Ngày 20/7/2010, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 44-CT/TW về công tác nhân quyền trong tình hình mới. Trong đó có yêu cầu “Nghiên cứu đưa nội dung về nhân quyền vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Xây dựng nội dung tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về nhân quyền phù hợp với từng đối tượng trong xã hội.”
Giáo dục quyền con người tại các nhà trường gồm các hoạt động giảng dạy, đào tạo mang tính hệ thống và chính quy, còn giáo dục nhân quyền ngoài nhà trường, mà cơ bản là trong các tổ chức chính trị và xã hội gồm các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin, sinh hoạt chuyên đề và tập huấn nhằm bồi dưỡng kiến thức là chủ yếu.
Hoạt động giáo dục nhân quyền góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức và năng lực về quyền con người cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, mà không thể hoặc không còn cơ hội học tập ở hệ thống nhà trường.
Việc vận dụng quan điểm của Đại hội XII của Đảng vào giáo dục quyền con người trong các tổ chức chính trị, xã hội ở Việt Nam hiện nay, có thể được thực hiện theo hướng bám sát đối tượng và phạm vi nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn và đưa thực tiễn vào giảng dạy để kết nối người dạy và người học.
Cùng với đó là việc thiết kế bài giảng phù hợp với người học. Cách tiếp cận dựa trên quyền con người và cả kiến thức nhân quyền được lồng ghép trong cách tiếp cận, phương pháp và kiến thức chuyên ngành chính trị và xã hội sẽ làm cho các lĩnh vực chính trị và xã hội thấm đẫm đặc điểm vì con người, do đó sống động hơn, và có tính hướng dẫn thực tế hiệu quả hơn.
Việc vận dụng quan điểm của Đại hội XII của Đảng vào giáo dục quyền con người trong các tổ chức chính trị, xã hội ở Việt Nam cũng được thực hiện theo hướng nghiên cứu và tham chiếu hợp lý một số tài liệu cơ bản về quyền con người.
Cần tập trung lựa chọn tài liệu dưới dạng giáo trình về lý luận và pháp luật nhân quyền nhờ đó có thể hiểu đúng thực chất, chính xác các quan điểm, nguyên lý, cơ sở lý luận tin cậy nhất trong quá trình nghiên cứu việc lồng ghép cách tiếp cận dựa trên quyền con người vào việc biên soạn và thực hiện bài giảng.
Cùng với đó là cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học.
Để thực hiện cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong giáo dục tại các tổ chức chính trị và xã hội, đòi hỏi phải vận dụng sáng tạo kiến thức của các môn khoa học chính trị và xã hội. Mà các môn này thường nặng về lý luận, có tính trừu tượng và tính khái quát cao.
Ngoài việc phải làm rõ những tri thức khoa học với nhiều thuật ngữ, khái niệm, phạm trù, tính quy luật, còn phải chuyển tải đến người học nhiều nội dung quan trọng trong đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Tiếp đó, cần chú ý liên hệ với thực tiễn trong nước và quốc tế, với đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của của Đảng, Nhà nước.
Đối với mỗi vấn đề thực tiễn, khi giảng dạy cần giúp học viên nhận thức, lý giải vấn đề một cách khách quan, toàn diện, biết đánh giá vấn đề từ các góc nhìn đa chiều, biết gắn thực tiễn với lý luận trong nước và quốc tế.
Nhờ đó, giúp họ ý thức sâu sắc hơn về các vấn đề chính trị, xã hội thường gắn với nhân quyền; và vấn đề nhân quyền, tuy là một vấn đề cơ bản, có tính thường trực trong mỗi cá nhân và cộng đồng, song quá trình giải quyết vấn đề đó và bảo đảm quyền con người, luôn phải gắn với các vấn đề khác trong đời sống chính trị và xã hội có tính thực tiễn của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Cuối cùng, tất cả các chuyên đề chính trị và xã hội, suy cho cùng, đều xuất phát và hướng đến con người. Tuy vậy, do tính đa chiều, phức tạp trong cách hiểu, cách tiếp cận các vấn đề chính trị, xã hội, nên việc lồng ghép cách tiếp cận và kiến thức nhân quyền trong giảng dạy các chuyên đề (hay môn học) này, cho đến nay, vẫn chưa được chú ý đúng mức và còn không ít bất cập, hạn chế.
Vì vậy, cần học hỏi và trao đổi có tính cầu thị về kinh nghiệm lồng ghép cách tiếp cận dựa trên quyền con người và lồng ghép kiến thức nhân quyền trong quá trình giáo dục các chuyên đề chính trị và xã hội, để có được một số nhận thức chung, nhằm thúc đẩy việc bồi dưỡng kiến thức, phương pháp tiếp cận, phương pháp nghiên cứu về quyền con người cho các các tổ chức chính trị và xã hội trong cả nước.
Bình luận