẻ với các hoạt động văn hóa, tìm kiếm các ý tưởng thiết kế và khai thác các không gian sáng tạo của Thủ đô.
Bình luận